Ban xuất huyết Henoch-Schonlein (HSP) hay còn được gọi là viêm mạch IgA là một chứng rối loạn khiến các mạch máu nhỏ trên da, khớp, ruột và thận bị viêm và chảy máu.
Đặc điểm nổi bật nhất của dạng viêm mạch này là nốt bầm tím nổi ở chân và mông. Ban xuất huyết Henoch-Schonlein cũng có thể gây đau bụng và đau khớp, tình trạng tổn thương thận do bệnh thường hiếm xảy ra.
Bất kỳ ai cũng có thể bị ban xuất huyết Henoch-Schonlein nhưng bệnh phổ biến nhất ở trẻ em dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, người lớn mắc tình trạng viêm mạch này có nhiều khả năng mắc bệnh nặng hơn so với trẻ em.
Các triệu chứng của HSP thường xuất hiện đột ngột, người bệnh thường cảm thấy đau và sưng khớp, đau bụng, tiểu ra máu. Trước khi các triệu chứng này bắt đầu, bệnh nhân có thể bị sốt, nhức đầu và đau cơ từ hai đến ba tuần. Hiếm khi, các cơ quan khác, chẳng hạn như não, phổi hoặc tủy sống bị ảnh hưởng.
Phân tích chi tiết hơn các triệu chứng của ban xuất huyết Henoch-Schonlein:
- Phát ban: Đây là triệu chứng có ở hầu hết các bệnh nhân bị HSP. Biểu hiện ban đầu có thể giống như nổi mề đay, với những đốm hoặc nốt nhỏ màu đỏ, giống như vết bầm tím ở cẳng chân, mông, đầu gối và khuỷu tay. Phát ban thường ảnh hưởng như nhau ở cả hai bên cơ thể và không chuyển sang màu nhợt nhạt khi ấn vào.
- Viêm khớp: Người bệnh cảm thấy đau và sưng, xảy ra trong khoảng 3/4 trường hợp, đặc biệt ảnh hưởng đến đầu gối và mắt cá chân.Triệu chứng này thường chỉ kéo dài một vài ngày và không gây ra bất kỳ vấn đề về khớp mãn tính, lâu dài nào.
- Đau bụng: Hơn một nửa số người bị HSP gặp triệu chứng về viêm đường tiêu hóa có thể gây đau bụng, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy và đôi khi có máu trong phân.
- Suy thận: HSP có thể gây ra các vấn đề về thận, biểu hiện bằng các dấu hiệu như protein hoặc máu trong nước tiểu. Điều này thường chỉ được phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu, vì triệu chứng này không gây ra bất kỳ sự khó chịu nào.
Đọc thêm:
- Chẩn đoán và xử lý kịp thời khi bị sốt phát ban do bệnh Rubella
- Bác sĩ cảnh báo căn bệnh nguy hiểm ở trẻ chỉ qua triệu chứng sốt, phát ban và vết loét ở miệng
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này chưa được rõ ràng. Có thể do hệ thống miễn dịch phản ứng không phù hợp với một số tác nhân nhất định. Hoặc có thể do một số bệnh viêm đường hô hấp trên, theo các chuyên gia khoảng 2/3 các trường hợp HSP xảy ra vài ngày sau khi các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên phát triển.
Một số trường hợp mắc HSP có liên quan đến việc tiêm phòng bệnh thương hàn, dịch tả, sốt vàng da, sởi hoặc viêm gan B; thực phẩm, thuốc, hóa chất và côn trùng cắn. Một số chuyên gia cũng nói rằng HSP có liên quan đến thời tiết lạnh hơn của mùa thu và mùa đông.
Thông thường, người bệnh bị ban xuất huyết Henoch-Schonlein khỏi bệnh trong khoảng 1 tháng và không để lại những hệ lụy nghiêm trọng. Tuy nhiên bệnh có thể tái phát.
Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng bệnh cũng có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng nếu như người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, chẳng hạn:
- Tổn thương thận: Biến chứng nghiêm trọng nhất của ban xuất huyết Henoch-Schonlein là tổn thương thận. Nguy cơ này lớn hơn ở người lớn so với trẻ em. Đôi khi tổn thương nghiêm trọng đến mức cần phải lọc máu hoặc ghép thận.
- Tắc ruột: Trong một số ít trường hợp, ban xuất huyết Henoch-Schonlein có thể gây lồng ruột, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng này.
Chẩn đoán HSP có thể rõ ràng khi xuất hiện các triệu chứng như phát ban, viêm khớp và đau bụng điển hình. Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác, xác nhận chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nếu người bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng phát ban với các vết đỏ giống như bầm tím, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết da hoặc thận. Các xét nghiệm nước tiểu và máu có thể sẽ được thực hiện để phát hiện các dấu hiệu liên quan đến thận và có thể cần được xét nghiệm lại trong quá trình theo dõi để có thể phát hiện bất kỳ thay đổi nào trong chức năng thận.
Về phương pháp điều trị, mặc dù không có cách điều trị cụ thể cho HSP, nhưng bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen để giảm đau khớp. Trong một số trường hợp, thuốc corticosteroid có thể được sử dụng nhưng cần được bác sĩ chỉ định.
Tuy nhiên, tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ là điều cần thiết trong quá trình điều trị bệnh. Bạn không nên tự ý mua thuốc và sử dụng mà không có tham vấn từ các bác sĩ chuyên môn.
Nhìn chung, tiên lượng bệnh ban xuất huyết Henoch-Schonlein thường tốt nếu như không có các tổn thương thận. Tuy nhiên, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như phát ban, đau bụng, đau khớp cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện, không tự ý mua thuốc điều trị để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
Nguồn tham khảo:
1. Henoch-Schonlein Purpura (HSP)