Tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người già

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người già
Loãng xương ngày càng trở nên phổ biến hơn khi tuổi thọ trung bình của con người ngày càng tăng. Vậy tại sao những người cao tuổi lại hay gặp vấn đề về xương? Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người già!

1. Suy giảm hormone Estrogen là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh loãng xương ở người già

Hormone Estrogen là hormone sinh dục nữ. Ở tuổi mãn kinh, Estrogen suy giảm trầm trọng. Đây là nguyên do chính gây loãng xương ở phụ nữ cao tuổi, và cũng là lý do tại sao tỷ lệ loãng xương ở nữ thường cao hơn nam giới.

Tác dụng của hormone Estrogen mà ai cũng nhìn thấy, đó là giúp phụ nữ tươi trẻ, tràn đầy sức sống hơn. Khi bước vào tuổi trung niên, trải qua quá trình mãn kinh, lượng hormone Estrogen sụt giảm, làm cơ thể bị lão hóa kéo theo một loạt sự thay đổi khác cả về thể xác lẫn tinh thần của người phụ nữ. 

Những biểu hiện thường gặp nhất khi cơ thể thiếu hormone Estrogen là thay đổi tính khí, da khô sạm, giảm ham muốn tình dục, rụng tóc, yếu móng,... Sự tác động của Estrogen lên xương cũng khá nặng nề. Hormone Estrogen có tác dụng là tăng tuổi thọ và số lượng các tế bào tạo xương, kéo dài khả năng đàn hồi của xương, giảm tích tụ canxi trong xương. 

Đó là lý do tại sao, khi mãn kinh, quá trình mất xương xảy ra nhanh hơn, gây loãng xương ở người già.

2. Kém ăn, thiếu chất

- Ở người già, ăn uống thường không ngon miệng, lượng ăn được ít, dẫn đến cơ thể thiếu chất, thiếu canxi, gây ảnh hưởng đến xương.

- Với những người trên 65 tuổi, ruột bắt đầu lão hóa, không thể hấp thụ canxi từ chế độ ăn uống hiệu quả như khi còn trẻ, dẫn đến việc sản xuất một loại hormone tuyến cận giáp khiến xương đào thải canxi vào máu, làm cho tình trạng loãng xương ở người già càng trở nên trầm trọng hơn.

- Khi tuổi đã cao, sức đề kháng của cơ thể kém dần, cũng là lúc nhiều căn bệnh phát tác. Vấn đề bệnh tật có thể yêu cầu người già ăn uống kiêng khem. Việc ăn kiêng cũng là một trong những lý do khiến cơ thể thiếu canxi và khoáng chất cho xương.

3. Loãng xương ở người già do tình trạng thiếu vitamin D

Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể hấp thu canxi. Thiếu vitamin D không chỉ gây hậu quả cho xương, mà còn liên quan đến yếu cơ, tăng nguy cơ té ngã và do đó, tăng nguy cơ gãy xương.

- Da có khả năng tổng hợp vitamin D khi da được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ở người cao tuổi, da đã lão hóa, làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D của da, là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương ở người già. 

- Người già thường ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời do họ thường ở nhà, ít khi làm việc và vận động. Người già cũng là đối tượng có nhiều bệnh tật, nên họ thường nằm nghỉ ngơi trong nhà, ít khi ra ngoài trời hơn các đối tượng khác. Do đó nguy cơ loãng xương ở người già bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao hơn so với các độ tuổi khác.

4. Ít tập thể dục khiến nguy cơ mắc bệnh loãng xương ở người già tăng cao

Bất kể tuổi tác, xương và cơ bắp cần tập thể dục để duy trì sức mạnh. Nhưng người già là đối tượng ít tập thể dục nhất, do việc vận động khó khăn, dễ bị đau mỏi, khiến họ không mấy hứng thú với việc tập thể dục. 

Ngoài ra, sức khỏe suy giảm, cộng thêm việc mắc nhiều bệnh khiến cho những người cao tuổi bị giảm khả năng vận động hoặc hạn chế vận động để đảm bảo sức khỏe. Hệ quả ngoài ý muốn là nguy cơ loãng xương ở người già ngày càng tăng lên.

5. Khó khăn trong phòng ngừa

Người cao tuổi thường xuyên gặp chấn thương cũng là một trong những nguyên nhân khiến xương yếu hơn, dễ bị loãng xương hơn. 

Ở người cao tuổi, cơ thể lão hóa, gây ra sự mất ổn định tư thế, giảm hiệu suất cơ bắp, thị lực kém, giảm nhận thức,.... làm họ dễ té ngã hơn, dễ dẫn đến gãy xương. Người già cũng có thời gian phản ứng chậm hơn và thường ngã sang một bên, chịu tác động trực tiếp đến hông, làm tăng nguy cơ gãy xương.


Nguồn dịch: https://www.iofbonehealth.org/special-considerations-very-elderly

Tác giả: Mai Nhung