Tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh đau răng và cách giảm đau hiệu quả

Tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh đau răng và cách giảm đau hiệu quả
Đau răng là tình trạng đau tại răng hoặc nướu răng. Nguyên nhân gây đau thường do tổn thương tại khoang miệng hoặc chấn thương ở răng gây bộc lộ tủy răng, nơi chứa rất nhiều dây thần kinh và mạch máu.

1. Tổng quan về đau răng

Đau răng là cảm giác đau ngay tại vị trí 1 răng nhất định hoặc xung quanh răng. Do vậy, các cơn đau răng là biểu hiện của cả răng và nướu khi có vấn đề. Đau răng chủ yếu là do sâu răng gây tổn thương đến hệ mạch máu và thần kinh bên trong tủy răng.

Đôi khi cảm giác đau răng chỉ là một dấu hiệu cảnh báo cho một vùng khác của cơ thể có vấn đề.

Thông thường các cơn đau răng ít khi tự khỏi nếu không có sự can thiệp, ví dụ như đau răng gây ra bởi sâu răng.

Các trường hợp đau răng bình thường ít khi gây chết người, tuy nhiên đôi khi đau răng lại là biểu hiện của những bệnh lý cần can thiệp y tế ngay lập tức như bệnh tim mạch hoặc bệnh về phổi.

2. Triệu chứng đau răng

Đau răng có thể phân thành từ nhẹ đến nặng hoặc đau từng cơn, đau dai dẳng kéo dài.

Các triệu chứng có thể gặp:

Cảm giác đau nhói và sưng nề ngay tại vị trí răng đau hoặc xung quanh nướu.

Sốt nhẹ

Đau dữ dội khi cắn hoặc chạm vào vị trí răng đau

Cảm giác căng nhẹ hoặc hơi nhói xung quanh răng

Khi sử dụng các loại thức ăn hoặc đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh răng sẽ bị nhạy cảm, ê buốt.

Một vài trường hợp nặng có cảm giác đau dữ dội, đau lăn lộn,..

3. Nguyên nhân gây sâu răng

3.1 Nguyên nhân gây đau răng thông thường

Sâu răng là nguyên nhân hàng đầu gây đau răng thường gặp nhất. Nếu sâu răng không được điều trị dứt điểm, sẽ diễn tiến nặng thành áp xe răng. Áp xe răng là một tình trạng nhiễm trùng xảy ra ngay tại vị trí răng đau hoặc tại tủy răng.

Nếu bạn nghĩ cơ thể đang có tình trạng áp xe răng, bạn cần đến gặp ngay nha sĩ để được điều trị kịp thời. Một số hiếm các trường hợp, tình trạng áp xe răng nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn trong khối áp xe sẽ lan lên não và gây ảnh hưởng tới tính mạng.

Một nguyên nhân gây đau răng khác thường gặp là do sự va chạm giữa các răng. Tình huống này thường hay gặp đối với răng khôn. Khi răng khôn bị kẹt lại ở mô nướu hoặc kẹt trong xương hàm, răng không thể mọc ra được sẽ gây đau.

3.2 Nguyên nhân gây đau răng khác

Nguyên nhân gây đau răng không phải ở tại khoang miệng

Viêm xoang gây ra bởi sự phát triển của virus, vi khuẩn, hoặc nấm trong lòng các xoang gây nên tình trạng viêm.

Bởi vì các chân răng của hệ thống răng hàm trên có vị trí gần với các xoang nên khi viêm xoang cũng sẽ gây đau các răng hàm trên.

Bệnh lý tim mạch hoặc ung thư phổi cũng có thể gây đau răng. Trong một vài trường hợp, đau răng là dấu hiệu cảnh báo của nhồi máu cơ tim.

Bệnh lý tim và phổi có thể gây đau răng là do sự liên hệ giữa tim, phổi, răng thông qua hệ thần kinh vagal. Dây thần kinh này xuất phát từ não và đi qua rất nhiều cơ quan khác nhau trong đó có tim, phổi và cả hàm dưới.

Nguyên nhân gây đau răng hiếm gặp hơn là đau dây thần kinh sinh ba và đau dây thần kinh chẩm. Đau dây thần kinh sinh ba và đau dây thần kinh chẩm là tình trạng viêm dây thần kinh gây kích thích và đau thần kinh.

Các cơn đau này thường xuất hiện ở các vị trí như: vùng đầu, mặt và răng. Khi các sợi thần kinh này bị tổn thương, các cơn đau có cảm giác như đau bắt nguồn từ thần kinh.

4. Phương pháp điều trị

Đau răng hầu hết đều cần đến sự can thiệp y tế. Các biện pháp giảm đau tại nhà chỉ có tác dụng làm giảm cơn đau và trì hoãn thời gian đến gặp nha sĩ.

4.1 Điều trị tổn thương răng, nướu

Nếu tình trạng đau răng là do tổn thương do răng, điều trị sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt.

Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp Xquang răng và thực hiện một vài xét nghiệm phát hiện răng sâu hoặc các tổn thương răng khác. Các thuốc thường được sử dụng là giảm đau và kháng sinh.

Nếu nguyên nhân gây đau răng là do sâu răng, bác sĩ sẽ điều trị răng sâu và lấp đầy khoảng hở bằng vật liệu chuyên dụng hay còn gọi là trám răng. Đối với những răng không mọc được hoặc di lệch gây đau thường cần phải được phẫu thuật nhổ bỏ.

4.2 Điều trị viêm xoang

Bác sĩ thường sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc có thể làm thông thoáng đường mũi. Trong một số trường hợp viêm xoang nặng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn phẫu thuật mở xoang kiểm tra. Đối với những trường hợp này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị.

4.3 Điều trị viêm dây thần kinh sinh ba và viêm dây thần kinh chẩm: 

Đau dây thần kinh không có các chữa lành. Điều trị duy nhất là giảm đau với thuốc.

4.4 Điều trị tại nhà

Có thể sử dụng các thuốc giảm đau không cần kê toa như acetaminophen, aspirin, ibuprofen.

Thuốc điều trị đau răng như benzocaine. Trẻ em dưới 2 tuổi không được sử dụng thuốc có chứa benzocaine.

Thuốc thông mũi xoang như pseudoephedrine, nếu đau răng có nguyên nhân là do viêm xoang hàm.

Tinh dầu đinh hương cũng có tác dụng giảm đau răng hiệu quả.

Súc miệng với nước súc miệng chuyên dùng: sử dụng nước súc miệng có chứa cồn giúp hạn chế viêm và tê răng giảm cảm giác đau.

Chườm lạnh ngay tại vị trí răng đau.

Ảnh 1.

5. Biến chứng của sâu răng

Răng bị sâu có thể là bệnh rất thường gặp và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Một số người nghĩ rằng, sâu răng ở trẻ em là không vấn đề gì. Răng sữa thì không cần chăm sóc kĩ càng, chỉ thật sự chăm sóc sức khỏe răng miệng khi đã có răng trưởng thành. Đó là những suy nghĩ sai lầm và có thể gây nhiều biến chứng do răng sâu.

Biến chứng có thể gặp như:

Đau răng kéo dài

Áp xe răng

Sưng nề vùng nướu quanh răng

Tổn thương răng phải nhổ bỏ

Có vấn đề về nhai nuốt

Những biến chứng nặng hơn có thể gặp như:

Cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày

Sụt cân hoặc suy dinh dưỡng do đau dẫn đến hạn chế ăn uống, nhai, nuốt.

Mất răng, ảnh hưởng tới diện mạo, sự tự tin của bản thân

Một số ít trường hợp, áp xe răng có thể ảnh hưởng đến tính mạng khi không điều trị vi khuẩn gây bệnh đi vào não hoặc máu gây viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết.

6. Phòng tránh

Để phòng tránh đau răng, cần vệ sinh răng miệng thật kĩ càng, đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Nên đánh răng sau khi ăn khoảng từ 30-60 phút.

Sử dụng các loại kem đánh răng có chứa flour. Hoặc các loại nước uống đóng chai có chứa flour. Flour có tác dụng khá rõ rệt trong giảm nguy cơ mắc sâu răng.

Nên sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày.

Súc miệng sạch bằng nước muối mỗi ngày. Cách pha nước muối súc miệng: pha 1/2 muỗng cà phê muối hòa toan trong 1 cốc nước ấm. Súc miệng bằng nước muối ấm sau mỗi bữa ăn hoặc ngay trước khi đi ngủ. Súc miệng bằng nước muối không những giúp giảm sâu răng và còn tăng cường sức khỏe răng miệng, hạn chế viêm nướu, viêm họng, apthae lưỡi,...

Đến nha sĩ kiểm tra răng miệng mỗi 6 tháng một lần, hoặc theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

Ảnh 2.

Cần đến nha khoa để xử lý vấn đề sâu răng triệt để

Nên ăn nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe. Hạn chế tiêu thụ nhiều các thực phẩm chứa đường, tinh bột trong các bữa ăn.

Bên cạnh đó cũng cần bảo vệ sức khỏe của hệ tim mạch và phổi như: không sử dụng thuốc lá, không ăn thực phẩm nhiều chất béo, ăn nhiều chất xơ, và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày trong tuần.

7. Chế độ ăn tốt cho sức khỏe răng miệng

Để phòng ngừa sâu răng và các bệnh lý răng miệng khác, chế độ ăn uống rất quan trọng. Vi khuẩn trong miệng sẽ chuyển hóa đường và carbohydrate trong thức ăn thành acid, acid này sẽ tấn công men răng, và bắt đầu tiến triển thành sâu rang. Bạn càng ăn nhiều lần trong ngày, ăn nhiều thức ăn vặt, quá trình này càng diễn ra nhiều hơn và răng càng dễ bị sâu hơn.

Những loại thức ăn và nước uống tốt cho răng miệng:

Một vài loại thức ăn như phô mai, thịt gia cầm và một số loại thịt khác, các loại hạt, sữa đều là những thực phẩm tốt cho sức khỏe răng miệng. Những loại thức ăn này cung cấp nhiều can xi và phospho có tác dụng tốt trong quá trình tái khoáng hóa men răng. Bên cạnh đó, bông cải xanh và xà lách cũng là những nhóm thực phẩm chứa nhiều canxi có nguồn gốc thực vật.

Những loại trái cây có độ giòn như táo, lê và một số loại rau xanh khác cũng là những lựa chọn nên được ưu tiên. Những loại thức ăn này có chứa nhiều nước, giúp trung hòa và hạn chế lượng đường có trong thực phẩm này. Không những vậy, còn giúp tăng tiết nước bọt, có tác dụng rửa trôi các phần thức ăn còn dư thừa bám trên răng hoặc trung hòa nồng độ acid trong khoang miệng. Các thực phẩm chứa nhiều acid như cam, chanh, cà chua, nên sử dụng với mức độ vừa phải.

Các loại thức uống nên được lựa chọn sử dụng: nước lọc, sữa, trà không đường. Hạn chế tối đa sử dụng các loại nước uống chứa nhiều đường như nước ngọt có gas, nước chanh đường, cà phê, trà có pha thêm đường.

Thức ăn cần nên tránh hạn chế sâu răng: kẹo, bánh quy, bánh ngọt, bánh mì, bánh muffins, khoai tây chiên, thực phẩm chiên, chuối, nho khô, và các thực phẩm sấy khô khác. Những thực phẩm này chứa rất nhiều đường, và có khả năng gây dính răng, cung cấp một lượng lớn năng lượng cho sự phát triển của vi khuẩn.

8. Các câu hỏi thường gặp

Sử dụng chewing có tốt cho răng miệng?

Những loại chewing không đường khá tốt cho răng miệng vì những lý do sau:

Giúp rửa trôi những cặn bám thức ăn còn dính lại trên răng

Tăng tiết nước bọt giúp trung hòa nồng độ acid có trong khoang miệng.

Một vài loại chewing chứa những thành phần giúp hạn chế đau họng và đau răng.

Tuy nhiên, đối với những người bị đau xương hàm hoặc có bất kì vấn đề gì ở xương hàm, sử dụng nhiều chewing sẽ khiến bệnh nặng hơn.

Khi nào bị đau răng cần đến gặp bác sĩ?

- Đau kéo dài hơn 2 ngày không khỏi

- Đau không giảm mặc dù đã sử dụng thuốc giảm đau

- Đau răng kèm theo sốt cao, đau khi nhai, nướu sưng tấy đỏ, hoặc có vị lạ trong miệng.

- Phần má hoặc hàm sưng to

Những việc nên làm và không nên làm trong khi bị đau răng?

Nên làm:

- Sử dụng các thuốc giảm đau như ibuprofen, paracetamol. Trẻ em dưới 16 tuổi không nên sử dụng aspirin.

- Súc miệng bằng nước muối

- Sử dụng các loại gel giúp giảm đau răng

- Ăn thức ăn mềm, như yogurt, trứng, hạn chế nhai chewing khi đang bị đau răng.

Không nên làm:

- Không nên ăn thực phẩm ngọt, quá nóng hoặc quá lạnh.

- Hạn chế thuốc lá, do thuốc lá có thể làm nặng hơn các vấn đề răng miệng.

Nguồn:

https://www.healthline.com/health/toothaches#prevention

https://www.nhs.uk/conditions/toothache/

https://www.nhs.uk/conditions/toothache/

Tác giả: Hồng Phượng