Tìm hiểu về các loại ung thư da thường gặp

Tìm hiểu về các loại ung thư da thường gặp
Ung thư da là một căn bệnh nguy hiểm, trên thế giới, đây là căn bệnh phổ biến đặc biệt ở Mỹ. Ung thư da gây ra những nguy hiểm và khó khăn cho người bệnh. Vậy có các loại ung thư da nào và bạn nên phòng tránh ra sao là những gì bài viết sẽ mang đến cho bạn.

1. Ung thư da là gì?

Ung thư da là một trong những bệnh ung thư thường gặp và khá dễ chẩn đoán. Ung thư da xuất hiện khi các tế bào bất thường trên da phát triển một cách không kiểm soát, che phủ mặt ngoài cơ thể, gồm nhiều lớp tế bào. Có 3 dạng ung thư da chính:

- Ung thư biểu mô vảy do lớp tế bào vảy sinh ra

- Ung thư tế bào đáy do lớp tế bào đáy sinh ra

- Ung thư tuyến bã, tuyến mồ hôi do các tuyến phụ thuộc của da như tuyến bã, tuyến mồ hôi sinh ra.

ung thư da

Ung thư da là một căn bệnh thường gặp và khá dễ chẩn đoán. (Nguồn ảnh: Internet)

Ung thư da thường xuất hiện ở những vùng da hở với tỷ lệ 90% ở vùng đầu, mặt và cổ. Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người da màu, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư da rơi vào khoảng 2,9 - 4,5/100.000 người.

Ung thư da có chữa được không? Nếu bệnh ung thư da được phát hiện sớm thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn.

2. Triệu chứng ung thư da

Bệnh ung thư da ở giai đoạn đầu rất dễ nhầm lẫn với những tổn thương da lành tính khác như sẹo cũ, loét da,.... Mỗi loại ung thư da khác nhau sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau. Dưới đây là những triệu chứng ung thư da phổ biến

triệu chứng ung thư da

Triệu chứng của bệnh ung thư da rất dễ bị nhầm lẫn với các các tổn thương da lành tính khác. (Nguồn ảnh: Internet)

Ung thư da biểu mô tế bào vảy:

Loại ung thư này hay gặp ở vùng da đầu

- Tế bào ung thư phát triển trên nền sẹo cũ như vết bỏng. Khối u sần sùi, bề mặt mủn nát và rất dễ chảy máu

- U phát triển nhanh chóng, gây ra tình trạng loét sùi theo bề mặt nông. U có thể tấn công vào xương sọ, làm biến dạng và gây ra tình trạng bội nhiễm trầm trọng

- Tế bào ung thư biểu mô vảy hay di căn sang khu vực như vùng chẩm, vùng cổ, hạch trước tai, dưới hàm, dưới cằm: hạch di căn thường chắc, to, đứng riêng lẻ hoặc dính thành đám, hạch có thể cố định hoặc di chuyển.

Ung thư da biểu mô tế bào đáy:

- Loại ung thư này hay xuất hiện ở vùng thái dương, mặt, mũi, má

- Vùng da bị bệnh sẽ xuất hiện những vết loét nhỏ, đáy nhẵn, mặt đáy giãn mao mạch, đáy nhẵn, đóng vảy mỏng, vết loét có thể có màu đen nên rất dễ bị nhầm lẫn với ung thư hắc tố

- Vết loét thường phát triển từ nốt ruồi, mụn cơm và nốt xơ da nhiễm sắc

- Các vết loét phát triển chậm, ít xâm lấn sâu và có bờ đều phá hủy và lan theo bề mặt da

- Ung thư da biểu mô tế bào đáy không di căn hạch và không di căn xa

- Một vài trường hợp loét sâu để lộ xương hàm, gây bội nhiễm và phù nề đỏ xung quanh

Ung thư các tuyến phụ thuộc da: 

- Bao gồm tuyến bã và tuyến mồ hôi

- Các tế bào ung thư nằm ngay dưới da, đẩy lồi da lên cao và thường bị nhầm với ung thư phần mềm

- Khối u phát triển nhanh, chắc, dinh động, có thể tấn công sâu xuống cơ và xương


3. Nguyên nhân gây bệnh ung thư da

Ung thư da xuất hiện khi có đột biến (lỗi) trong ADN của các tế bào da. Những tế bào này phát triển không theo kiểm soát và nhu cầu của cơ thể, tạo thành các tế bào ung thư. 

Nguyên nhân chính gây ra đột biến trong ADN của các tế bào da gồm:

- Tiếp xúc với các tia bức xạ: bức xạ tia cực tím từ các tia nắng mặt trời và các đèn phát tia tử ngoại như đèn hồ quang thạch anh lạch, thủy ngân, carbon,... và bức xạ ion hóa

- Các bệnh lý da tồn tại từ trước: viêm da mãn tính hoặc chấn thương da, nhiễm trùng da, tàn nhang, bênh bowen, bệnh dày sừng quang hóa, suy giảm hệ miễn dịch,...

- Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư: Tiếp xúc lâu với dầu nhờn, thuốc trừ sâu diệt cỏ, nhựa than đá, nhựa đường,... cũng có thể gây ra ung thư da

nguyên nhân gây ung thư da

Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây ung thư da. (Nguồn ảnh: Internet)

4. Những ai có nguy cơ bị ung thư da

Ung thư da là căn bệnh khá phổ biến. Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da:

- Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời: Hoạt động quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, đặc biệt là khi không mặc quần áo hoặc sử dụng kem chống nắng

- Tiếp xúc với hóa chất độc hại như Asen cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư da

- Mắc các hội chứng di truyền như hội chứng Bowen, hội chứng Torres, hội chứng Gardner

- Suy giảm hệ miễn dịch: sau ghép tạng, HIV, dùng thuốc ức chế miễn dịch ở các bệnh nhân mắc bệnh tự miễn

- Mắc các bệnh lý tiền ung thư da

ung thư da

Tiếp xúc với hóa chất độc hại như Asen cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư da. (Nguồn ảnh: Internet)

5. Các biện pháp chẩn đoán ung thư da

Để chẩn đoán ung thư da, bác sĩ có thể khám lâm sàng bằng cách sử dụng kính lúp để soi các vùng da bị tổn thương. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán ung thư da cần thiết như:

- Chụp X-quang: giúp phát hiện và đánh giá mức độ của bệnh

- Sinh thiết vùng da nghi ngờ mắc bệnh: biện pháp này giúp xác minh kết quả chẩn đoán. Bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ và lấy một mẫu nhỏ ở vùng da nghi ngờ bị bệnh sau đó tiến hình sinh thiết dưới kính hiển vi. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp xác định xem bạn có bị ung thư da hay không, nếu có thì thuộc loại nào và giai đoạn bệnh cụ thể. 

6. Điều trị ung thư da

Dựa vào kết quả xét nghiệm, mức độ, tình trạng bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị ung thư da phổ biến gồm:

- Phẫu thuật da: phương pháp này được áp dụng cho các bệnh nhân ung thư da ở giai đoạn đầu, khi đó khối u chưa xâm lấn sang các vị trí khác. Bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u, đảm bảo không còn sót lại tế bào ung thư. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố như: kích thước, vị trí, bề rộng của khối u, mức độ thâm nhiễm và vấn đề thẩm mỹ. 

- Phẫu thuật dao lạnh: phương pháp này sử dụng khí nitơ phun lên bề mặt vùng da có tế bào ung thư và làm cho các tế bào ung thư tiêu biến.

- Nạo và đốt điện: phương pháp này được sử dụng để loại bỏ phần da bị ung thư.

- Ghép da: phương pháp này giúp cấy ghép da, làm đầy phần da đã bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật

- Hóa trị: Phương pháp này chỉ được chỉ định đối với những bệnh nhân bị ung thư da giai đoạn cuối

- Xạ trị: Phương pháp này chỉ được chỉ định đối với trường hợp bệnh nhân bị ung thư da giai đoạn cuối

điều trị ung thư da

Điều trị ung thư da (Nguồn ảnh: Internet).

7. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Để phòng tránh và kiểm soát ung thư da, bạn nên có những thói quen sau:

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào thời điểm giữa trưa, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều

- Mặc quần áo bảo hộ khi đi ra ngoài

- Thường xuyên bôi kem chống nắng

- Không sử dụng thuốc nhuộm màu da

- Không nên tắm nắng quá lâu

- Thường xuyên kiểm tra da và báo với bác sĩ về những thay đổi bất thường của da

Tác giả: Thanh Thanh