Tìm hiểu chung về hen phế quản cấp tính

Tìm hiểu chung về hen phế quản cấp tính
Hen phế quản cấp tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện, xử trí. Vì vậy, nắm được những thông tin cần thiết dưới đây sẽ giúp bạn có thể sớm phát hiện và kiểm soát tốt bệnh lý này.

1. Hen phế quản cấp tính là gì?

Bệnh hen phế quản cấp tính là tình trạng viêm đường thở làm tăng tính đáp ứng đường thở như tình trạng co thắt, phù nề, tăng tiết đờm,... gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở.

Bệnh nhân bị hen phế quản cấp tính sẽ có những biểu hiện như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, chủ yếu xảy ra vào thời điểm ban đêm và sáng sớm. Người bị hen phế quản cấp tính có thể phục hồi tự nhiên hoặc điều trị bằng thuốc.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Hen phế quản cấp tính do nhiều nguyên nhân gây nên, đặc biệt là sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và yếu tố môi trường. Một số nguyên nhân gây hen phế quản thường gặp bao gồm:

- Do dị ứng: Các cơn hen phế quản cấp tính có thể xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, thực phẩm gây dị ứng hoặc một số thuốc như aspirin.

- Tiếp xúc yếu tố kích thích: Các yếu tố môi trường như khói thuốc lá, khói bụi, ô nhiễm không khí, các hóa chất tẩy rửa, thay đổi độ ẩm,...

- Do vận động: Hen phế quản có thể khởi phát hoặc nặng lên khi vận động gắng sức.

Tìm hiểu chung về hen phế quản cấp tính - Ảnh 2.

- Một số nguyên nhân khác gây hen phế quản cấp tính: nhiễm trùng đường hô hấp do virus parainfluenza, yếu tố di truyền, mắc bệnh trào ngược dạ dày hay các bệnh lý khác trên đường hô hấp, sử dụng một số thuốc như chẹn beta giao cảm.

3. Dấu hiệu nhận biết cơn hen phế quản cấp tính

Thông thường, cơn hen suyễn có thể khởi phát một cách rầm rộ, đột ngột hoặc cũng có thể diễn tiến từ từ và nặng dần. Những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản cấp tính bao gồm:

- Khó thở: Khi mắc bệnh hen phế quản cấp tính, bệnh nhân thường bị ngộp, không thở được hoặc không đủ hơi để thở. Khi tình trạng khó thở trở nên trầm trọng, người bệnh còn có triệu chứng hốt hoảng, nói câu ngắn hoặc từng từ, toát mồ hôi,...

- Khò khè: là biểu hiện thường gặp nhất của cơn hen suyễn cấp tính. Đây là tiếng rít đi kèm với nhịp thở, thường được nghe thấy khi bệnh nhân hen suyễn thở ra.

- Ho: Triệu chứng ho thường đi kèm với triệu chứng khó thở, chủ yếu xảy ra vào thời điểm nửa đêm về sáng hoặc khi người bệnh làm việc quá sức. Cũng có trường hợp người bệnh hen phế quản chỉ có triệu chứng ho nên việc chẩn đoán bệnh vì thế mà gặp nhiều khó khăn.

- Nặng ngực: Đây cũng là một biểu hiện khác của tình trạng khó thở. Người bệnh hen phế quản cấp tính có cảm giác như có vật nặng đè lên ngực.

- Viêm tiểu phế quản cấp kèm theo sốt và ho khạc đờm.

4. Nên làm gì để kiểm soát cơn hen phế quản cấp tính?

Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát cơn hen phế quản cấp tính theo những biện pháp như sau:

- Tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát cơn hen phế quản cấp tính như khói thuốc lá, hóa chất...

Tìm hiểu chung về hen phế quản cấp tính - Ảnh 3.

- Hạn chế làm việc gắng sức, tránh nhiễm khí lạnh lúc sáng sớm và đêm khuya.

- Đồng thời, bạn cũng nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động khoa học để cải thiện sức khỏe và chức năng hệ hô hấp.

- Sử dụng thuốc đường hít sớm và đúng cách ngay khi xuất hiện cơn hen. Đây là cách đưa thuốc trực tiếp vào đường hô hấp bằng các dụng cụ bơm xịt hoặc bình hít bột khô. Ưu điểm của phương pháp này là giảm bớt khó thở chỉ sau 2 đến 5 phút.

- Các thuốc có thể sử dụng trong trường hợp này là thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn như Salbutamol hoặc Formoterol. Người có cơn hen phế quản cấp tính nên dùng thuốc đường hít sớm ngay khi có triệu chứng đầu tiên vì để càng muộn thì khả năng cắt cơn hen càng thấp.

- Liều dùng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn phù hợp đối với bệnh nhân hen phế quản cấp tính là 2 lần xịt. Nếu chưa giảm khó thở thì xịt lặp lại 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 5 - 10 phút.

- Nếu cơn khó thở không hết sau 3 lần xịt thuốc hoặc cơn suyễn chỉ lui tạm thời trong vài tiếng rồi trở lại thì bệnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hoặc đến phòng cấp cứu ngay để được điều trị triệt để.

Hen phế quản cấp tính có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân nếu không kịp thời xử lý như xẹp phổi, suy hô hấp. Vì vậy, người bệnh cần sớm được chẩn đoán và điều trị ở những cơ sở y tế uy tín.


Tác giả: Anh Dũng