Tìm hiểu về biến chứng hẹp ống sống do thoái hoá cột sống gây ra

Tìm hiểu về biến chứng hẹp ống sống do thoái hoá cột sống gây ra
Biến chứng hẹp ống sống là một trong những biến chứng nguy hiểm của thoái hoá cột sống. Vị trí hẹp ống sống có thể là cột sống cổ, ngực hoặc thắt lưng. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động ở người bệnh.

Hẹp ống sống có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân gây ra bởi thoái hoá cột sống. Cùng tìm hiểu hiện tượng hẹp ống sống tại 3 vị trí cổ, ngực và thắt lưng qua bài viết sau.

Tìm hiểu về biến chứng hẹp ống sống do thoái hóa cột sống:

1. Biến chứng hẹp ống sống cổ

Nguyên nhân của hẹp ống sống cổ là do phần thoái hoá ở cột sống cổ phì đại lên và chèn ép vào tuỷ. Phần không gian giữa ống sống cổ vốn khá hẹp nên phần phì đại dễ dàng chèn ép hơn. Bệnh có nguy cơ cao hơn đối với những người hẹp ống sống cổ bẩm sinh.

Triệu chứng của bệnh thường là đau mỏi kéo dài tại vùng vai, gáy. Đau có xu hướng lan xuống hai cánh tay, nguy hiểm hơn là liệt chi nếu chèn ép kéo dài. Hẹp ống sống cổ do thoái hoá cột sống phổ biến nhất là cốt hoá dây chằng dọc sau. Phần dây chằng khiến lòng ống sống bị thu hẹp một đoạn dài và chèn ép vào tuỷ.

Bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để xử lý các chèn ép ở tuỷ. Phẫu thuật làm mở rộng cung sau, tạo hình ống sống hoặc cắt bỏ cung sau. Việc này nhằm mục đích tạo không gian cho các tuỷ sống, tránh chèn ép.

2. Biến chứng hẹp ống sống ngực

Dạng thường gặp nhất của hẹp ống sống ngực do thoái hoá cốt sống là cốt hoá dây chằng vàng. Dây chằng vàng là phần dây chằng tạo nên thành sau của của ống sống qua các cấu trúc xương. Nguyên nhân của hẹp ống sống ngực là phần dây chằng vàng phì đại do cốt hoá chèn vào tuỷ.

Đây là biến chứng nguy hiểm, chỉ định phẫu thuật cũng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phẫu thuật nhằm mục đích giải phóng không gian, tránh các chèn ép vào tuỷ sống. Phần dây chằng vàng bị cốt hoá được lấy đi hoàn toàn.

3. Biến chứng hẹp ống sống thắt lưng 

Là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất trong các dạng hẹp ống sống do thoái hoá cột sống. Bệnh gây ra những tổn thương thần kinh và ảnh huởng đến chức năng di chuyển của người bệnh. Triệu chứng của hẹp ống sống thắt lưng do thoái hoá bao gồm:

- Chân, bắp chân và vùng mông có dấu hiệu đau và tê cứng kéo dài.

- Có dấu hiệu tương tự bệnh thần kinh toạ như đau cẳng chân và đùi.

- Cơn đau có xu hướng giảm khi nghỉ ngơi, ngồi, nằm hoặc cúi người về phía trước.

- Gây rối loạn hiện tượng tiểu tiện và đại tiện.

- Có nguy cơ hạn chế khả năng vận động của chi dưới. Gây ra hiện tượng "giả cách hồi".

Biến chứng xuất phát từ việc dây chằng vàng và bao khớp có hiện tượng phì đại. Phần phì ra này khiến ống sống hẹp và làm cho đĩa cuối vỡ ra tạo thành các khối liên quan đến đĩa đệm. Các khối này có thể bị lệch và di chuyển va chạm vào các dây thần kinh. Đặc biệt là khi người bệnh vận động các khối này sẽ bị lệch và gây áp lực mạnh hơn.

Bệnh thường diễn tiến chậm, kéo theo hiện tượng đĩa đệm giảm đàn hồi và chiều cao. Bệnh cũng có thể gây ra tình trạng lồi nhân nhầy đĩa đệm vào ống sống. Nguy hiểm hơn là tình trạng phì đại và hoá xương. Đây là nguyên nhân gây hẹp lòng ống sống và lỗ liên hợp khiến các dây thần kinh dồn ép vào nhau.

Trong trường hợp phải phẫu thuật, bác sĩ sẽ tư vấn các phương án dựa trên mức độ của bệnh. Phẫu thuật này sẽ tạo ra sự liên kết giữa các đốt sống và giữ vững khung cột sống. Cơn đau sẽ được đẩy lùi và tránh được tình trạng mất thăng bằng sau mổ.

Người bệnh thoái hoá cột sống cần có ý thức chăm sóc sức khoẻ để tránh được các biến chứng. Hẹp ống sống hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị sớm. Đừng để các cơn đau xương khớp hành hạ chỉ vì sự chủ quan của bản thân.


Tác giả: Thùy Dung