Lá lách là một cơ quan nằm ở vùng hạ sườn trái của cơ thể con người. Đây là một bộ phận lớn nhất của hệ bạch huyết trong cơ thể. Lá lách có nhiệm vụ hoạt động chủ yếu như một bộ lọc máu, ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách tạo ra các tế bào bạch cầu (tế bào lympho). Lách còn giúp đông máu bằng việc lưu trữ các tế bào hồng cầu và tiểu cầu. Bệnh ung thư lá lách xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển, tạo thành khối u trên lá lách của người bệnh.
Ung thư lá lách có thể được phân loại thành 2 thể nguyên phát hoặc thứ phát. Nếu là nguyên phát thì các tế bào ung thư sẽ phát triển bắt đầu từ lách. Nếu là ung thư lách thứ phát thì các tế bào ung thư sẽ xuất phát từ các cơ quan khác, sau đó di căn đến lách. Đa số trường hợp mắc bệnh là lymphoma – u lympho và Leukemia (bệnh bạch cầu cấp).
Đây không phải là một bệnh lý phổ biến, tuy nhiên nó cũng tiềm tảng rất nhiều nguy hiểm đến tính mạng của người mắc phải.
Đọc thêm:
Bệnh nhân ung thư có được tiêm vắc xin COVID-19 không: Giải đáp của Chuyên gia BV K
Ung thư tuyến giáp: Ăn gì sau khi uống iod phóng xạ?
Ung thư lá lách chủ yếu là loại ung thư thứ phát với nguyên nhân chính là do u lympho hoặc do bệnh Leukemia gây ra. Bên cạnh đó còn có một số bệnh ung thư khác di căn đến lá lách như ung thư vú, ung thư hắc tố và ung thư phổi.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm:
- Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.
- Người cao tuổi.
- Những người bị suy giảm miễn dịch do mắc HIV, người ghép tạng, người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch…
- Những người bị nhiễm EBV hoặc HP.
- Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại ở các khu công nghiệp.
- Người có tiền sử gia đình đã từng mắc các bệnh về ung thư lá lách.
Việc hiểu rõ các dấu hiệu, triệu chứng khi bị bệnh là một trong những cách tốt nhất giúp người bệnh có thể nhận biết và phát hiện sớm. Từ đó có thể kịp thời đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có phương pháp điều trị kịp thời.
Các triệu chứng của ung thư lách bao gồm:
- Lá lách tăng kích thước bất thường, có thể dễ dàng sờ thấy ở dưới sườn trái.
- Các cơn đau bụng ở dưới sườn trái xuất hiện đột ngột, sau đó lan dần ra khắp bụng.
- Sau khi ăn thường cảm thấy đầy bụng.
- Dễ xuất huyết, có thể là chảy máu chân rang, chảy máu âm đạo nhiều khi đến kì kinh nguyệt, xuất hiện các nốt xuất huyết bầm tím dưới da.
- Lượng hồng cầu thấp dẫn đến thiếu máu, da xanh xao, người mệt mỏi, dễ hoa mắt chóng mặt.
- Người mệt mỏi, dễ sút cân không rõ nguyên nhân.
- Đau ngực, ho, khó thở, sốt, người đổ mồ hôi nhiều, bất thường hoặc ớn lạnh.
- Nổi hạch to, bụng căng chướng.
Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường nhận biết ung thư lá lách của cơ thể, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác.
Nếu nghi ngờ bệnh nhân đang mắc bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu và đếm tế bào trong máu. Đây là một xét nghiệm bắt buộc được chỉ định trong tất cả các trường hợp để kiểm tra số lượng và công thức các hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
- Xét nghiệm tủy xương như chọc dò tủy đồ, sinh thiết tủy. Xét nghiệm này có thể giúp tìm các tế bào ung thư có trong tủy xương để kiểm tra bệnh nhân có mắc bệnh bạch cầu cấp hay không?
- Xét nghiệm chọc tế bào hạch, sinh thiết mô hạch bạch huyết để tìm kiếm các khối u có tồn tại trong hạch bạch huyết hay không nhằm kiểm tra bệnh nhân có mắc bệnh U lympho.
- Một số xét nghiệm hình ảnh như X – quang, CT, PET… giúp tìm ra vị trí và cấu trúc của các khối u, có khả năng bổ trợ chẩn đoán giai đoạn, biến chứng của bệnh.
- Một số trường hợp khó, bác sĩ có thể cắt bỏ một mẫu lách để làm giải phẫu chẩn đoán bệnh.
Vì là một căn bệnh khá hiếm gặp nên có rất nhiều người quan tâm đến vấn đề bệnh ung thư lá lách có nguy hiểm không? Câu trả lời còn tùy thuộc vào mức độ tiến triển cũng như loại ung thư mà người bệnh mắc phải.
Trong trường hợp ung thư lá lách là ung thư thứ phát (ung thư từ các cơ quan khác di căn sang) thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Người bệnh sẽ cần được điều trị song song cả ung thư lá lách và ung thư căn nguyên. Triển vọng phục hồi ở những trường hợp như trên tương đối thấp.
Chính vì vậy, ngay khi có các triệu chứng của bệnh, hãy nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhằm đem lại nhiều cơ hội chữa trị tốt hơn.
Nếu kết quả chẩn đoán của người bệnh là ung thư lá lách, phác đồ điều trị sẽ được bác sĩ đưa ra sao cho phù hợp nhất với tình trạng của bệnh nhân. Đa phần người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ lá lách do đây là phương pháp hiệu quả nhất, có khả năng ngăn chặn và loại bỏ triệt để các tế bào ung thư.
Phẫu thuật cắt bỏ lá lách có 2 phương pháp là nội soi và mổ hở (hay còn gọi là mở ổ bụng). Mục đích điều trị duy nhất là tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và ức chế, ngăn ngừa chúng tiếp tục phát triển.
- Nội soi: Đối với phương pháp này, các bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra 4 vết mổ nhỏ trong bụng người bệnh và sử dụng máy quay video siêu nhỏ để quan sát bên trong. Một ống thông sẽ được dùng để loại bỏ lá lách. Vết mổ khi sử dụng phương pháp nội soi nhỏ nên khiến quá trình phục hồi của bệnh nhân dễ dàng và nhanh chóng hơn.
- Mổ hở: Đối với thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường lớn ở giữa bụng để mở ổ bụng và thực hiện cắt bỏ lách. Thông thường, kỹ thuật mổ hở đòi hỏi thời gian phục hồi lâu hơn.
Bên cạnh đó, cũng tùy thuộc vào mức độ và loại bệnh ung thư lá lách của từng bệnh nhân mà bác sĩ cũng sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác hoặc kết hợp như:
- Xạ trị: Ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư trong một khu vực cụ thể, phổ biến nhất là với ung thư do u lympho.
- Hóa trị: Hóa trị là một phương pháp hiệu quả, được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư đã lây lan do di căn.
- Cấy ghép tế bào gốc: Phương pháp xạ trị và hóa trị có thể tiêu diệt các tế bào ung thư, tuy nhiên cũng có thể tiêu diệt các tế bào tốt trong cơ thể. Để ngăn ngừa điều này, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp tiêm tế bào gốc cho bệnh nhân. Tế bào gốc thường được lấy từ một người hiến tặng không bị ung thư. Các tế bào gốc này sẽ khuyến khích sự sinh sản của các tế bào máu mới khỏe mạnh.
- Liệu pháp sinh học hoặc liệu pháp miễn dịch: Đây là những phương pháp chống ung thư mới hơn, sử dụng hệ thống miễn dịch của chính cơ thể để chống lại ung thư.
- Liệu pháp nhắm mục tiêu: Thuốc trị liệu nhắm mục tiêu sẽ sử dụng các đột biến cụ thể liên quan đến một số tế bào ung thư. Từ đó ngăn chặn sự phát triển, sinh sản và lây lan của chúng. Phương pháp này hoạt động khác với các loại thuốc hóa trị, chúng sẽ phong tỏa các tế bào ung thư thay vì tiêu diệt nó hoàn toàn. Đôi khi thuốc điều trị nhắm mục tiêu cũng được sử dụng đồng thời cùng với hóa trị.
- Giám sát tích cực : Giám sát tích cực là phương pháp được sử dụng khi bệnh nhân đang chờ đợi để điều trị ung thư lá lách. Tình trạng của các bệnh nhân sẽ được theo dõi nhưng không được điều trị, trừ khi hoặc cho đến khi có sự thay đổi trong các triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm chỉ rõ phương pháp tốt nhất để điều trị.
Việc điều trị cũng sẽ bao gồm thuốc kháng sinh để duy trì sức khỏe của bệnh nhân trong khi hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Các loại thuốc khác nhau cũng được sử dụng để ngăn chặn các tác dụng phụ khó chịu của phương pháp điều trị ung thư gây ra.
Khi được chẩn đoán ung thư lá lách, một số bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ lá lách. Trong trường hợp này, bệnh nhân vẫn có thể sống mà không có lá lách. Thay vào đó, gan, thận và một số cơ quan khác sẽ đảm nhận nhiệm vụ lá lách bỏ lại. Tuy nhiên, những người đã cắt bỏ lá lách thường dễ bị nhiễm trùng hơn những người còn lại.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ lá lách để điều trị ung thư, người bệnh cần lưu ý một số điểm như sau:
- Tăng dần các cường độ hoạt động một cách từ từ, không nên quá gắng sức đến độ mệt mỏi.
- Hạn chế leo bậc cầu thang, nếu bắt buộc phải leo cầu thang, hãy nước từ từ và dừng lại để nghỉ sau vài bước.
- Không lái xe hoặc làm việc cho đến khi có sự đồng ý của bác sĩ.
- Lưu ý rửa sạch vết phẫu thuật bằng xà bông và nước, sau đó lau thật khô. Tránh cọ sát vào vết thương và cần kiểm tra vết mổ hàng ngày để xem có gia tăng việc bị đỏ, tiết dịch, sưng hay không.
- Chỉ dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào không có trong đơn thuốc, kể cả thực phẩm chức năng hay thuốc bổ, thảo dược...
- Nếu vết mổ bị tiết dịch, hãy đo và ghi lại lượng chất dịch tiết ra này trước khi đổ đi và đưa các giấy tờ ghi lại lượng dịch tiết ra này tới các buổi hẹn khám theo dõi.
Người bị ung thư lá lách cho dù điều trị bằng phương pháp nào cũng cần một chế độ dinh dưỡng phù hợp và khoa học để cơ thể có thể phục hồi. Trong thời gian đầu sau khi điều trị, đa phần người bệnh sẽ mệt mỏi, đôi khi phải ăn uống qua dịch truyền tĩnh mạch vài ngày cho đến khi các chức năng cơ bản của cơ thể được phục hồi.
Những ngày sau đó, người bệnh có thể ăn uống theo một chế độ bình thường. Tuy nhiên một số trường hợp sau khi phẫu thuật, hóa trị có thể bị táo bón. Vì vậy người bệnh có thể sẽ cần phải bổ sung thêm lượng chất xơ để hạn chế tình trạng này. Người nhà bệnh nhân cũng nên bổ sung thức ăn giàu chất xơ bao gồm các loại trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc.
Hiện nay, bệnh ung thư lá lách không có biện pháp nào phòng ngừa một cách đặc hiệu. Mọi người chỉ có thể thực hiện những biện pháp sau đây để có thể giảm các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra:
- Quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm HIV, EPV...
- Các bệnh nhiễm trùng cần được điều trị một cách triệt để.
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại như benzene (được sử dụng trong sản xuất nhựa, cao su…), thuốc nhuộm, các chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu…
- Duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh và khoa học.
- Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích khác.