Tìm hiểu tổng quan về bệnh viêm nha chu

Tìm hiểu tổng quan về bệnh viêm nha chu
Viêm nha chu hay còn gọi là viêm nướu, viêm lợi là tình trạng bệnh lý rất thường gặp khi nướu và các cấu trúc liên quan trở nên viêm. Hình ảnh viêm nha chu thường gặp trên lâm sàng là triệu chứng viêm tấy đỏ, dễ chảy máu khi đánh răng.

1. Viêm nha chu là gì

Viêm nha chu là tình trạng viêm của nướu và các cấu trúc nâng đỡ răng. Đây là một trong những dạng bệnh lý thường gặp nhất.

Viêm nha chu gây ra bởi vi khuẩn (peridontal bacteria) và tình trạng viêm tại chỗ bị khởi phát bởi những loại vi khuẩn này. Mặc dù các loại vi khuẩn gây bệnh nha chu hiện diện thường xuyên trong khoang miệng, tuy nhiên chúng chỉ gây bệnh khi điều kiện môi trường xung quanh thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng về số lượng vi khuẩn.

Điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh nha chu là khi các lớp vi khuẩn có chỗ bám vững chắc tại vị trí các mảng bám thức ăn còn sót lại, đặc biệt ở vị trí các kẽ răng. Vi khuẩn phát triển ngày càng nhiều và dẫn đến viêm nha chu.

Sự nguy hiểm của vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu là ở quá trình nhân đôi và phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Trong quá trình phát triển chúng sản xuất những chất độc kích thích cơ thể tạo ra các chất tiêu diệt chúng thông qua hệ thống viêm. Nếu bệnh kéo dài không khỏi, diễn tiến tự nhiên dẫn đến sự tiêu rang và hủy xương hàm.

Quá trình hủy xương hàm và tiêu răng có thể kéo dài rất nhiều năm, nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, quá trình này có thể tạm dừng lại. Tuy nhiên ở những người bệnh trẻ tuổi bệnh phát triển sớm có thể gây mất răng sớm hơn.

2. Phân loại viêm nha chu

Viêm nướu không được điều trị có thể dẫn đến viêm nha chu. Theo thời gian các mảng bám sẽ lan ra và phát triển về phía chân nướu. Chất độc do vi khuẩn tiết ra kích thích nướu gây viêm. Viêm nha chu diễn tiến nặng sẽ tạo những khoảng trống giữa nướu và răng. Theo diễn tiến tự nhiên của bệnh, khoảng trống này càng ngày càng rộng hơn và sâu hơn tương ứng với càng nhiều mô nướu và mô răng bị phá hủy.

Có rất nhiều dạng của viêm nha nhu:

Viêm nha chu thanh thiếu niên hoặc suy nha chu:

Bệnh thường gặp từ lứa tuổi 12-26, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do xáo trộn nội tiết hoặc do nguyên nhân di truyền, vị trí tổn thương nha chu thường gặp nhất là ở răng cửa. Vi khuẩn gây bệnh thường gặp là Actinobacillus actinomycetemconmitans.

Viêm nha chu tiến triển nhanh

Bệnh thường gặp ở người dưới 35 tuổi, bệnh xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, sự phá hủy mô nha chu diễn ra tương đối nhanh và có sự kết hợp với các nguyên nhân tổng quát khác.

Viêm nha chu mãn tính ở người trưởng thành:

Xuất hiện ở người trên 35 tuổi, không phân biệt giới tính. Sự phá hủy mô nha chu diễn ra trong các thời kỳ bộc phát xen lẫn trong các thời kỳ yên nghỉ. Do đó, bệnh có thể kéo dài hàng chục năm.

3. Triệu chứng

Viêm nha chu thường khởi đầu bằng tình trạng viêm nướu. Bệnh không dễ dàng chẩn đoán, tuy nhiên triệu chứng đầu tiên thường gặp là tình trạng chảy máu răng khi đánh răng. Nướu răng có màu đỏ, sưng tấy và nếu chú ý sẽ thấy mảng bám vi khuẩn gây đổi màu trên men răng.

Nếu không điều trị đúng cách, viêm nướu sẽ tiến triển thành viêm nha chu mà không có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước. Một vài dấu hiệu giúp nhận biết viêm nha chu: gia tăng lượng máu chảy từ nướu răng khi đánh răng hoặc khi ăn uống, hoặc máu có thể chảy liên tục, kéo dài; hơi thở hôi; di lệch răng so với khung xương hàm; tụt nướu; bệnh có thể gây đau.

Chảy máu chân răng có thể không xuất hiện ở những bệnh nhân hút thuốc lá thường xuyên. Do ảnh hưởng của nicotine làm co các mạch máu, vì thế các triệu chứng bệnh bị che dấu, khi bệnh nặng hơn mới có thể phát hiện được.

Sự hiện diện của viêm nha chu thường khó thấy ở người trẻ tuổi. Tình trạng bệnh rõ ràng nhất ở khoảng từ 40 đến 50 tuổi, khi đó các tổn thương bộc lộ rõ ràng nhất.

Tuy nhiên, các nha sĩ có thể phát hiện viêm nha chu ở giai đoạn sớm thông qua một vài xét nghiệm thường quy và có thể đánh giá được tình trạng nha chu hiện tại thông qua chỉ số nhu cầu điều trị bệnh nha chu.

4. Nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu

Trong khoang miệng có chứa hơn 700 loại vi khuẩn khác nhau, hầu hết các loại vi khuẩn này là vô hại và chỉ sống ký sinh. Tuy nhiên, khi vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, các vi khuẩn sẽ bám vào răng và hình thành mảng bám, các mảng bám này là vị trí thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Trong tất cả các trường hợp, nguyên nhân của viêm nha chu là do sự hình thành của các mảng bám vi khuẩn trong khoang miệng.

Nếu các mảng bám ban đầu không được loại bỏ bằng đánh răng thường xuyên, các chất khoảng sẽ tiếp tục lắng đọng từ ngày này sang ngày khá và trở thành một loại mảng bám cứng chắc hơn hay còn gọi là cao răng. Sự hiện diện của cao răng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của các vi khuẩn thâm nhập vào phần chân răng.

Quá trình viêm diễn tiến lâu ngày dẫn đến mất liên kết giữa răng và nướu hình thành túi nha chu. Túi nha chu là một vị trí cực kì thuận lợi cho sự tích tụ và sinh sôi của các vi khuẩn, do đó bệnh càng ngày càng nặng hơn. Trong quá trình phát triển, các vi khuẩn tiếp tục tiết ra độc tố, các độc tố này tiếp tục khởi phát cơ chế viêm của cơ thể.

Mức độ nguy hiểm và tốc độ phát triển của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: số lượng và loại vi khuẩn, cơ chế phòng thủ của cơ thể, sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Vi khuẩn gây bệnh có độc tố càng mạnh, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút, bệnh càng phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, đái tháo đường có thể làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể và bệnh diễn tiến nhanh hơn.

Các loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc giãn mạch, hoặc thuốc ức chế hệ miễn dịch thường ảnh hưởng đến quá trình đáp ứng viêm của cơ thể với mảng bám vi khuẩn, do đó người bệnh dễ bị viêm nướu hơn.

Vì vậy, một lưu ý rất quan trọng, nếu mảng bám vi khuẩn không hình thành, bệnh viêm nha chu sẽ không xảy ra.

5. Đối tượng nguy cơ dễ mắc viêm nha chu

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh và diễn tiến bệnh nhanh, nặng hơn. Những yếu tố nguy cơ như stress, bệnh lý hệ thống như đái tháo đường, và một yếu tố nguy cơ rất quan trọng là hút thuốc lá.

Thuốc lá và bệnh viêm nha chu

Người hút thuốc lá có nguy cơ dễ mắc bệnh viêm nha chu hơn người không hút thuốc lá.

Những phương pháp điều trị trên nha chu như cấy implants,.. khả năng thành công thấp hơn ở người hút thuốc lá so với người không hút thuốc lá. Do ở người hút thuốc lá, khả năng làm lành vết thương rất kém.

Người hút thuốc quá, bệnh viêm nha chu diễn tiến nhanh hơn, tiêu răng sớm hơn.

Đối với những tình trang viêm nha chu cần can thiệp y tế 90% trường hợp có hút thuốc lá.

6. Điều trị viêm nha chu

Nguyên tắc điều trị chính của viêm nha chu là loại bỏ mảng bám vi khuẩn, nơi khởi phát quá trình bệnh.

Vệ sinh răng miệng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Mục tiêu chính của vệ sinh răng miệng là giảm số lượng vi khuẩn có trong khoang miệng từ đó, giúp giảm tiến trình viêm. Các bác sĩ sẽ giải thích nguyên nhân chính gây bệnh viêm nha chu và hướng dẫn người bệnh các làm thế nào để giữ răng miệng và nướu răng luôn được sạch sẽ.

Bạn sẽ được hướng dẫn cách đánh răng đúng, hướng dẫn cách sử dụng chỉ nha khoa,..

Vệ sinh cao răng

Đối với những mảng bám mới có thể loại bỏ bằng cách đánh răng và điều trị với flour. Tùy thuộc vào tốc độ phát triển của mảng bám và sức khỏe của nướu, các bác sĩ có quyết định xử lý tiếp tục. Một vài trường hợp, các bác sĩ sẽ loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn ra khỏi túi nha chu và loại bỏ toàn bộ cao răng trên bề mặt chân răng.

Tìm hiểu tổng quan về bệnh viêm nha chu - Ảnh 2.

Thuốc kháng sinh

Trong những trường hợp bệnh không đáp ứng với vệ sinh răng miệng thông thường, kháng sinh có thể được các bác sĩ sử dụng để tấn công tình trạng nhiễm trùng của nướu răng.

Đánh giá lại

Sau khoảng vài tuần, các bác sĩ sẽ kiểm tra lại toàn bộ nướu răng để đánh giá hiệu quả điều trị. Có một dụng cụ đặc biệt được sử dụng để đo độ sâu của túi nha chu và kiểm tra tình trạng chảy máu chân răng. Nếu túi nha chu vẫn còn tồn tại, các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật có thể được lựa chọn.

Phẫu thuật

Đôi khi phương pháp phẫu thuật được lựa chọn để loại bỏ mảng bám vi khuẩn và những chất lắng đọng bên dưới nướu răng tồn tại trong túi nha chu. Đây là những khu vực bàn chải đánh răng và chỉ nha khoa không thể đến được, do đó quá trình viêm tồn tại từ ngày này sang ngày khác do các vi khuẩn luôn trú ngụ ở đây.

Dưới tác dụng thuốc tê, nướu sẽ được vạt sang 1 ben, chân răng được đánh bóng sạch sẽ nhằm mục đích loại trừ hết vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, nướu răng sẽ được đưa về vị trí cũ cạnh chân răng.

Chăm sóc và điều trị hỗ trợ sau viêm nha chu

Đánh giá thành công lâu dài của điều trị viêm nha chu dựa vào 2 yếu tố chính: khả năng giữ vệ sinh răng miệng của chính người bệnh, và sự chăm sóc của các nhân viên y tế. Sau liệu trình điều trị đầu tiên, người bệnh sẽ được yêu cầu hẹn tái khám thường xuyên để kiểm tra lại tình trạng viêm dã được hồi phục hoàn toàn. Mức độ tái khám dày đặc hay rải rác tùy thuộc vào mức độ bệnh và người bệnh có tồn tại yếu tố nguy cơ khiến bệnh nặng hơn không. Thông thường, thời gian tái khám trung bình khoảng từ 3-6 tháng.

Thông qua những đợt tái khám, bác sĩ kiểm tra lại để đảm bảo rằng bệnh không bị tái phát, nướu được tái tạo và răng được phục hồi. Nếu có bất kì dấu hiệu nào của bệnh tái phát, bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá và điều trị ở giai đoạn sớm nhất.

7. Biến chứng

- Áp xe nướu tái phát

- Tổn thương các dây chằng trong hệ thống nha chu

- Tổn thương và tiêu răng

- Tụt nướu răng, bộc lộ chân răng

- Răng bị lung lay hoặc bị rụng

- Bị đau răng, đặc biệt khi ăn uống

- Đối với những phụ nữ mang thai có những biến chứng như: trẻ sinh nhẹ cân, có thể mắc tiền sản giật

- Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh lý tim mạch, bệnh hô hấp và đái tháo đường

8. Phòng ngừa

Viêm nha chu không phải là một bệnh xảy ra ở tất cả mọi người. Sự phát triển của viêm nướu và viêm nha chu có thể được kiểm soát bằng vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thăm khám thường xuyên mỗi 6 tháng - 1 năm.

Thói quen tốt cho sức khỏe răng miệng:

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ kể cả mặt nhai và mặt bên 2 lần mỗi ngày, vệ sinh với bàn chải và kem đánh răng chuyên dùng.

Cần vệ sinh mặt bên của răng, nơi các lông bàn chải không thể tới được bằng chỉ nha khoa hoặc tăm chuyên dùng, tùy thuộc vào kích thước và vị trí kẽ hở. Cần thực hiện mỗi ngày 1 lần.

Chỉ nha khoa nên được sử dụng đối với những khoảng hở răng bé, trong khi bàn chải kẽ răng nên sử dụng đối với những khoảng hở vừa phải.

Các loại nước súc miệng có chứa kháng sinh có tác dụng chải sạch và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, và tiến trình viêm nha chu. Các dạng nước này nên được sử dụng sau khi đánh răng sạch sẽ.

Nếu quá trình vệ sinh răng miệng không đủ để loại bỏ sạch sẽ các mảng bám vi khuẩn, những mảng bám này sẽ được khoáng hóa trở thành cao răng rất khó để loại bỏ. Cao răng không thể loại bỏ bằng những loại bàn chải thông thường. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng những phương pháp đặc biệt để lấy các mảng bám dạng này. Sau khi mảng bám bị lấy đi, răng sẽ được đánh bóng lại giúp hạn chế sự tích tụ vi khuẩn.

9. Chế độ ăn dành cho người bị viêm nha chu

- Thực phẩm không nên ăn

Kẹo

Không bất ngờ khi kẹo là một loại thức ăn có hại cho hệ răng miệng. Do kẹo chứa nhiều loại acid khác nhau có thể gây kích ứng răng. Bên cạnh đó, do phải nhai, các viên kẹo dính vào răng trong thời gian dài, nên dễ hình thành các mảng sâu răng hơn.

Tìm hiểu tổng quan về bệnh viêm nha chu - Ảnh 3.

Bánh mì

Khi bạn ăn bánh mì, nước bọt tiết ra và phá vỡ cấu trúc thinh bột thành những phân tử đường. Hơn thế nữa, bánh mì có độ dính nhất định, nhét vào các kẽ răng có thể gây nên viêm nướu. Nếu sử dụng tinh bột, nên ưu tiên sử dụng các thực phẩm nguyên hạt, đo chứa ít đường và không dễ bị phá vỡ cấu trúc.

Rượu

Khi uống rượu, khoang miệng trở nên khô hơn. Miệng khô do sự tiết nước bọt bị giảm đi, trong khi nước bọt có tác dụng bảo vệ răng miệng. Nước bọt có tác dụng hạn chế mảng bám thức ăn vào răng và loại bỏ nếu có mảng bám xuất hiện. Bên cạnh đó, nước bọt còn giúp chữa lành răng sâu ở giai đoạn sớm, các bệnh về nướu, hoặc các nhiễm trùng khác.

Nước uống chứa carbohydrate

Một vài nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng một lượng lớn thức uống chứa carbohydrate gây tổn thương răng tương tự như sử dụng methaphetamine. Nước uống chứa carbohydrate sản xuất ra nhiều acid và tấn công men răng. Vì vậy nếu sử dụng nước uống chứa soda liên tục, răng sẽ bị tấn công bởi acid trong thời gian dài rất dễ sâu răng và dẫn đến bệnh viêm nha chu. Lưu ý, không nên đánh răng ngay sau khi sử dụng nước uống có chứa soda, việc này có thể tăng nguy cơ dẫn đến sâu răng.

Đá lạnh

Nhai đá hoặc các chất cứng có thể làm tổn thương men răng, nặng nề hơn là mẻ hoặc gãy răng.

Trái cây chứa nhiều acid

Cam, bưởi, chanh là những loại trái cây có chứa rất nhiều vitamin C. Tuy nhiên, acid chứa trong những loại trái cây này có thể gây phá hủy men răng, tạo điều kiện cho sự phát triển của các mảng bám vi khuẩn. Acid có chứa trong những loại trái cây này có thể gây kích ứng mô nha chu tăng đau. Nếu muốn sử dụng các lợi ích chống oxy hóa và vitamin, cần ăn hoặc uống các thực phẩm này với một lượng vừa phải trong bữa ăn và súc miệng sạch lại với nước ngay sau đó.

Khoai tây chiên

Độ giòn của khoai tây chiên giúp thức ăn dễ ăn và trở nên ngon miệng hơn. Tuy nhiên, khoai tây chiên chứa rất nhiều tinh bột. Trong khoang miệng, dưới tác động của nước bọt sẽ chuyển thành đường, và có thể bị kẹt lại giữa các kẽ răng và là môi trường thuận lợi cho sự hình thành mảng bám vi khuẩn trên răng.

- Thức ăn nên ăn

Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh. Nên chọn những loại trái cây có chứa lượng lớn nước như lê, dưa hấu, dưa leo, cần tây. Hạn chế sử dụng chuối, nho khô, vì những thực phẩm này chứa rất nhiều đường.

Phô mai: phô mai giúp kích thích tiết nước bọt, có tác dụng rửa trôi những phần thức ăn còn dư thừa.

Hạn chế thức ăn có độ dính, cần nhai nhiều: nho khô, yến mạch, caramel, mật ong, syrup,.. Những thực phẩm này làm gia tăng độ dính trên răng và hạn chế tiết nước bọt.

Hạn chế những loại thức ăn có nhiều đường: kẹo ngậm, kẹo cứng, thuốc ho dạng si rô.

Ăn các loại thức ăn không đường hoặc ít đường.

Thức ăn chứa nhiều canxi giúp có một hàm răng khỏe mạnh.

11. Câu hỏi thường gặp

Viêm nha chu có chữa được không?

Thông thường các tình trạng bệnh nhẹ có thể tự khỏi.

Tuy nhiên đối với bệnh nặng: tụt nướu, hủy xương, tiêu răng, chảy máu kèo dài cần can thiệp ngoại khoa.

Viêm nha chu có lây không?

Hiện tại các nhà khoa học chưa ghi nhận tình trạng viêm nha chu lây lan từ người sang người. Tuy nhiên những người trong cùng gia đình, cùng tiếp xúc với một loại thức ăn, cùng môi trường sống và thói quen sinh hoạt giống nhau sẽ có nguy cơ mắc viêm nha chu như nhau.

Tham khảo:

https://www.efp.org/patients/what-is-periodontitis.html

https://www.webmd.com/oral-health/nutrition-and-healthy-teeth#1

https://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/worst-foods-for-your-teeth#7


Tác giả: Hồng Phượng