Tìm hiểu về bệnh áp xe não do tai

Tìm hiểu về bệnh áp xe não do tai
Áp xe não do tai là một trong những biến chứng nội sọ nguy hiểm nhất do chẩn đoán khó khăn và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay ở Việt Nam, biến chứng áp-xe não do tai đã giảm dần so với những năm 90 của thế kỷ trước. Áp-xe não do tai thường gặp ở bệnh mạn tính nguy hiểm (viêm tai có chất cholesteatoma). Về dịch tễ học, áp-xe não do tai luôn chiếm tới 50% trong các áp-xe não nói chung. Bệnh dễ tử vong nếu không được phát hiện sớm, xử trí đúng.

1. Vì sao bị áp xe não do tai?

Nguyên nhân gây bệnh là do những viêm nhiễm đi từ tai giữa, xương chũm vào, chủ yếu theo các con đường như: 

- Đường kế cận: bệnh tích lan tới mặt nội sọ của xương chũm, thường gặp cholesteatoma; 

- Đường viêm mê nhĩ mủ theo nội dịch tới não;

- Đường máu: đường tĩnh mạch tới tĩnh mạch bên, động mạch tới động mạch màng não qua đó gây viêm tắc mạch não; Đường tự nhiên: khe khớp trai đá mở rộng, chưa liền kín thường gặp ở trẻ nhỏ.

2. Làm thế nào để phát hiện bệnh nhân bị áp xe não do tai?

Khi bị áp-xe não do tai, người bệnh luôn trong tình trạng nhiễm khuẩn, mệt mỏi. Tình trạng của tai thường thấy chảy mủ tai: nếu chảy từ lâu thấy mủ thối hay thối khẳn (nghi có cholesteatoma), ấn vùng chũm có phản ứng đau rõ, sưng nề hay xuất ngoại của xương chũm, nghe kém thường tăng rõ. 

Ngoài ra còn có triệu chứng của áp-xe não (tập chứng Bergmann) với hội chứng tăng áp lực nội sọ, hội chứng thần kinh khu trú và hội chứng nhiễm khuẩn. 

Ảnh 2.

Áp-xe não do tai thường gặp ở bệnh mạn tính nguy hiểm (viêm tai có chất cholesteatoma). (Ảnh: Internet)

Hội chứng tăng áp lực nội sọ có biểu hiện nhức đầu: thành cơn, khu trú ở một vùng nhất định, nếu đau dữ dội, các thuốc giảm đau thường không tác dụng, kèm theo 1 hoặc 2 triệu chứng như: nôn (nôn vọt, dễ dàng, nhiều lần), tinh thần trí tuệ, giao tiếp chậm, mờ mắt một bên, mạch chậm từng lúc, không tương ứng với thân nhiệt. 

Hội chứng thần kinh khu trú: thường xuất hiện muộn. Áp-xe đại não: có triệu chứng liệt nửa người hoặc liệt mặt thể trung ương; mù, câm, mất ngôn ngữ… Áp-xe tiểu não có triệu chứng: chóng mặt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu tự phát; mất phối hợp động tác: rối tầm, quá tầm, gầy sút nhanh… Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt kéo dài, không cao.

Ảnh 3.

Hình ảnh chụp một trường hợp bị áp xe não (Ảnh: Internet)

3. Xét nghiệm nào cần thiết cho người bệnh nghi ngờ bị áp-xe não do tai?

– Soi đáy mắt: có áp-xe đại não, phù nề gai thị 2 bên trong viêm màng não + phù não (trong áp-xe tiểu não không có phù nề gai thị).

– Chọc dò tuỷ sống.

– Xquang xương chũm: tư thế Schuller để xác định có viêm tai xương chũm hoặc có cholesteatoma.

– Chụp CT. scan, MRI: xác định được ổ áp-xe, vị trí, kích thước, khối lượng… cũng cho biết các tai biến như dò, vỡ áp-xe vào não thất, phù não…

Áp-xe não do tai tiến triển nhanh, không xử trí đúng và kịp thời sẽ đưa tới tử vong, các tai biến và biến chứng phối hợp: Sũng nước não thất, áp-xe phổi, áp-xe các nội tạng như: gan, thận, lách… Áp-xe não thường tử vong do tụt kẹt hạch nhân tiểu não, vỡ áp-xe vào não thất.

Ảnh 4.

Viêm tai có Cholesteatoma có thể gây biến chứng áp – xe não (Ảnh: Internet)

4. Làm gì khi bị áp xe não do tai?

Khi bị viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm cần đặc biệt lưu ý phát hiện các dấu hiệu của biến chứng nội sọ. Trước các bệnh nhân bị áp-xe não… cần hỏi tiền sử chảy mủ tai, phát hiện các dấu hiệu viêm tai xương chũm hồi viêm, cấp tính. 

Người bệnh cần được điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng có điều kiện, cần chụp CTscan để xác định áp-xe não. 

Phẫu thuật là cơ bản cần làm sớm, cấp cứu nhằm loại bỏ bệnh tích ở tai, xương chũm, bộc lộ vùng màng não, tĩnh mạch bên đến đoạn lành, dẫn lưu ổ áp-xe não. 

Điều trị nội khoa sau phải phẫu thuật điều trị tích cực với kháng sinh phối hợp, phổ rộng, liều cao, theo nhiều đường; lưu ý dùng kháng sinh chống kỵ khí trong áp-xe não, chống phù não, nâng cao thể trạng, theo dõi sát sao nhằm phát hiện các tai biến, biến chứng phối hợp; lưu ý các biến chứng ngoại sọ.

5. Có cách gì phòng tránh áp xe não do tai?

Để phòng tránh bệnh, biện pháp quan trọng đối với người bệnh là vệ sinh mũi họng, phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên để phòng chảy mủ tai. Nếu bị chảy mủ tai cần điều trị triệt để tránh thành viêm tai giữa nguy hiểm. Với các trường hợp viêm tai giữa nguy hiểm cần được điều trị, phẫu thuật sớm, nhất là khi có cholesteatoma. Người bệnh cần được phát hiện sớm và xử trí cấp viêm tai xương chũm hồi viêm, xuất ngoại cũng như các biến chứng nội sọ do tai, chuyển phẫu thuật cấp cứu để tránh tai biến, biến chứng phối hợp.

Tác giả: Yến Anh