Tìm hiểu hội chứng bàng quang tăng hoạt vào mùa đông

Tìm hiểu hội chứng bàng quang tăng hoạt vào mùa đông
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng rối loạn bàng quang, các triệu chứng thường trầm trọng hơn vào mùa đông. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bàng quang tăng hoạt (OAB) là tình trạng rối loạn chức năng giữ nước tiểu của bàng quang, gây ra cảm giác muốn đi tiểu đột ngột hoặc tiểu không tự chủ. Phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới.

Vào mùa đông, tình trạng này có thể trầm trọng hơn do phản ứng của các cơ bàng quang với nhiệt độ thấp và quá trình làm ấm cơ thể, làm các cơ xung quanh bàng quang bị căng, khiến các cơn co thắt bàng quang nhiều hơn, dẫn đến tình trạng tiểu gấp, tiểu không tự chủ.

Hơn nữa, vào mùa đông cơ thể sẽ ít tiết ra mồ hôi nên nước sẽ bài tiết qua thận nhiều hơn lỗ chân lông. Đặc biệt, tình trạng bài niệu do lạnh làm các mạch máu nhỏ trên da, tay chân co lại và dồn lượng máu cần thiết tới các cơ quan nội tạng, trong đó có thận. Khi lượng máu dẫn tới thận nhiều hơn, việc lọc và bài tiết nước tiểu sẽ nhanh hơn, nên làm tăng triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

1. Các triệu chứng của hội chứng bàng quang tăng hoạt

Mỗi người sẽ gặp các triệu chứng khác nhau khi mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt. Tuy nhiên, các triệu chứng thường gặp khi mắc hội chứng này:

- Tiểu nhiều lần, chẳng hạn hơn 8 lần trong vòng 24 giờ; tiểu đêm

- Cảm giác buồn tiểu gấp, không thể nhịn tiểu

- Tiểu són, tiểu không kiểm soát

- Xuất hiện những cơn co thắt bàng quang dẫn đến són tiểu

Tìm hiểu hội chứng bàng quang tăng hoạt vào mùa đông - Ảnh 2.

Cảm giác buồn tiểu gấp, không thể nhịn tiểu là triệu chứng điển hình của hội chứng bàng quang tăng hoạt (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Những lý do có thể dẫn đến đi tiểu nhiều lần và tiểu đêm

Nhiễm trùng đường tiểu ở phụ nữ dễ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, làm thế nào để phòng tránh?

2. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bàng quang tăng hoạt

Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng bàng quang tăng hoạt chưa được xác định chính xác, nhưng một số yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến tình trạng này, cụ thể:

- Uống quá nhiều nước

- Nhiễm trùng đường tiết niệu

- Tiêu thụ caffein, rượu hoặc các chất kích thích bàng quang khác

- Không làm trống hoàn toàn bàng quang

- Sỏi bàng quang

Nguy cơ phát triển tình trạng này tăng theo độ tuổi. Nhưng bàng quang hoạt động quá mức không phải là điều tất yếu của quá trình lão hóa, đây cũng có thể là bệnh lý cần được quan tâm. Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, mọi người nên đến bệnh viện thăm khám để có hướng điều trị phù hợp.

Tìm hiểu hội chứng bàng quang tăng hoạt vào mùa đông - Ảnh 3.

Các vấn đề về đường tiết niệu có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng bàng quang tăng hoạt (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, chức năng bàng quang phụ thuộc vào sức khỏe đường tiết niệu. Nguyên nhân của bàng quang hoạt động quá mức thường là kết quả của các vấn đề trong đường tiết niệu của bạn.

3. Chẩn đoán và điều trị tăng hoạt mùa đông như thế nào?

3.1. Cách chẩn đoán

Bác sĩ sẽ tiến hành làm một số xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây ra các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức của bạn, cụ thể:

- Phân tích nước tiểu: Có thể giúp xác định nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các vấn đề về đường tiết niệu khác.

- Kiểm tra thể chất: Bác sĩ sẽ xem xét bạn cảm thấy đau xung quanh bụng và thận hay không hoặc kiểm tra tuyến tiền liệt mở rộng.

- Quét bàng quang: Xét nghiệm này sử dụng sóng siêu âm để đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi bạn đi tiểu.

- Xét nghiệm niệu động lực học: Loại xét nghiệm này có thể đánh giá khả năng giữ và lưu trữ nước tiểu của bàng quang.

- Soi bàng quang: Phương pháp này giúp bác sĩ xác định xem các triệu chứng của bạn có phải do bất kỳ bất thường nào trong bàng quang gây ra hay không, chẳng hạn như sỏi bàng quang hoặc khối u. Sinh thiết cũng có thể được thực hiện.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm khác nếu cần thiết.

Tìm hiểu hội chứng bàng quang tăng hoạt vào mùa đông - Ảnh 4.

Để chẩn đoán tình trạng bàng quang hoạt động quá mức cần làm một số xét nghiệm (Ảnh: Internet)

3.2. Phương pháp điều trị

Khi gặp tình trạng bàng quang tăng hoạt, mọi người nên điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên, một số biện pháp sau thường được sử dụng để điều trị và làm giảm các triệu của tình trạng này:

- Thay đổi thói quen và lối sống

Đây được coi là liệu pháp thay đổi hành vi, có tác dụng hỗ trợ làm giảm các triệu chứng rối loạn bàng quang. Để thực hiện phương pháp này, mọi người lưu ý một số vấn đề:

+ Viết chi tiết thời gian đi tiểu, khoảng thời gian hợp lý đi tiểu mỗi lần từ 3 đến 4 giờ, nếu có cảm giác buồn tiểu (vẫn có thể kiểm soát) không cần đi tiểu luôn.

+ Thay đổi chế độ ăn uống, tránh xa những thực phẩm kích thích bàng quang như cà phê, bia rượu, thực phẩm nhiều đường.

+ Điều chỉnh lượng nước theo điều kiện môi trường, thời tiết, sinh hoạt. Chẳng hạn, vào mùa đông không nên uống nước quá nhiều trong một thời gian ngắn, …

+ Tập các bài tập sàn chậu để hỗ trợ việc kìm nén việc tiểu đột ngột, tiểu són hay tiểu nhiều vào ban đêm.

- Dùng thuốc

Các loại thuốc điều trị chứng bàng quang tăng hoạt tập trung vào hai tác dụng: làm giảm các triệu chứng và giảm các cơn tiểu són và tiểu không tự chủ. Những loại thuốc này bao gồm tolterodine (Detrol, Detrol LA), trospium (Sanctura) và mirabegron (Myrbetriq).

Thuốc OAB có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm khô mắt, khô miệng và táo bón. Vì vậy, điều cần thiết là sử dụng theo đơn thuốc và sự tư vấn từ bác sĩ.

Tìm hiểu hội chứng bàng quang tăng hoạt vào mùa đông - Ảnh 5.

Dùng thuốc để điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ (Ảnh: Internet)

- Đặt ống thông tiểu

Đây là phương pháp dành cho những trường hợp bị liệt bàng quang, đặc biệt những người gặp tình trạng này do tổn thương tủy sống cấp tính.

Tuy nhiên, đặt ống thông tiểu có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, viêm niệu đạo, áp xe tuyến tiền liệt, …

- Phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để tăng khả năng chứa của bàng quang nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện bằng thuốc hoặc các liệu pháp khác.

Ngoài ra, một số biện pháp khác có thể sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt như kích thích thần kinh, tiêm onabotulinumtoxinA vào bàng quang, … nhưng mọi biện pháp đều cần sự chỉ định từ bác sĩ.

4. Hội chứng bàng quang tăng hoạt ở một số trường hợp

4.1. Bàng quang tăng hoạt ở nam giới

OAB phổ biến hơn ở phụ nữ, nhưng ít nhất 30% nam giới ở Hoa Kỳ thường xuyên gặp phải các triệu chứng của bàng quang hoạt động quá mức. Con số đó có thể cao hơn vì nam giới có thể không báo cáo các triệu chứng của OAB cho bác sĩ.

Nhiều trường hợp OAB ở nam giới là do tuyến tiền liệt mở rộng. Khi tuyến này sưng lên, nó có thể chặn dòng nước tiểu và khiến tình trạng tiểu không tự chủ trở nên phổ biến hơn.

Phì đại tuyến tiền liệt cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này, phổ biến hơn ở những người cao tuổi.

4.2. Bàng quang tăng hoạt ở nữ giới

Tỷ lệ nữ giới mắc chứng rối loạn bàng quang cao hơn nam giới, ít nhất 40% phụ nữ Mỹ gặp phải các triệu chứng của tình trạng này.

Không rõ nguyên nhân gây ra bàng quang hoạt động quá mức, nhưng OAB trở nên phổ biến hơn ở phụ nữ sau khi mãn kinh. Đó có thể là hậu quả của sự thiếu hụt nội tiết tố nữ Estrogen.

Tìm hiểu hội chứng bàng quang tăng hoạt vào mùa đông - Ảnh 6.

Tỷ lệ phụ nữ bị rối loạn bàng quang cao hơn nam giới (Ảnh: Internet)

4.3. Bàng quang tăng hoạt ở trẻ em

Tè dầm không phải là triệu chứng bàng quang tăng hoạt ở trẻ, đây là một trong những vấn đề bình thường ở độ tuổi này. Chỉ khi nào bạn nhận thấy con tiểu không tự chủ, tiểu quá nhiều lần thì nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ thường do nhiễm trùng đường tiết niệu, dị ứng, sử dụng sản phẩm có chứa caffeine, lo lắng và căng thẳng, bất thường về cấu trúc, táo bón.

Có thể nói, bàng quang tăng hoạt là tình trạng không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Duy trì lối sống lành mạnh là một trong những biện pháp có thể làm giảm nguy cơ bàng quang hoạt động quá mức, cụ thể:

- Duy trì cân nặng hợp lý

- Hoạt động thể chất và tập thể dục đều đặn hàng ngày.

- Hạn chế caffeine và rượu.

- Từ bỏ hút thuốc.

- Quản lý các bệnh mãn tính

Nguồn tham khảo: 

1. Everything You Need to Know About Overactive Bladder

2. Overactive bladder


Tác giả: Vân Anh