Tìm hiểu về bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Tìm hiểu về bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng ở những người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Chính lối sống và những thói quen sinh hoạt hàng ngày khiến căn bệnh này ngày càng phổ biến.

Tuổi tác không còn là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng thoái hoá cột sống thắt lưng. Chính lối sống và những thói quen sinh hoạt hàng ngày khiến căn bệnh này ngày càng phổ biến. Vậy bạn đã có những hiểu biết và quan tâm đúng mức về căn bệnh này chưa? Cùng điểm qua nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh thoái hoá cột sống thắt lưng trong bài viết sau nhé!

1. Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng là tình trạng tổn thương và biến đổi ở các bộ phận: sụn khớp, đĩa đệm, xương dưới sụn, màng hoạt dịch,.. vùng thắt lưng. Bệnh gây ra tình trạng đau nhức kéo dài. Cơn đau có thể lan ra các bộ phận kế cận làm giảm khả năng di chuyển và vận động.

Theo nghiên cứu, sau độ tuổi 30, con người bắt đầu có nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp. Những nguyên nhân chính gây ra thoái hóa cột sống thắt lưng bao gồm:

- Vấn đề tuổi tác: Theo thời gian, áp lực lên các lên các vùng đĩa đệm và sụn khớp càng gia tăng. Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng lão hoá và tổn thương xương khớp. Vùng cột sống thắt lưng chịu lực và hoạt động nhiều nên càng dễ bị chấn thương, dẫn đến thoái hoá cột sống thắt lưng.

- Đặc thù công việc: Người hoạt động với cường độ cao và liên tục là đối tượng dễ mắc thoái hoá cột sống thắt lưng nhất. Việc khuân vác các vật nặng khiến vùng thắt lưng dễ tổn thương hơn và khó hồi phục hơn.

- Thói quen sinh hoạt: Tư thế ngồi không đúng chuẩn tạo áp lực lên vùng thắt lưng. Thói quen nằm sai tư thế trong thời gian dài cũng là tác nhân gây thoái hóa cột sống thắt lưng.

- Yếu tố di truyền: Những người có người thân mắc bệnh xương khớp hoặc bị dị tật bẩm sinh liên quan đến cột sống cũng có nguy cơ mắc thoái hoá cột sống thắt lưng cao.

- Các chấn thương ở vùng thắt lưng: Đây là vùng hoạt động thường xuyên và với cường độ cao nên dễ xảy ra chấn thương. Các tổn thương này sẽ khiến thoái hoá cột sống thắt lưng diễn ra sớm hơn.

- Tăng cân mất kiểm soát: Cơ thể nặng cân khiến vùng thắt lưng chịu áp lực lớn hơn. Chính áp lực này gây ra các đè nén tại vùng thân cột sống và đĩa đệm.

2. Các triệu chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng

Tuỳ theo từng giai đoạn của bệnh thoái hoá cột sống thắt lưng mà xuất hiện các triệu chứng từ nhẹ đến nặng:

- Xuất hiện những cơn đau âm ỉ và kéo dài tại vùng thắt lưng. Đặc biệt cơn đau có tần suất cao vào ban đêm và những ngày nhiệt độ giảm đột ngột.

- Cơn đau lan sang các phần cơ thể kế cận như mông, chân.

- Không thể vận động quá mạnh. Gặp khó khăn khi đứng thẳng người hoặc cúi gập lưng.

- Vùng thắt lưng có cảm giác tê buốt và co cứng đột ngột.

- Thỉnh thoảng xảy ra tình trạng mất cảm giác ở tay, chân.

- Biến dạng vùng lưng (cong, gù, vẹo,…) do đường cong cột sống tự nhiên của cơ thể bị tác động.

3. Cách giảm thiểu nguy cơ mắc thoái hóa cột sống thắt lưng

Nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống thắt lưng đến nhiều từ lối sống và sinh hoạt hàng ngày. Do đó để tránh nguy cơ mắc bệnh, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau đây:

- Thường xuyên xoa bóp ở vùng thắt lưng sau khi phải làm việc trong thời gian dài.

- Hạn chế các lao động nặng, quá sức.

- Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Chú trọng các chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp trong thực phẩm tự nhiên và các chế phẩm. Tránh các tác nhân xấu như: bia, rượu, thuốc lá…

- Kiểm soát cân nặng một cách hợp lý.

- Tránh lạm dụng thuốc giảm đau khi xảy ra tình trạng đau nhức.

- Kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, đặc biệt là sức khoẻ xương khớp.

- Luyện tập thể dục, thể thao. Chú ý các bài tập vừa sức, nhẹ nhàng.

Chỉ cần thay đổi những thói quen không tốt thì bạn sẽ có được lối sống lành mạnh và phòng tránh thoái hoá cột sống thắt lưng hiệu quả. Đừng để đến khi xương khớp có vấn đề mới tìm hiểu và quan tâm đến chúng. Hãy thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất để có một cơ thể khoẻ mạnh hơn.


Tác giả: Thùy Dung