Tìm hiểu vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi

Tìm hiểu vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi
Nếu như trẻ em cần vitamin A để phát triển toàn diện, thì vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi lại thiên về chống lão hóa. Cung cấp đủ vitamin A sẽ giúp người già sống khỏe mạnh và minh mẫn hơn.

1. Vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi trong việc chống lão hóa

Vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi thể hiện chủ yếu ở chức năng miễn dịch và quá trình oxy hóa. Việc thiếu hụt vitamin A có thể làm khiếm khuyết hệ miễn dịch, khiến người cao tuổi dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng hơn.

- Tăng cường hệ miễn dịch

Retinoic acid là một dạng phổ biến của vitamin A, đóng vai trò quan trọng trong cân bằng nội môi miễn dịch thông qua việc điều chỉnh sự phát triển và biệt hóa của tế bào. Khi cơ thể bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh tự miễn, Retinoic acid kích hoạt phản ứng của tế bào T.

Hiện nay, các nhà khoa học đang tập trung vào tác dụng của vitamin A trong việc tăng cường đáp ứng của tế bào T đối với bệnh ung thư, nhiễm trùng, viêm ruột và các bệnh qua trung gian miễn dịch ở người, bao gồm cả bệnh tự miễn liên quan đến lão hóa.

Theo một nghiên cứu, một trong những vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi là giúp phòng chống các bệnh nhiễm trùng hô hấp. Nồng độ carotenoid beta carotene trong máu cao, có thể giúp ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp ở người cao tuổi (đặc biệt hiệu quả ở độ tuổi 40 - 60).

- Ngăn ngừa mắt bị thoái hóa

Vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi bị suy giảm thị lực được nghiên cứu khá kỹ. Khoa học đã chứng minh, vitamin A ở dạng carotenoids lutein và zeaxanthin có thể ngăn chặn nguy cơ thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi.

Tuy nhiên, vitamin A và các carotenoids khác không có tác dụng trong việc phòng chống hoặc cải thiện tình trạng thoái hóa điểm vàng.

- Làm chậm quá trình lão hóa da

Các biến chứng và bệnh liên quan đến tuổi có liên quan đến việc giảm tín hiệu retinoid và sự suy giảm của các loại hormone khác nhau, bao gồm cả steroid. Làm chậm quá trình lão hóa da là một trong những vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi. Retinoic acid đóng vai trò kích hoạt RAR và RXR, các yếu tố sao chép thụ thể hormone tuyến giáp steroid. Vào năm 2015, đã có báo cáo rằng Retinoic acid có thể khôi phục steroidogenesis trong tế bào keratinocytes biểu bì của người già.

Ngoài ra, vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi trong chống lão hóa da còn nhờ vào khả năng làm tăng độ dày biểu bì bằng cách điều hòa các yếu tố phiên mã, gen collagen chịu trách nhiệm chữa lành vết thương, cải thiện môi trường vi mô ngoại bào, sản xuất ma trận ngoại bào và kích hoạt các nguyên bào sợi ở da,... của retinol.

2. Vitamin A giúp tăng cường nhận thức ở người cao tuổi

Ngăn ngừa thoái hóa thần kinh là một trong những vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi được đánh giá khá cao. Retinoic acid ức chế sản xuất các peptide amyloid và oligome, là những tác nhân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.

Bệnh Alzheimer là hội chứng suy giảm trí nhớ phổ biến ở người già. Ngoài các yếu tố nguy cơ đã biết như tuổi già và có thể là do di truyền, thì nguyên nhân gây bênh Alzheimer vẫn chưa được biết rõ. Một số nghiên cứu đã quan sát thấy mức vitamin A giảm ở những người mắc bệnh Alzheimer. Các nhà khoa học suy đoán rằng, nguyên nhân có thể là do thiếu vitamin làm gia tăng mảng bám protein amyloid, là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã lấy mẫu máu của khoảng 300 người cao tuổi để nghiên cứu, và nhận thấy, nhóm người cao tuổi bị thiếu vitamin A có tỷ lệ suy giảm nhận thức cao hơn nhóm có đủ vitamin A.

Những kết quả này cho thấy, bổ sung vitamin A có thể là một cách tiếp cận tiềm năng để phòng ngừa và điều trị bệnh Alzheimer cũng như sự suy giảm nhận thức ở người già.

Vai trò của vitamin A đối với người cao tuổi là không thể phủ nhận, nhưng người lớn tuổi cũng không nên thường xuyên bổ sung vitamin A vì chúng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng trước khi bổ sung vitamin A.

Nguồn tổng hợp:

1. https://link.springer.com/article/10.1007/s13670-018-0241-5

2. Thông tin sức khỏe


Tác giả: Mai Nhung