Tìm hiểu tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị sốt virus

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị sốt virus
Để điều trị sốt virus người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau như thuốc hạ sốt, các loại dung dịch bù dịch cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách các loại thuốc điều trị sốt virus người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ rất nguy hiểm.

Hiện hay, các loại thuốc được sử dụng trong điều trị sốt virus chủ yếu chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng mà không điều trị được căn nguyên gây bệnh. Những loại thuốc thường được dùng bao gồm thuốc hạ sốt, các loại dung dịch bổ sung nước - điện giải đường uống, các loại dịch truyền,...

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc dù chỉ với mục đích điều trị triệu chứng cũng sẽ khiến bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những nguy cơ tác dụng phụ khác nhau do thuốc gây nên. Nếu không được quan tâm và kiểm soát tốt, các tác dụng phụ do thuốc điều trị virus có thể gây nên các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị sốt virus:

1. Thuốc điều trị sốt virus nhóm hạ sốt

Để hạ sốt cho bệnh nhân sốt virus, người ta chủ yếu sử dụng các loại thuốc hạ sốt bao gồm paracetamol hoặc các thuốc thuộc nhóm kháng viêm, giảm đau, hạ sốt không Steroid (NSAIDs).

Nhưng triệu chứng sốt trong bệnh sốt virus có đặc điểm sốt cao (có thể sốt 40-41oC), sốt cao liên tục và sốt trở lại nhanh chóng chỉ vài giờ sau khi sử dụng thuốc. Do đó các thuốc điều trị sốt virus nhóm thuốc hạ sốt có thể cần phải sử dụng với liều cao và liên tục. Điều này có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều tác dụng phụ.

- Paracetamol: Là thuốc điều trị sốt virus được sử dụng để hạ sốt phổ biến nhất cho bệnh nhân. Nhưng nếu sử dụng quá nhiều thuốc paracetamol sẽ gây nhiều tác hại lên gan của bệnh nhân (do paracetamol chuyển hóa chủ yếu ở gan), thậm chí có thể gây hoại tử tế bào gan. Do vậy nếu sử dụng với mục đích hạ sốt, lượng paracetamol bệnh nhân dùng không không được quá 4g/24h.

- Các thuốc nhóm NSAIDs: Đại diện phổ biến thường được dùng để làm thuốc điều trị sốt virus là ibuprofen, aspirin hoặc naproxen. Sử dụng nhiều các thuốc nhóm NSAIDs để làm thuốc điều trị sốt virus có thể gây nên các nguy cơ như xuất huyết (do ức chế tập kết tiểu cầu), viêm loét dạ dày-tá tràng, độc cho thận.

2. Các loại thuốc bù dịch trong sốt virus

Do bệnh nhân sốt virus thường có biểu hiện sốt cao, đi kèm với đó có thể có nôn mửa hoặc tiêu chảy gây mất nước và điện giải nên các loại thuốc bổ sung nước và điện giải cũng được sử dụng rất thường xuyên. Hay sử dụng nhất là dung dịch bổ sung nước điện giải đường uống (oresol) và các loại dịch truyền tĩnh mạch.

Khi sử dụng thuốc điều trị sốt virus nhóm bù nước và điện giải, người bệnh có nguy cơ gặp một số tác dụng phụ như:

- Đối với oresol: Nhìn chung việc sử dụng oresol ít gây các tác dụng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên khi pha quá loãng sẽ khiến giảm hiệu quả bổ sung nước, điện giải. Còn khi pha quá đặc sẽ gây quá tải điện giải trong cơ thể , điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các bệnh nhân có sẵn các bệnh lý như bệnh tim mạch, hay bệnh gan thận.

- Đối với các loại dịch truyền: Dịch truyền không được khuyến khích sử dụng sốt virus thông thường bởi có thể gây tăng áp lực lên não, tăng thể tích tuần hoàn gây quá tải, gây bội nhiễm nếu vô khuẩn không tốt, tắc mạch do bọt khí khi thực hiện truyền, các biến chứng cấp tính như phù phổi cấp,... Vì thế, quá trình truyền dịch cần phải được theo dõi rất chặt chẽ.

Trên đây là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị sốt virus thường được sử dụng hiện nay. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh không nên tự ý điều sử dụng các loại thuốc điều trị sốt virus khi chưa có chỉ định của bác sĩ có chuyên môn sau khi đã thực hiện thăm khám và các chẩn đoán cần thiết.


Tác giả: QN