Tìm hiểu về nhựa lúa mạch, có thật sự an toàn tuyệt đối như quảng cáo?

Tìm hiểu về nhựa lúa mạch, có thật sự an toàn tuyệt đối như quảng cáo?
Nhựa lúa mạch hay còn có nhiều tên gọi khác là bát đũa lúa mạch, nhựa pp lúa mạch... Nhiều người đang nhầm tưởng loại nhựa này có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên, điều này liệu có đúng không và khi sử dụng có những mặt lợi, hại như thế nào?

Thay vì sử dụng đồ thủy tinh, bát nhựa, thìa nhựa thì hiện nay, nhiều người đang có xu hướng chuyển hẳn sang việc sử dụng đồ nhựa từ lúa mạch vì cho rằng loại nhựa này an toàn tuyệt đối cho sức khỏe và có thể sử dụng được trong lò vi sóng. Thực hư loại nhựa này như thế nào?

Hiện nay, mặt hàng nhựa lúa mạch xuất hiện rất phổ biến trên thị trường đồ gia dụng với những quảng cáo như: nhựa được làm từ lúa mạch, nguyên liệu chính là thân lúa mạch kết hợp với nhựa PP an toàn tuyệt đối, có khả năng chịu nhiệt độ cao lên đến 120 độ C. Không sản sinh ra thành phần hóa học khi đựng thức ăn nóng hoặc khi tráng nước sôi. Dùng được trong tủ đông, trong lò vi sóng. Không chứa BPA (một chất gây ung thư). Giá của những chiếc bát này dao động khoảng 50.000 – 60.000đ có thể dùng lâu dài và đặc biệt an toàn cho bé.

Đây là những quảng cáo về mặt hàng nhựa lúa mạch, thực tế loại nhựa này có thật sự tốt và không có tác hại nào với cơ thể?

Tìm hiểu về nhựa lúa mạch,  - Ảnh 1.

Nhựa được làm từ lúa mạch, nguyên liệu chính là thân lúa mạch kết hợp với nhụa PP an toàn tuyệt đối - Ảnh Internet

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, nhựa PP chính là nhựa polypropylen, được dùng để làm chai nước khoáng. Loại nhựa này được phép sử dụng cho thực phẩm, nhưng không phải loại nguyên liệu an toàn tuyệt đối.

Vật liệu độn vào để làm nên loại nhựa này là thân cây lúa mạch, cũng giống như bột gỗ thường dùng trong các loại nhựa khác. Cho nên việc an toàn tuyệt đối là không hẳn.

“Về bản chất thì tên gọi “bát thìa lúa mạch” được đặt cho sang thôi, chứ vật liệu thân cây lúa mạch cũng giống như mùn cưa thôi. Người ta vẫn trộn nó với nhựa PP để tạo ra cái bát nhựa fip mà chúng ta vẫn quen sử dụng”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

1. Nhựa lúa mạch không an toàn tuyệt đối, cẩn thận khi dùng trong lò vi sóng

Theo nhiều chuyên gia, không có vật liệu nào được coi là an toàn tuyệt đối, đặc biệt là dùng trong lò vi sóng vì nhiệt độ vi sóng rất cao, có thể hơn 200 độ C và lúc này nhựa PP có thể bị chảy.

Độ nóng chảy này nhanh hay chậm phụ thuộc vào hàm lượng “độn” là thân lúa mạch hay mùn cưa. Đối với nhựa thì nhiệt độ an toàn là dưới 100 độ C. Vượt quá mức này, nhựa PP sẽ bị cắt mạch, giải phóng ra monome, đây là một hợp chất cực độc với sức khỏe.

Tùy vào hàm lượng độn gỗ hay thân lúa mạch mà mức độ nguy hại của chúng cũng khác nhau. Tuy nhiên việc monome bị giải phóng cũng rất gây hại cho người dùng.

Trường hợp chỉ sử dụng loại thì bát này đựng thức ăn nguội, hâm nóng ở nhiệt độ thấp thì không ảnh hưởng nhiều nhưng nếu nhiệt độ vượt quá 100 độ C kết hợp với thời gian sử dụng lâu dài thì ảnh hưởng đến sức khỏe là điều có thể.

Tìm hiểu về nhựa lúa mạch,  - Ảnh 2.

Hình ảnh nhựa lúa mạch - Ảnh Internet

Loại vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường thì tốt, nhưng tốt như thế nào, trong điều kiện nào thì không tốt, người tiêu dùng cần phải nắm rõ. Đặc biệt là các chỉ số an toàn có ghi trên nắp sản phẩm người tiêu dùng nên nắm rõ.

2. Cẩn trọng với những loại đồ nhựa dùng một lần

Những loại chai nhựa, bát nhựa dùng một lần rất nguy hiểm nếu sử dụng tái chế cho nhiều lần sau. Loại nhựa này đặc biệt khi tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp hoặc nhiệt độ cao có thể khiến các hóa chất bị trộn lẫn vào nước gây rối loạn nội tiết. Một số chai nhựa có chứa BPA một loại hóa chất khá giống với hormone nữ giới như estrogen. Phơi nhiễm BPA qua việc tiếp xúc với nhựa có thể gây ra tình trạng dậy thì sớm hoặc muộn ở nữ giới.

Tìm hiểu về nhựa lúa mạch,  - Ảnh 3.

Đồ nhựa sử dụng một lần - Ảnh Internet

BPA cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, hệ thần kinh và tăng lượng mỡ cơ thể, quá trình phát triển sinh lý ở trẻ em. BPA tác động xấu và làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.

Đối với đồ dùng cho trẻ nhỏ, bạn nên sử dụng các vật liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chỉ số an toàn cao, hạn chế sử dụng trong môi trường quá nóng như đun nhiều giờ trên bếp, quay trong lò vi sóng. Đặc biệt cẩn trọng với những mặt hàng nhựa gia dụng giá rẻ, trôi nổi trên thị trường.


Tác giả: Anh Dũng