Tìm hiểu về đo chức năng hô hấp và test phục hồi phế quản

Tìm hiểu về đo chức năng hô hấp và test phục hồi phế quản
Đo chức năng hô hấp là kỹ thuật thường dùng trong chẩn đoán bệnh lý hô hấp. Trong khi đó, test phục hồi phế quản được dùng để kiểm tra khả năng đáp ứng với thuốc giãn phế quản.

Đo chức năng hô hấp và test phục hồi phế quản là những kỹ thuật phổ biến hiện nay. Chúng thường được tiến hành với nhiều mục đích chẩn đoán khác nhau. Cùng tìm hiểu thêm về đo chức năng hô hấp và test phục hồi phế quản trong bài viết sau.

1. Đo chức năng hô hấp

- Khái niệm

Đo chức năng hô hấp là kỹ thuật được dùng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh lý hô hấp. Kỹ thuật này sẽ giúp ghi lại những thông số liên quan đến hoạt động của phổi. Từ đó, giúp bác sĩ đánh giá được 2 hội chứng rối loạn thông khí phổ biến là tắc nghẽn và hạn chế.

Bên cạnh đó, đo chức năng hô hấp cũng cho ra kết quả về lưu lượng không khí đang lưu thông trong phổi và phế quản. Nhờ vậy mà bác sĩ sẽ xác định được độ nghiêm trọng của tình trạng tắc nghẽn phế quản và giãn phế nang.

Đo chức năng hô hấp được chỉ định trong trường hợp nào?

Kỹ thuật đo chức năng hô hấp thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

- Chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến hô hấp. Đặc biệt là khi bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm bất thường.

- Theo dõi, lượng giá khả năng đáp ứng điều trị và diễn tiến của một số căn bệnh. Chẳng hạn như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi hạn chế...

- Tầm soát bệnh ở các đối tượng có nguy cơ cao. Ví dụ như người hút thuốc lá hoặc người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại.

- Lượng giá sức khỏe trước khi bắt đầu luyện tập.

Tuy nhiên, đo chức năng hô hấp sẽ không được khuyến khích trong các trường hợp như:

- Nhiễm trùng đường hô hấp cấp.

- Ho ra máu bất thường, không rõ nguyên nhân.

- Có dấu hiệu phình động mạch chủ ngực và bụng.

- Nhồi máu cơ tim hoặc vừa phẫu thuật mắt, bụng và ngực 3- 6 tháng.

- Đau tức ngực không rõ nguyên nhân, đau thắt ngực bất thường trong 24 giờ.

- Bệnh lao phổi tiến triển.

do chuc nang ho hap

Các bước tiến hành

Các bác sĩ sẽ tiến hành đo chức năng hô hấp theo các bước sau đây :

Bước 1: Bệnh nhân được yêu cầu hít vào và thở ra bình thường trước khi hít sâu và thở thật mạnh.

Bước 2: Bệnh nhân tiếp tục được yêu cầu hít vào và thở ra bình thường. Tiếp đến, bệnh nhân phải hít vào thật sâu và thổi hơi ra thật nhanh và hết sức có thể. Việc thở ra của bệnh nhân sẽ được tiến hành trong ít nhất là 6 giây.

Khi thực hiện động tác, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện liên tục, không được ngừng đột ngột. Nếu ngừng động tác, kết quả đo chức năng hô hấp bệnh nhân sẽ có khả năng bị sai lệch. Đây là điều vô cùng nguy hiểm, bởi nó sẽ dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị sai.

Đánh giá kết quả

FEV1 (thể tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên) là tiêu chí cần quan tâm khi đo chức năng hô hấp. Nếu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính của bệnh nhân tiến triển thì FEV1 sẽ giảm dần. Khi FEV1 dưới 40% trị số bình thường thì phổi không còn khả năng duy trì chức năng bình thường. Đồng thời, lượng oxy trong máu cũng sẽ có xu hướng giảm sút theo. Việc thiếu oxy trong máu sẽ được xác định và đánh giá rõ hơn trong xét nghiệm khí máu.

2. Test phục hồi phế quản

Test phục hồi phế quản là gì?

Test phục hồi phế quản là một kiểm tra đối với việc sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít. Kiểm tra này sẽ đánh giá khả năng đáp ứng của cơ trơn đường thở với thuốc giãn phế quản. Ngoài ra, test phục hổi phế quản còn được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân dùng corticoid.

Test phục hồi phế quản thường được chỉ định trong trường hợp nào?

Test phục hồi phế quản sẽ được yêu cầu trong các trường hợp sau đây:

- Bệnh nhân có kết quả đo chức năng hô hấp là FEV1/FVC < 70%.

- Bệnh nhân có tình trạng FEV1 giảm nghi ngờ là rối loạn thông khí tắc nghẽn không điển hình

- Chẩn đoán xác định bệnh hen phế quản.

- Chẩn đoán phân biệt bệnh hen phế quản và COPD.

Các bước tiến hành

Để test phục hồi phế quản, bệnh nhân sẽ được yêu cầu hít 400mcg salbutamol và ngồi chờ 15 phút. Để nâng cao hiệu quả của thuốc hít, bệnh nhân có thể hít thông qua buồng đệm được xịt thuốc. Sau khoảng 20 phút, bệnh nhân sẽ được đo lại chức năng hô hấp.

Đánh giá kết quả

Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là test hồi phục phế quản dương tính nếu FEV1 sau khi hít thuốc giãn phế quản cải thiện được 200ml và 12%. Điều này cũng có nghĩa là bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản. Ngược lại, nếu chức năng hô hấp hoàn toàn bình thường sau test hồi phục phế quản, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là hen phế quản.

Đo chức năng hô hấp hấp và test phục hồi phế quản là kỹ thuật có thể tiến hành ở nhiều nơi. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác, bệnh nhân nên chọn các cơ sở y tế có uy tín.


Tác giả: Thùy Dung