Tìm hiểu chung về nguyên nhân gai cột sống

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu chung về nguyên nhân gai cột sống
Gai cột sống là một thuật ngữ đề cập đến hiện tượng thoái hóa cột sống. Hầu hết những người trên 60 tuổi đều được chẩn đoán mắc tình trạng này. Tìm hiểu về nguyên nhân gai cột sống có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị bệnh và điều trị tốt hơn.

Cột sống là trụ cột của toàn thân, bao gồm 33 đốt sống tạo thành khung để bảo vệ tủy sống và các rễ thần kinh phía sau. Cột sống được chia thành từng đoạn dựa trên cơ sở cấu tạo giải phẫu và chức năng sinh lý bao gồm: 

- Đoạn cổ: 7 đốt sống.

- Đoạn thắt lưng: 5 đốt.

- Đoạn cùng: 5 đốt.

- Đoạn cụt: 4 đốt.

Bệnh gai cột sống là sự phát triển thêm ra của xương trên thân đốt sống, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Bệnh thường thấy ở người cao tuổi khi cột sống bắt đầu thoái hóa với tuổi già và thường có nhiều ở nam giới hơn là nữ giới. Tuy nhiên nữ giới ở tuổi mãn kinh cũng hay bị gai cột sống.

1. Tổng quan về nguyên nhân gây cột sống

Có ít nhất 4 nguyên nhân để giải thích sự hiện diện của gai cột sống:

- Gai xương có thể là kết quả của việc xương tự sửa chữa sau khi liên tục bị chấn thương như sức ép, va chạm, cọ xát. Ví dụ điển hình ở những người làm nghề khuân vác nặng, người bị thừa cân tăng áp lực lên xương khớp, người có dáng đi đứng không ngay ngắn khiến cột sống xiêu vẹo.

- Khi đĩa liên sống hư hao, xẹp xuống, dây chằng giữa các đốt sống sẽ chùng giãn, khớp chuyển động nhiều hơn. Phản ứng tự nhiên của cơ thể với sự chùng giãn này là làm cho dây chằng dầy lên để có sức giữ vững cột sống. Lâu ngày, canxi sẽ tụ lại trên dây chằng và tạo ra các gai hoặc chồi xương. Dây chằng ở trong ống cột sống cũng có thể dày lên, ống thu hẹp, ép vào dây thần kinh và gây ra các dấu hiệu bệnh.

- Gai là một diễn tiến của sự thoái hóa do tuổi già. Đĩa sụn và xương bị thoái hóa, hao mòn, mặt xương khớp gồ ghề và gai mọc ra. Đây chính là căn bệnh viêm xương khớp, thường thấy ở người tuổi cao.

- Các yếu tố như di truyền, kém dinh dưỡng, nếp sống không lành mạnh, dáng điệu đứng ngồi xấu, chấn thương liên tục (do thể thao, tai nạn xe cộ) …là những rủi ro đưa tới sự thoái hóa xương khớp và bị gai cột sống nhanh hơn.

2. Nguyên nhân gai cột sống theo từng loại

Gai cột sống lưng

Bệnh gai cột sống lưng là căn bệnh liên quan chặt chẽ đến hiện tượng thoái hóa cột sống. Xảy ra chủ yếu ở vùng thắt lưng bên dưới khi các gai xương bắt đầu mọc phía ngoài hai bên đốt sống. Nguyên nhân bị gai cột sống lưng thường là những người già, người gặp phải các tổn thương vùng cột sống lưng, thắt lưng khiến cho quá trình thoái hóa xương khớp diễn ra nhanh hơn. Bệnh chủ yếu tập trung ở nam giới nhiều hơn so với phụ nữ.

Gai đôi cột sống

Các chuyên gia cho biết, bệnh gai đôi cột sống được dịch từ chữ spina bifida. Trong tiếng latin có nghĩa là cột sống bị nứt tách đôi. Vị trí gai đôi S1 rất hay mắc bệnh gai cột sống vì là vùng bản lề của thắt lưng L5 nối với xương cùng S1. 

Nguyên nhân gai đôi cột sống thường có thể là do chấn thương cột sống, viêm nhiễm cục bộ, bẩm sinh hoặc do di chứng từ các bệnh lý khác...

Thông thường, người bị gai cột sống vị trí S1 thường không có bất kì biểu hiện nào cụ thể. Triệu chứng điển hình nhất chỉ là những cơn đau cấp tính tại vùng xương cùng S1, đau trong thời gian không kéo dài rồi tự hết. Tình trạng đau do bị gai cột sống sẽ có nguy cơ nặng dần và đẩy nhanh quá trình gây bệnh thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, không phải ai bị gai đôi cột sống cũng có thể mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.

Nguyên nhân gai cột sống cổ

Gai đốt sống cổ là hiện tượng các mỏm xương hoặc điểm lồi có hiện tượng bị nhô ra tại các khớp. Chúng hình thành do sự tổn thương của bề mặt khớp, làm cản trở cử động xương, từ đó gây ra sự đau đớn ở các mức độ khác nhau. Gai đốt sống cổ thường xảy ra tại khu vực cổ, 2 gáy và 2 vai. 

Gai cột sống cổ chủ yếu là do ngồi sai tư thế diễn ra lâu trong một thời gian dài, viêm nhiễm hoặc chấn thương...

Một số bệnh nhân bị gai cột sống cổ còn có hiện tượng đau buốt lên đỉnh đầu, gây đau nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ. Nếu như bị gai cột sống cổ nặng có thể kèm theo căn bệnh thoát vị đĩa đệm vùng cổ, chèn ép lên dây thần kinh gây ra tê, lan xuống vai và vùng cánh tay.  



Tác giả: Thúy Nga