Tìm hiểu về những biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Tìm hiểu về những biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường
Khoảng một nửa số bệnh nhân có thể gặp biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường, nó cũng phổ biến hơn ở những người mắc bệnh lâu năm.

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường là một loại tổn thương thần kinh có thể xảy ra khi lượng đường trong máu cao làm tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể. Bệnh thường làm tổn thương các dây thần kinh ở chân và bàn chân.

Tùy thuộc vào các dây thần kinh bị ảnh hưởng, các triệu chứng của biến chứng thần kinh của tiểu đường có thể bao gồm từ đau, tê ở chân, bàn chân đến các vấn đề với hệ tiêu hóa, đường tiết niệu, mạch máu và tim.

1. Các triệu chứng của biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Các triệu chứng của biến chứng thần kinh thường xuất hiện dần dần. Trong nhiều trường hợp, loại tổn thương dây thần kinh đầu tiên xảy ra liên quan đến dây thần kinh bàn chân và dẫn đến triệu chứng đau đớn như kim châm ở bàn chân.

Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào các khu vực bị ảnh hưởng, trong đó các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến đáng chú ý của các biến chứng thần kinh do tiểu đường bao gồm:

- Nhạy cảm với các tiếp xúc trực tiếp, đôi khi mất xúc giác.

- Khó phối hợp tay chân khi đi bộ.

- Tê hoặc đau ở bàn tay hay bàn chân.

Tìm hiểu về những biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường - Ảnh 1.

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường là một loại tổn thương thần kinh (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Biến chứng tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường

Nhận biết và phòng ngừa biến chứng hạ đường huyết do tiểu đường

- Có cảm giác nóng ran ở bàn chân, đặc biệt là vào ban đêm

- Các cơ bắp gầy, yếu.

- Đầy hơi hoặc đầy bụng.

- Bbuồn nôn, khó tiêu hoặc nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.

- Chóng mặt mỗi khi đứng lên.

- Đổ mồ hôi quá nhiều, tăng nhịp tim.

- Các vấn đề về bàng quang, khô âm đạo, rối loạn cương dương.

- Vấn đề về thị lực, chẳng hạn như nhìn đôi.

2. Phân loại biến chứng thần kinh do tiểu đường

Người mắc tiểu đường có thể gặp 4 loại biến chứng thần kinh chính bao gồm bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thần kinh tự chủ, bệnh lý thần kinh gần và bệnh thần kinh khu trú.

2.1. Bệnh thần kinh ngoại biên

Dạng biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường phổ biến nhất là bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh thường ảnh hưởng đến bàn chân và chân, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cánh tay hoặc bàn tay với các triệu chứng đa dạng từ nhẹ đến nặng như:

- Cảm thấy tê bì ở tay chân, ngứa ran hoặc bỏng rát.

- Cực kỳ nhạy cảm với các tiếp xúc trực tiếp.

- Không nhạy cảm với nhiệt độ nóng và lạnh.

- Đau nhói ở tay, bàn tay, chân, bàn chân hoặc chuột rút.

- Yếu cơ, mất khả năng thăng bằng hoặc phối hợp tay chân.

Một số người sẽ gặp các triệu chứng thường xuyên hơn vào ban đêm. Những người mắc bệnh tiểu đường thường máu lưu thông kém nên vết thương khó lành hơn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể dẫn đến cắt cụt chi.

2.2. Bệnh lý thần kinh tự trị

Loại biến chứng thần kinh phổ biến thứ hai ở những người mắc bệnh tiểu đường là bệnh thần kinh tự trị. Hệ thống thần kinh tự trị điều hành các hệ thống khác trong cơ thể mà bạn không có ý thức kiểm soát. Nhiều cơ quan và cơ bắp được kiểm soát bởi nó bao gồm hệ thống tiêu hóa, tuyến mồ hôi, cơ quan sinh dục và bàng quang, hệ tim mạch...

Nếu tổn thương dây thần kinh đối với hệ tiêu hóa, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, khó nuốt, chứng rối loạn dạ dày. Chứng rối loạn dạ dày sẽ gây ra sự chậm trễ trong quá trình tiêu hóa, có thể nặng hơn theo thời gian, dẫn đến buồn nôn và nôn thường xuyên. Thông thường, bệnh nhân cũng sẽ cảm thấy no quá nhanh và không thể hoàn thành bữa ăn.

Tìm hiểu về những biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường - Ảnh 2.

Việc chậm tiêu hóa cũng sẽ khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn (Ảnh: Internet)

Việc chậm tiêu hóa cũng sẽ khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn, với các chỉ số cao và thấp xen kẽ nhau thường xuyên. Ngoài ra, các triệu chứng của hạ đường huyết, chẳng hạn như đổ mồ hôi và tim đập nhanh, có thể không bị phát hiện ở những người bị bệnh thần kinh tự trị.

Bệnh lý thần kinh tự trị cũng có thể gây ra các vấn đề tình dục, chẳng hạn như rối loạn cương dương, khô âm đạo hoặc khó đạt được cực khoái. Bệnh lý thần kinh trong bàng quang có thể gây ra tiểu không kiểm soát.

Nếu tổn thương xảy ra ở các dây thần kinh kiểm soát nhịp tim và huyết áp có thể khiến chúng phản ứng chậm hơn. Bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp và cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt khi đứng lên sau khi ngồi hoặc nằm xuống hoặc khi gắng sức. Bệnh lý thần kinh tự trị cũng có thể gây ra nhịp tim nhanh bất thường.

2.3. Biến chứng thần kinh gốc

Một dạng biến chứng thần kinh hiếm gặp là bệnh thần kinh gốc, còn được gọi là chứng teo cơ do đái tháo đường. Dạng bệnh lý thần kinh này thường thấy ở người lớn trên 50 tuổi với bệnh tiểu đường type 2 được kiểm soát khá tốt, và thường thấy ở nam giới.

Nó thường ảnh hưởng đến hông, mông hoặc đùi, bệnh nhân có thể bị đau đột ngột và đôi khi dữ dội. Yếu cơ ở chân có thể khiến khó đứng lên nếu không có sự trợ giúp. Đặc biệt hơn. chứng teo cơ do tiểu đường này thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.

Sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, chúng thường trở nên nghiêm trọng hơn và cuối cùng cải thiện từ từ. May mắn thay, hầu hết mọi người đều hồi phục trong vòng vài năm ngay cả khi không cần điều trị.

2.4. Bệnh thần kinh khu trú

Các biến chứng thần kinh khu trú do tiểu đường thường xuất hiện đột ngột, liên quan tới một sợi thần kinh độc lập hay một nhóm dây thần kinh cụ thể. Điều này xảy ra thường xuyên nhất ở tay, đầu, thân hoặc chân, xuất hiện đột ngột và thường rất đau.

Giống như biến chứng thần kinh gốc, hầu hết các biến chứng thần kinh khu trú sẽ biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng và không để lại tổn thương lâu dài. Loại phổ biến thường gặp nhất là hội chứng ống cổ tay.

Tìm hiểu về những biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường - Ảnh 3.

Chấn thương cơ học, chẳng hạn như chấn thương do hội chứng ống cổ tay là nguyên nhân gây biến chúng thần kinh của bệnh tiểu đường (Ảnh: Internet)

Các triệu chứng của biến chứng thần kinh khu trú bao gồm đau, tê, ngứa ran ở ngón tay, bệnh nhân không có khả năng tập trung, tầm nhìn đôi, nhức sau mắt. Bệnh nhân cũng có thể bị Liệt một bên mặt (Bell’s palsy) hay đau ở các khu vực biệt lập, chẳng hạn như mặt trước của đùi, lưng dưới, vùng xương chậu, ngực, dạ dày, bên trong bàn chân, bên ngoài cẳng chân hoặc yếu ở ngón chân cái.

3. Nguyên nhân gây biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường?

Biến chứng thần kinh tiểu đường sẽ xảy ra khi lượng đường trong máu cao trong một thời gian dài. Ngoài ra có một số yếu tố khác có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, chẳng hạn như:

- Tổn thương mạch máu do mức cholesterol cao.

- Chấn thương cơ học, chẳng hạn như chấn thương do hội chứng ống cổ tay.

- Các yếu tố lối sống, chẳng hạn như hút thuốc hoặc sử dụng rượu.

- Hàm lượng vitamin B-12 thấp cũng có thể dẫn đến biến chứng thần kinh. Metformin, một loại thuốc phổ biến được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường, có thể làm giảm nồng độ vitamin B-12.

4. Phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ xác định xem bạn có bị biến chứng thần kinh hay không bằng cách hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh. Bạn cũng sẽ được khám sức khỏe, kiểm tra mức độ nhạy cảm với nhiệt độ và xúc giác, nhịp tim, huyết áp và độ săn chắc của cơ.

Bác sĩ có thể làm xét nghiệm filament test để kiểm tra độ nhạy cảm ở bàn chân của bạn. Đối với phương pháp xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng một sợi nylon để kiểm tra các chi của bạn xem có bị mất cảm giác hay không. Một âm thoa có thể được sử dụng để kiểm tra và bác sĩ cũng có thể kiểm tra phản xạ mắt cá chân của bạn.

5. Điều trị biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Hiện nay vẫn chưa có cách chữa khỏi biến chứng thần kinh do tiểu đường, nhưng bệnh nhân có thể tiếp nhận điều trị để làm chậm sự tiến triển của nó. Kiểm soát lượng đường trong máu của mình luôn luôn ở mức tiêu chuẩn là cách tốt nhất để giảm khả năng phát triển bệnh thần kinh do tiểu đường hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Cách này cũng có thể làm giảm một số triệu chứng khó chịu gây ra bởi các biến chứng thần kinh.

Tìm hiểu về những biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường - Ảnh 5.

Biến chứng thần kinh ngoại biên rất phổ biến và có thể dẫn đến cắt cụt chi (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, việc bỏ thuốc lá và tập thể dục thường xuyên cũng là một phần của kế hoạch điều trị toàn diện. Tuy nhiên cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập một môn thể dục hay thể thao mới để nhận được những lời khuyên về mức độ và cường độ luyện tập phù hợp với tình trạng của bản thân.

5.1. Điều trị giảm đau

Thuốc có thể được sử dụng để điều trị cơn đau do biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường gây ra. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc hiện có và các tác dụng phụ tiềm ẩn của chúng. Một số loại thuốc đã được chứng minh là giúp giảm các triệu chứng một cách hiệu quả và được sử dụng nhiều hiện nay.

Các bệnh nhân cũng có thể xem xét các liệu pháp thay thế trong trường hợp không muốn sử dụng thuốc, chẳng hạn như châm cứu. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chỉ ra rằng việc kết hợp các liệu pháp thay thế này với thuốc có thể làm giảm nhẹ cơn đau hiệu quả hơn so với chỉ dùng thuốc hoặc chỉ dùng liệu pháp thay thế.

5.2. Điều trị làm giảm các triệu chứng khác

Tùy thuộc vào loại biến chứng thần kinh mà bệnh nhân mắc phải, bác sĩ sẽ đề xuất sử dụng các loại thuốc, liệu pháp hoặc thay đổi lối sống để giúp đối phó với các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nặng hơn xảy ra.

Ví dụ, nếu bệnh nhân gặp vấn đề về tiêu hóa do biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về việc ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn, hạn chế lượng chất xơ và chất béo trong chế độ ăn. Nếu bệnh nhân bị khô âm đạo, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng chất bôi trơn hoặc nếu bệnh nhân bị rối loạn cương dương, họ có thể kê đơn thuốc điều trị.

Biến chứng thần kinh ngoại biên rất phổ biến ở những người bị bệnh tiểu đường và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ở chân, từ đó có thể phải cắt cụt chi. Do đó, nếu bệnh nhân mắc biến chứng thần kinh ngoại biên, họ cần chăm sóc đặc biệt cho bàn chân và cần đến cơ sở y tế chuyên khoa nếu bị chấn thương hoặc cảm thấy đau ở chân.

6. Phòng ngừa biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Các biến chứng thần kinh do tiểu đường thường có thể phòng tránh được nếu bạn quản lý lượng đường trong máu của mình một cách thận trọng. Để có thể giữ đường huyết ở mức ổn định, có thể thực hiện các biện pháp sau:

- Theo dõi mức đường huyết một cách thường xuyên.

- Dùng thuốc theo quy định của bác sĩ.

- Quản lý chế độ ăn uống một cách lành mạnh  và khoa học.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-neuropathy/symptoms-causes/syc-20371580

2. https://www.diabetes.org/diabetes/complications/neuropathy

3. https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/diabetic-neuropathy

4. https://www.diabetes.co.uk/diabetes-complications/diabetes-neuropathy.html

Tìm hiểu về những biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường - Ảnh 6.


Tác giả: Anh Dũng