Tìm hiểu chung về tiêm phòng virus cúm

Tìm hiểu chung về tiêm phòng virus cúm
Bệnh cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, bệnh có khả năng lây nhiễm cao từ người sang người. Thực hiện tiêm phòng virus cúm là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và ngăn lây lan cho người khác

Cúm là bệnh do virus rất phổ biến và dễ mắc đối với mọi người. Tuy phần lớn người mắc cúm là nhẹ và tự khỏi nhưng cũng có nhiều đối tượng sẽ gặp nguy hiểm khi mắc cúm. Điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng (sử dụng paracetamol) và bồi bổ cơ thể, thuốc chống virus chỉ dùng trong một số trường hợp đặc biệt.

Vì bệnh cúm rất dễ lây nên biện pháp phòng ngừa là tránh tiếp xúc với người bệnh và giữ vệ sinh bản thân cho tốt. Tiêm phòng virus cúm cũng là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả cho tất cả mọi người vì nó rất an toàn và hiệu quả.

1. Ai nên được tiêm phòng virus cúm?

Các type virus cúm có thể thay đổi từng năm, chính vì vậy vaccine mới được sản xuất mỗi năm để chống lại những type virus dự kiến sẽ gây bệnh trong năm đó. Sau khi tiêm phòng virus cúm, cần chờ đến 14 ngày mới tạo được miễn dịch bảo vệ hoàn chỉnh.

Bộ Y tế đưa ra chỉ dẫn về những người cần được tiêm phòng virus cúm, với mục đích giúp bảo vệ những đối tượng có nhiều khả năng xảy ra biến chứng do cúm như sau:

- Những người có độ tuổi > 65.

- Những người đang mắc bất kỳ bệnh phổi mạn tính nào, bao gồm viêm phế quản mạn, khí phế thủng, xơ nang và hen phế quản nặng (phải thường xuyên dùng thuốc steroid hít hoặc viên nén).

- Trẻ em từng vào viện vì nhiễm trùng vùng ngực.

- Người mắc bệnh tim mạn tính (đau thắt ngực, suy tim hoặc từng trải qua cơn đau tim).

- Mắc bệnh thận nghiêm trọng như hội chứng thận hư, bệnh thận mạn, ghép thận.

- Người mắc bệnh gan nghiêm trọng như xơ gan.

- Người bệnh đái tháo đường.

- Có hệ miễn dịch kém như bệnh nhân đang được điều trị hóa trị liệu, steroid (đã hơn 1 tháng), hoặc bị nhiễm HIV/AIDS, đã cắt lách.

- Bệnh nhân mắc các bệnh thần kinh nghiêm trọng như đa xơ cứng hoặc từng bị đột quỵ.

Ngoài ra còn có các đối tượng sau cũng nên được tiêm phòng virus cúm:

- Bạn nên chủng ngừa nếu là người chăm sóc chính cho người già hoặc người tàn tật, là những người có nguy cơ cao nhiễm cúm từ bạn.

- Nhân viên chăm sóc bệnh nhân trực tiếp (bao gồm cả điều dưỡng và nhân viên chăm sóc tại nhà).

- Phụ nữ mang thai, ngay cả khi tình trạng sức khỏe đang tốt. Hiện tại khuyến cáo của Bộ Y tế vẫn khuyên tất cả phụ nữ đang mang thai nên được chủng ngừa cúm.

2. Ai không nên tiêm phòng virus cúm?

Đại đa số mọi người đều có thể tiêm phòng virus cúm. Tuy nhiên những nhóm người sau đây không nên chủng ngừa bằng vaccine thông thường:

- Những người bị dị ứng nặng với trứng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể được chủng ngừa loại vaccine không chứa trứng khác như ngừa chủng cúm lợn (H1N1v).

- Những người từng bị dị ứng khi tiêm phòng virus cúm.

- Những trẻ em có hệ thống miễn dịch hoạt động không tốt thì không nên chủng ngừa loại vắc xin cúm sống. Đó là những trẻ bị bệnh bạch cầu hoặc HIV. Ngoài ra trẻ sống chung hoặc tiếp xúc gần gũi với người có hệ miễn dịch hoạt động kém cũng không nên tiêm vaccine sống mà nên được tiêm vaccine bất hoạt.

3. Tác dụng phụ có thể gặp

Tiêm phòng virus cúm thường không gây ra các tác dụng phụ gì. Đôi khi có thể gây đau nhẹ tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ và đau cơ nhẹ trong một ngày hoặc lâu hơn. Tình trạng này sớm ổn định, không gây ra bệnh cúm hoặc các vấn đề khác.

Phản ứng nghiêm trọng như phản ứng dị ứng, viêm dây thần kinh và viêm não cũng đã được báo cáo nhưng rất hiếm gặp.

4. Thời điểm và hiệu quả của tiêm phòng virus cúm

Thời điểm chích ngừa:

Vì chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên bạn cần chích ngừa cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Nên tiêm phòng càng sớm càng tốt khi có vaccine của năm đó. Trẻ em phải tiêm 2 mũi khi tiêm lần đầu. Người lớn và trẻ đã từng chủng ngừa cúm nên tiêm phòng mỗi năm một mũi.

Hiệu quả:

Người được tiêm phòng ngừa cúm sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus khi họ bị nhiễm. Cần khoảng 2 tuần để tạo ra kháng thể này và khả năng bảo vệ là 50-80% (có nghĩa là 50-80% người tiêm phòng virus cũm sẽ không bị cúm sau khi tiêm).



Tác giả: Anh Dũng