Tìm hiểu về nhu cầu iot của cơ thể

Tìm hiểu về nhu cầu iot của cơ thể
Iot là một chất quan trọng, đóng nhiều vai trò khác nhau đối với sức khỏe người sử dụng. Sử dụng đúng nhu cầu iot sẽ đảm bảo chức năng của cơ thể hoạt động bình thường, thiếu hoặc thừa iot đều gây nên các hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.

1. Vai trò của iot đối với sức khỏe là gì?

Iot là một chất khoáng chiếm tỷ lệ rất thấp trong cơ thể, tuy nhiên vai trò của iot đối với cơ thể lại không thể bỏ qua. Iot là nguyên liệu quan trọng nhất để cơ thể có thể tổng hợp nên các hormon của tuyến giáp.

Các vai trò của iot thường không thể hiện trực tiếp mà thể hiện qua các tác dụng của hormone tuyến giáp. Những tác dụng của iot đối với cơ thể có thể kể đến như điều hòa sự phát triển của cơ thể từ thời kỳ thai nhi cho đến thời kỳ phát triển sau sinh, điều hòa sự phát triển trí tuệ, điều hòa trao đổi chất, điều hòa thân nhiệt, điều hòa hoạt động các hệ cơ quan như tiêu hóa, tim mạch,...

Vì vậy có thể nói rằng, iot là một chất có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe con người và không thể thay thế. Tuy nhiên cơ thể con người lại không thể tự tổng hợp iot mà buộc phải sử dụng iot được đưa vào từ các nguồn bổ sung (thực phẩm chứa iot hay các chế phẩm bố sung iot).

2. Nhu cầu iot bao nhiêu là đủ?

Do iot có nhiều vai trò khác nhau và vô cùng quan trọng đối với cơ thể, do vậy việc bổ sung iot hằng ngày và đều đặn cho cơ thể là hết sức cần thiết. Bất kể sự cung cấp thừa hay thiếu iot so với nhu cầu iot của cơ thể cũng sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Không có con số chính xác thể hiện nhu cầu iot chung cho tất cả mọi người. Nhu cầu sử dụng iot có sự biến động bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng như lứa tuổi, giới tính, thể trạng, hoặc các trạng thái sức khỏe đặc biệt (mang thai, cho con bú, mắc các bệnh lý tuyến giáp, mắc các bệnh tim mạch,...)

Tuy nhiên qua nghiên cứu và thống kê, người ta đưa ra mức khuyến nghị về nhu cầu iot cho một số lứa tuổi như sau:

- Từ 0-6 tuổi: 90mcg/ngày

- Từ 7-12 tuổi: 120mcg/ngày

- Trên 12 tuổi: 150mcg/ngày

- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: 200mcg/ngày

Lượng iot tối đa mà cơ thể có thể dung nhập được theo lứa tuổi:\

-Từ 1-3 tuổi: 200mcg/ngày

- Từ 4-8 tuổi: 300mcg/ngày

- Từ 9-13 tuổi: 600mcg/ngày

- Từ 14-18 tuổi: 900mcg/ngày

- Người trưởng thành:1100mcg/ngày.

3. Hậu quả của thiếu hoặc thừa iot

Iot có nhiều tác dụng đối với cơ thể, nhưng sự hiệu quả cũng như tính tích cực của các tác dụng này chỉ được thể hiện đầy đủ khi lượng iot nhập vào phù hợp với nhu cầu iot của cơ thể. Sử dụng quá nhiều hay quá iot cũng sẽ gây nên các hậu quả sức khỏe nghiêm trọng khác nhau. Phát hiện sớm các biểu hiện của thừa hoặc thiếu iot là cơ sở để có hướng xử trí kịp thời.

- Thiếu iot: Do iot cấu trúc nên hormon tuyến giáp, vì thế sử dụng thiếu so với nhu cầu iot của cơ thể sẽ gây thiếu hormon tuyến giáp và gây nên các hậu quả sức khỏe gián tiếp. Các hậu quả của thiếu iot có nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào thiếu iot nhiều hay ít, hay gặp là khô da, táo bón, sợ lạnh, chậm phát triển, đần độn, các biến chứng thai kỳ (sẩy thai, thai lưu),...

- Thừa iot: Thừa iot thường ít được chú ý hơn thiếu iot vì không gây nên nhiều hậu quả nguy hiểm như thiếu iot. Nhưng nếu không được phát hiện sớm, sử dụng dư thừa so với nhu cầu iot có thể gây nên cường giáp do thừa iot, suy giáp do thừa iot, một số bệnh lý tuyến giáp, ung thư tuyến giáp,...

Có thể thấy rằng, việc sử dụng iot theo đúng nhu cầu iot của cơ thể là điều vô cùng quan trọng để có thể đảm bảo sức khỏe và phát huy tối đa các tác dụng của iot với cơ thể. Vì vậy, mỗi người nên có chế độ sử dụng iot hợp lý để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng iot.


Tác giả: QN