Bầm tím là một trong những triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến chẩn đoán ung thư máu. Có khoảng 24% bệnh nhân thường xuyên bị bầm tím trước chẩn đoán bệnh ung thư máu. Do vậy, xác định những bất thường của triệu chứng bầm tím dưới da được coi là một trong những chìa khóa trong chẩn đoán bệnh bạch cầu sớm.
Nguyên nhân gây bầm tím trong ung thư máu là do bệnh ung thư máu làm rối loạn quá trình sản xuất các tế bào tiểu cầu của cơ thể, gây ra sụt giảm số lượng tiểu cầu nghiêm trọng. Tiểu cầu lại có vai trò quan trọng trong việc hình thành các cục máu đông, ngăn ngừa sự chảy máu. Khi tiểu cầu thấp, bệnh nhân thường dễ bị chảy máu hơn. Khi không có đủ tiểu cầu để chặn các mao mạch bị vỡ thì máu sẽ rò rỉ vào da, gây ra các vết bầm tím dưới da.
Người trưởng thành khỏe mạnh sẽ có từ 150.000 đến 450.000 tiểu cầu trong mỗi microlitre máu. Khi tiểu cầu ít hơn lượng này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu và gây bầm tím. Tên khoa học của tình trạng này là "giảm tiểu cầu"
Theo các bác sĩ chuyên khoa, những vết bầm tím trong ung thư máu này thường lưu lại dưới da rất lâu, cần nhiều tuần để biến mất. Nhưng nếu bệnh nhân chăm sóc da nhẹ nhàng, tránh các chấn thương thì có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Vết bầm tím được định nghĩa là tình trạng chảy máu xảy ra bên dưới da, gây ra các vết đen, xanh hoặc tím có thể nhìn thấy rõ ràng trên bề mặt da. Bầm tím là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với chấn thương. Trong trường hợp này, chúng ta không cần lo lắng quá nhiều, vết bầm tím sẽ biến mất theo thời gian.
Tuy nhiên, ung thư máu cũng thường gây bầm tím. Những vết bầm tím trong ung thư máu trông rất giống với vết bầm tím thông thường nên bệnh nhân thường bỏ qua vì nghĩ chúng vô hại. Vậy làm sao để phân biệt bầm tím trong ung thư máu và bầm tím thông thường?
- Bạn bị bầm tím mà không thể xác định được nguyên nhân. Hoặc cơ thể bạn xuất hiện vết bầm tím sau những va chạm rất nhẹ, không đáng kể.
- Mặc dù vết bầm tím trong ung thư máu rất giống với vết bầm tím thông thường, nhưng chúng lại thường xảy ra ở những nơi khác thường như mặt, mông, tai, ngực và đầu.
- Không có gì bất thường nếu như bạn có một vài vết bầm tím trên người, đặc biệt khi bạn là 1 người năng động. Nhưng sẽ là bất thường nếu trên người bạn xuất hiện quá nhiều vết bầm tím mà bạn không lý giải được nguyên nhân.
- Thời gian tồn tại vết bầm là một trong những cách đánh giá mức độ nguy hiểm của vết bầm đơn giản và chính xác nhất. Một vết bầm bình thường có xu hướng lành sau khoảng 2 - 4 tuần. Nhưng nếu nó kéo dài trên 4 tuần mà không có xu hướng mờ đi, rất có thể đó là vết bầm tím trong ung thư máu.
- Vết bầm tím bình thường sẽ không gây hại và ảnh hưởng tới sức khỏe. Bầm tím trong ung thư máu thường đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, chảy máu chân răng, chảy máu cam, mệt mỏi, sụt cân, đau xương,....
Chỉ cần chú ý 1 chút, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được bầm tím trong ung thư máu và bầm tím thông thường. Khi nhận thấy những bất thường, mọi người nên đến bệnh viện để được kiểm tra cẩn thận, chính xác. Hiểu và nhận biết sớm những triệu chứng điển hình của bệnh ung thư máu là rất quan trọng để giúp bạn đưa ra quyết định đến gặp bác sĩ sớm hơn. Chẩn đoán sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị, tăng cơ hội được cứu sống.
Nguồn dịch: https://www.leukaemiacare.org.uk/support-and-information/latest-from-leukaemia-care/blog/spotting-the-difference-bruising-in-leukaemia-vs-ordinary-bruising/