Tìm hiểu quy trình khám và chẩn đoán bệnh trĩ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu quy trình khám và chẩn đoán bệnh trĩ
Trĩ là căn bệnh phổ biến và gây nhiều phiền toái. Nhưng nó thường bị mọi người bỏ qua, ít khi được thăm khám sớm bởi vị trí tế nhị. Vậy quy trình khám và chẩn đoán bệnh trĩ như thế nào, có đáng ngại không?

1. Quy trình khám và chẩn đoán bệnh trĩ

- Bước 1: Thăm hỏi triệu chứng

Bác sĩ sẽ đưa ra các câu hỏi về triệu chứng và tình trạng bệnh tật của bệnh nhân. Bạn nên nói cụ thể và tỉ mỉ toàn bộ triệu chứng, những bất thường mà bản thân cảm nhận được. Càng chi tiết càng giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh trĩ nhanh chóng và chính xác hơn. 

Đôi khi nhờ những triệu chứng bạn cung cấp, bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt bệnh trĩ với một số bệnh nguy hiểu có triệu chứng tương tự trĩ, như ung thư trực tràng, sa trực tràng, ung thư hậu môn, viêm ruột,....

Đôi khi bác sĩ cũng cần biết tiền sử bệnh tật, hoặc các bệnh có liên quan, thuốc đang dùng. Bạn cũng nên cung cấp thông tin về thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, tính chất nghề nghiệp,.. để bác sĩ xác định nguy cơ mắc bệnh, giúp ích trong việc chẩn đoán bệnh trĩ.

- Bước 2: Kiểm tra vùng hậu môn

Việc khám hậu môn khá nhạy cảm, nên bác sĩ sẽ che chắn kín đáo nhất, chỉ yêu cầu lộ rõ vùng hậu môn để dễ kiểm tra. Việc này giúp cả bệnh nhân và bác sĩ thoải mái trong quá trình khám và chẩn đoán bệnh trĩ. Đối với bệnh nhân nữ sẽ được yêu cầu nằm nghiêng quay lưng về phía bác sĩ, lưng hơi cong, đầu hơi cúi. Đối với bệnh nhân nam sẽ được yêu cầu nằm ngửa, 2 tay ôm đầu gối co chân lên, các bộ phân khác ngoài hậu môn sẽ được che kín bằng khăn.

Bác sĩ sẽ quan sát vùng hậu môn để kiểm tra những bất thường như lở loét, sưng tấy hậu môn, nứt hậu môn, vị trí và kích thước các búi trĩ,... Sau đó, bác sĩ sẽ dùng tay để sờ nắn, banh mép hậu môn ra để kiểm tra tỉ mỉ, kỹ càng hơn.

- Bước 3: Làm thêm xét nghiệm nếu cần thiết

Nếu qua bước khám hậu môn mà mọi thứ vẫn còn mơ hồ, hoặc bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị 1 tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, thì bác sĩ có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm. Phổ biến là soi hậu môn, soi trực tràng, hoặc dùng máy hút để kiểm tra búi trĩ nội,...

- Bước 4: Đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh trĩ và tư vấn điều trị

Sau các bước thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ có thể kết luận về tình trạng và cấp độ của bệnh, từ đó đưa phác đồ điều trị cụ thể. Bác sĩ sẽ thông báo với bệnh nhân tình trạng bệnh tật, tư vấn về các phương pháp điều trị có sẵn, hỗ trợ lựa chọn điều trị. Bác sĩ cũng sẽ giải thích sâu hơn về bệnh tật và cách chữa trị, trấn an tinh thần của bệnh nhân.

Nếu như kết quả chẩn đoán bệnh trĩ còn nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn các phương pháp tự điều trị và tư vấn thay đổi thói quen sinh hoạt. Sau đó, bác sĩ cũng sẽ hẹn lịch tái khám để theo dõi tình trạng bệnh.

2. Bạn cần chuẩn bị gì trước khi đi khám chẩn đoán bệnh trĩ?

Chẩn đoán bệnh trĩ là một quy trình nhanh chóng và đơn giản, bệnh nhân không cần ở lại bệnh viện, nên không cần chuẩn bị gì nhiều, chỉ cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Nên hẹn trước với bác sĩ để được tiếp đón chu đáo và cẩn thận hơn. Tránh tình trạng phải ngồi chờ căng thẳng.

- Chuẩn bị sẵn tâm lý thoải mái, không nên quá ngại ngùng mà bỏ qua các triệu chứng tế nhị, không thông báo cho bác sĩ biết.

- Chuẩn bị hồ sơ lịch sử y tế nếu bạn từng mắc các bệnh về đường ruột, trực tràng hoặc ống hậu môn. Nó sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh trĩ và các bệnh liên quan chính xác, tỉ mỉ hơn, không bỏ sót bệnh.

- Mặc rộng rãi thoải mái.

- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ trước khi đi khám và chẩn đoán bệnh trĩ.


Tác giả: Minh Vy