Phù chân ở người già là một vấn đề sức khỏe không hiếm gặp. Nó có thể bị gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân này có thể là những vấn đề nhỏ nhặt và không nguy hiểm. Nhưng đôi lúc chúng cũng có thể là vấn đề nghiêm trọng và cần được được can thiệp ngay lập tức.
Xác định chính xác nguyên nhân bị phù chân ở người già là cơ sở để khắc phục tận gốc tình trạng này. Những nguyên nhân bị phù chân ở người già thường gặp:
Trái tim của con người hoạt động như một chiếc bơm, nó nhận máu từ tĩnh mạch và bơm máu vào động mạch. Khi tim bị suy, chức năng bơm máu của tim bị suy giảm. Khả năng bơm máu của tim không còn đủ để bơm toàn bộ máu từ tĩnh mạch đổ về sang hệ thống động mạch. Điều này làm máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ đọng.
Khi máu bị ứ đọng ở tĩnh mạch, áp lực thủy tĩnh trong hệ thống tĩnh mạch bị tăng cao. Dịch từ trong lòng mạch sẽ thoát ra khỏi lòng mạch và đi vào các khoảng gian bào. Từ đó gây nên tình trạng phù. Do đó, suy tim là một trong các nguyên nhân bị phù chân ở người già khá thường gặp trên thực tế.
Nguyên nhân bị phù chân ở người già do suy tim thường là các trường hợp suy tim phải hoặc suy tim toàn bộ. Còn suy tim trái thường sẽ liên quan nhiều hơn đến biểu hiện khó thở của bệnh nhân.
Phù chân ở người già do suy tim thường có đặc điểm là phù cả hai chân, phù trắng, phù mềm ấn lõm và không đau. Phù thường xuất hiện nhiều vào buổi sáng, tăng nặng khi bệnh nhân đứng lâu và giảm nhẹ bớt khi nằm xuống và kê cao chân.
Đọc thêm:
- Những triệu chứng bệnh thận ở nam giới thường bị bỏ qua
- Chạy thận nhân tạo: Những thông tin mà bệnh nhân và người nhà cần biết
Bệnh thận có thể khiến người già bị phù chân do nhiều cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào bệnh lý tại thận mà bệnh nhân mắc phải.
- Nếu người bệnh bị hội chứng thận hư, sự mất protein quá mức qua hệ thống màng lọc cầu thận là cơ chế chính gây phù. Bởi protein máu là động lực để duy trì áp lực keo của máu, có vai trò kéo nước từ khoảng gian bào vào trong lòng mạch. Khi mất protein quá nhiều khiến áp lực keo bị suy giảm, nên nước di chuyển từ lòng mạch ra khoảng gian bào gây phù.
- Nếu người già bị bệnh viêm cầu thận, suy thận cấp hay mãn,... thì cơ chế chính gây phù là do tình trạng ứ đọng muối và nước trong cơ thể. Các bệnh lý này làm giảm chức năng đào thải muối của thận, do đó muối bị ứ đọng lại trong các khoảng gian bào. Điều này khiến áp lực thẩm thấu tại đây tăng lên, dẫn đến hiện tượng kéo nước ra khỏi lòng mạch và gây phù.
Khi người bệnh bị phù chân do nguyên nhân bệnh lý tại thận, phù có tính chất thường thấy là phù mềm, phù trắng, ấn lõm và không đau. Các vị trí có cấu trúc mô lỏng lẻo như mi mắt,... thường là những nơi bị phù đầu tiên, rồi tiếp theo mới đến phù chân. Phù có xu hướng tăng nặng khi ăn mặn và giảm đi khi ăn nhạt lại.
Một nguyên nhân bị phù chân ở người già khác phải kể đến là tình trạng xơ gan.
Cần biết rằng, gan là cơ quan tổng hợp protein chính cho cơ thể, đặc biệt là albumin. Khi xơ gan xảy ra, chức năng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động tổng hợp protein không còn hiệu quả khiến hàm lượng protein máu giảm thấp. Hậu quả là áp lực keo trong máu bị suy giảm.
Do áp lực keo trong lòng mạch suy giảm nên nước trong lòng mạch bị kéo ra các khoảng gian bào và khiến người già bị phù. Điều này tương tự với cơ chế gây phù trong hội chứng thận hư.
Phù do xơ gan cũng có đặc điểm là phù mềm, ấn lõm và không đau. Tuy nhiên do sự ứ đọng của bilirubin, nên màu da ở những bệnh nhân này thường sẽ có màu vàng. Đồng thời với phù chân, xơ gan còn có thể gây nên phù tại nhiều vị trí khác trên cơ thể, hoặc gây ra tình trạng tràn dịch đa màng.
Cơ chế gây phù chân trong suy dinh dưỡng giống với cơ chế trong nguyên nhân bị phù chân ở người già do hội chứng thận hư hoặc xơ gan.
Ở những đối tượng này, mặc dù chức năng của các cơ quan tổng hợp protein hay chức năng của thận đều không có bất thường. Nhưng việc cung cấp dinh dưỡng không đầy đủ khiến cơ thể không có nguyên liệu để tổng hợp protein.
Điều tất yếu xảy ra là hàm lượng protein trong máu thấp, áp lực keo không đủ để kéo nước vào lòng mạch. Từ đó gây nên tình trạng phù chi dưới.
Các tĩnh mạch ở chi dưới có cấu tạo khác với tĩnh mạch tại những cơ quan khác. Trên đường đi của nó có các cấu trúc đặc biệt, những cấu trúc này đóng vai trò như là một chiếc van một chiều. Van này cho phép dòng máu đi theo chiều di chuyển về tim, nhưng lại ngăn chặn việc máu bị di chuyển xuống do tác dụng của trọng lực.
Theo tuổi tác, các van tĩnh mạch bị suy yếu và chức năng của nó không còn được nguyên vẹn. Vì vậy, máu có thể ứ lại trong hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Hậu quả của nó tương tự như trong ứ máu tĩnh mạch gặp ở các bệnh nhân suy tim. Áp lực thủy tĩnh trong lòng mạch cũng sẽ tăng cao, dẫn đến thoát dịch ra khỏi lòng mạch và là nguyên nhân bị phù chân ở người già.
Phù chân do suy van tĩnh mạch xảy ra ở bên chân có tĩnh mạch bị suy van. Người bệnh có thể thấy cảm giác căng tức, hoặc cảm giác đau. Đi kèm với đó là các tĩnh mạch nổi ngoằn nghèo và tăng kích thước.
Huyết khối tĩnh mạch là tình trạng hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Những cục máu đông này có thể gây bít kín đường đi của tĩnh mạch. Do vậy, máu sẽ bị ứ lại và không thể đi qua tĩnh mạch để về tim. Vì thế gây ra phù chân ở người già.
Bệnh nhân bị phù chân do nguyên nhân này thường chỉ bị phù một bên chân, trong khi bên chân còn lại vẫn bình thường. Phù tăng kích thước nhanh, rất đau khi chạm vào, da bị đổi màu và trở nên sẫm hơn, có thể có cảm giác dị cảm.
Một lý do nào đó khiến mạch bạch huyết bị quá tải hay rối loạn hoạt động như giảm số lượng mạch bạch huyết, xơ mạch bạch huyết, ung thư, tiền sử phẫu thuật hạch bạch huyết,... sẽ khiến các chất lỏng trong hệ thống bạch huyết bị ứ lại. Do đó làm tăng áp lực trong lòng mạch mạch bạch huyết và thoát vào các khoảng gian bào. Hậu quả là khiến người già bị phù chân.
Phù chân do nguyên nhân từ hệ bạch huyết có đặc điểm là phù cứng, ấn không lõm, xuất hiện ở một bên, da trở nên dày hơn, căng bóng hơn,...
Một số loại thuốc khi sử dụng cũng có thể là nguyên nhân bị phù chân ở người già. Chúng gây phù thông qua cơ chế tăng giữ muối nước, hoặc cũng có thể bằng cách làm gia tăng tính thấm thành mạch,...
Những nhóm thuốc hay gây phù trên thực tế có thể kể đến như các thuốc chẹn kênh calci, thuốc chẹn beta, methydopa trong điều trị tăng huyết áp; corticoid hoặc các thuốc nội tiết tố sinh dục; các thuốc kháng viêm, Pioglitazone,...
Thông thường các trường hợp phù chân ở người già do dùng thuốc đều đã được các bác sĩ cảnh báo về nguy cơ tác dụng phụ trước khi sử dụng. Do đó, nếu không phù quá nhiều thì người bệnh có thể tiếp tục sử dụng thuốc. Còn nếu như bị phù ở mức độ nghiêm trọng, sự thay thế bằng một loại thuốc khác là cần thiết.
Trên đây là một số nguyên nhân bị phù chân ở người già thường gặp trên thực tế. Nếu có thêm những thắc mắc liên quan đến tình trạng này, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp cụ thể và đầy đủ hơn.
Nguồn tham khảo:
1. https://health.clevelandclinic.org/when-is-leg-swelling-a-sign-of-something-serious/