Tìm hiểu về bệnh ngộ độc thực phẩm: Căn bệnh nguy hiểm nhưng nhiều người chủ quan

Tìm hiểu về bệnh ngộ độc thực phẩm: Căn bệnh nguy hiểm nhưng nhiều người chủ quan
Bất kỳ ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm, ở mọi lứa tuổi và thể trạng. Ngộ độc thực phẩm làm đường ruột yếu đi, khiến cơ thể mất nước và kiệt sức. Bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng gây ra do ăn phải thức ăn nhiễm độc. 

Vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hoặc độc tố của chúng là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. 

Bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

1. Triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Tùy từng trường hợp, nguyên nhân và cơ địa, độ tuổi của người bệnh mà có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung, chúng có triệu chứng thường gặp sau:

- Đau bụng: đau lâm râm hoặc dữ dội, quặn lên, toát mồ hôi.

- Sốt: có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39 độ.

- Nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy nước hoặc kèm máu.

- Đau cơ toàn thân, uể oải, cơ thể không còn chút sức lực nào.

- Thiếu năng lượng trầm trọng, mất nước.

- Rùng mình do lạnh.

Ảnh 2.

Đau bụng, nôn mửa, mất nước, đau cơ, sốt nhẹ là những triệu chứng ban đầu (Ảnh: Internet).

Nếu triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng hơn, bệnh nhân nên được đưa đến thăm khám tại cơ sở y tế ngay lập tức. Người nhà nên quan sát kỹ càng để có phương án ứng phó ngay lập tức nếu:

- Tiêu chảy dài hơn 3 ngày.

- Cơ yếu đi, mắt nhìn kém, cánh tay bị ngứa ran.

- Đau bụng dữ dội, liên tục trong nhiều giờ.

- Nôn ói thường xuyên, không dứt.

- Nôn ra máu, đi cầu ra nhiều máu lẫn với phân.

- Khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi, hoa mắt chóng mặt, cơ thể rệu rã, mệt lử.

2. Đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm

Bất kỳ ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm, ở mọi lứa tuổi và thể trạng. Tuy nhiên, với 4 đối tượng sau, nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm là cao hơn cả:

Ảnh 3.

Trẻ em là đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm (Ảnh: Internet).

- Phụ nữ mang thai: mang thai làm thay đổi một số tính chất trong chuyển hóa và tuần hoàn, khiến người mẹ có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.

- Người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh gan, AIDS.

- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, đường ruột còn kém và nhạy cảm, rất dễ bị ngộ độc thực phẩm.

- Người cao tuổi: quá trình lão hóa khiến hệ miễn dịch của người già bị yếu đi, không còn khả năng phản ứng lại với vi khuẩn gây hại.

3. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn có hại di chuyển từ bề mặt này sang bề mặt khác; trong các đồ ăn không được nấu chín hoặc chưa được diệt khuẩn. Chất độc cũng có thể tích tụ trong thực phẩm bị tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, phóng xạ qua quá trình sản xuất, chế biến.

Ảnh 4.

Lượng hóa chất tồn dư trong thực phẩm cũng là 1 nguyên nhân gây ngộ độc (Ảnh: Internet).

4. Xử lý nhanh ngộ độc thực phẩm tại nhà

Khi ngộ độc, cơ thể yếu và mất nước. Nguyên tắc chung là khiến người bệnh phải nôn hết thức ăn đã ăn vào. Tuy vậy, không nên áp dụng cách này với trẻ nhỏ vì chúng dễ bị sặc.

- Khi đã tống xuất hết thức ăn ra ngoài, nên cho bệnh nhân uống oresol bù điện giải.

- Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị co giật, ngừng tim và đường thở thì cần được hô hấp nhân tạo gấp. Nếu bệnh nhân hôn mê, người nhà hãy đặt bệnh nhân đầu thấp, nghiêng 1 bên đề phòng chất nôn tràn vào phổi. Sau khi sơ cứu, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

5. Phục hồi sau khi bị ngộ độc thực phẩm

Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và chú ý ăn uống theo 1 số nguyên tắc sau:

- Để dạ dày được nghỉ ngơi, không nên ăn uống ngay.

- Dành thời gian dưỡng sức và hồi phục do cơ thể mất nước, mệt mỏi.

- Nên thử ngậm đá nhỏ hoặc uống từng ngụm nước nhỏ. Không dùng đồ chứa caffein, có thể uống nước canh hoặc nước uống thể thao.

Khi bắt đầu ăn uống chế độ bình thường, hãy ăn đồ nhạt, ít béo, dễ tiêu hóa để cơ thể làm quen từ từ sau ngộ độc.

Ảnh 5.

Cháo dinh dưỡng là thức ăn tốt cho hệ tiêu hóa sau khi bị ngộ độc thực phẩm (Ảnh: Internet).

Một số loại thực phẩm được bác sĩ khuyên dùng:

- Các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như khoai tây nghiền nấu chín, trái cây mềm, cháo, bột yến mạch.

- Bổ sung nước để cân bằng điện giải.

- Thực phẩm chứa lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa như sữa chua - giúp cân bằng hệ vi sinh trong ruột, phục hồi thể trạng cho người bệnh.

Tác giả: Thanh Hương