Tìm hiểu chung về các dấu hiệu của bệnh sởi theo thể bệnh

Tìm hiểu chung về các dấu hiệu của bệnh sởi theo thể bệnh
Bệnh sởi được chia thành các thể như thể thông thường, thể theo tiên lượng và theo thể địa. Các dấu hiệu của bệnh sởi theo thể bệnh từ đó sẽ có sự khác nhau tuỳ thuộc mức độ cũng như cơ địa của từng bệnh nhân.

Sởi là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Paramyxovirus. Các chuyên gia đã ước tính được rằng, mỗi năm có khoảng 20 triệu người mắc bệnh sởi ở mọi quốc gia. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong. Tuy vậy, không phải ai cũng biết rõ về dấu hiệu của bệnh sởi theo thể bệnh để có thể áp dụng phương pháp điều trị đúng cách.

Dưới đây là những biểu hiện có thể gặp ở các bệnh nhân mắc bệnh sởi theo 3 thể chính: thể thông thường điển hình, thể theo tiên lượng và thể địa của bệnh nhân.

1. Dấu hiệu của bệnh sởi theo thể bệnh thông thường điển hình

Bệnh sởi theo thể bệnh thông thường được chia thành 4 giai đoạn bao gồm giai đoạn nung bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát và lui bệnh.

1.1. Giai đoạn nung bệnh

Đây là giai đoạn từ khi virus sởi xâm nhập vào cơ thể con người.Thời gian nung bệnh có thể kéo dài từ 8 đến 11 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng nào trên cơ thể. Trừ một số trường hợp trẻ em có cơ địa nhạy cảm sẽ thấy hơi sốt và người mệt mỏi.

1.2. Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm xuất tiết)

Giai đoạn khởi phát thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Trong thời gian này, người bệnh sẽ cảm thấy một số triệu chứng như sau:

- Sốt nhẹ hoặc vừa. Các cơn sốt cao dần.

- Viêm xuất tiết mũi, họng, mắt với các biểu hiện như: chảy nước mắt nước mũi, ho, vêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt.

Đốm Koplik ở giai đoạn khởi phát của bệnh sởi (Ảnh: Internet)

Đốm Koplik ở giai đoạn khởi phát của bệnh sởi (Ảnh: Internet)

- Ngày thứ 2 ở giai đoạn khởi phát sẽ xuất hiện nội ban hay còn gọi là đốm Koplik. Đây là các hạt trắng, nhỏ, từ vài nốt đến vài chục, vài trăm nốt mọc ở niêm mạc má phía trong miệng, ngang răng hàm. Xung quanh đốm Koplik ở niêm mạc má thường có sung huyết và chúng chỉ tồn tại 24 đến 48 giờ. Đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm và chắc chắn của bệnh sởi.

- Hạch bạch huyết sưng.

- Nếu xét nghiệm ở giai đoạn này sẽ thấy lượng bạch cầu tăng vừa, Neutro tăng.

1.3. Giai đoạn toàn phát (mọc ban)

Bắt đầu từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 sau khi khởi phát, các nốt ban dát sần sẽ xuất hiện. Nốt ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, giữa các ban là khoảng da lành. Ban có thể mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 – 6mm. Chúng mọc dần theo thứ tự từ sau tai lan ra mặt. Đến ngày thứ 2, ban lan dần xuống ngực và tay rồi đến lưng và chân. Nốt ban sẽ kéo dài trong 6 ngày rồi lặn dần theo thứ tự như trên. Nếu xét nghiệm ở giai đoạn này sẽ thấy bạch cầu giảm, neutro giảm, lympho tăng.

Cần lưu ý nếu ban mọc ở bên trong niêm mạc (nội ban) như ở đường tiêu hóa sẽ gây rối loạn tiêu hóa, đi lỏng. Ban mọc ở phối gây viêm phế quản, ho. Khi ban bắt đầu mọc, toàn thân sẽ sốt cao hơn, mệt hơn. Khi ban mọc đến chân nhiệt độ giảm dần, triệu chứng toàn thân giảm dần rồi hết.

1.4. Giai đoạn lui bệnh (ban bay)

Thông thường đến ngày thứ 6, các nốt ban bắt đầu lặn dần. Ban lặn theo đúng thứ tự mọc từ mặt đến thân mình và chi, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng. Những chỗ da thâm khi ban lặn và chỗ da bình thương tạo nên các vệt loang lổ gọi là dấu hiệu “vằn da hổ”. Đây là dấu hiệu được sử dụng để truy chẩn đoán. Sau thời gian này, toàn thân bệnh nhân sẽ hồi phục dần nếu không gặp biến chứng gì.

2. Dấu hiệu ở thể theo tiên lượng

Tiên lượng của bệnh sởi được đánh giá căn cứ chủ yếu vào hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân. Cần lưu ý không đánh giá thể nặng, nhẹ chỉ dựa vào ban. Điều này là vì ban thưa có thể gặp ở thể nhẹ nhưng cũng có thể gặp ở thể nặng khi trẻ suy dinh dưỡng tính phản ứng yếu. Ngược lại ban mọc dày đặc không nhất thiết là nặng vì có thể gặp ở trẻ dinh dưỡng tốt, tính phản ứng mạnh.

2.1. Thể nhẹ

Ở thể nhẹ, người mắc bệnh sởi có thể gặp những triệu chúng như sau:

- Không sốt hoặc sốt nhẹ.

- Viêm xuất tiết mũi họng nhẹ.

- Ban thưa, mờ, lặn nhanh.

- Hay gặp ở trẻ dưới 6 tháng (trẻ đang còn miễn dịch từ mẹ).

2.2. Thể vừa

Các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh sởi ở thể vừa tương tự như dấu hiệu đã được mô tả ở thể thông thường điển hình. Các biểu hiện ở cơ thể sẽ trải qua 4 giai đoạn, nung bệnh, khởi phát, toàn phát, ban lặn.

Tìm hiểu chung về các dấu hiệu của bệnh sởi theo thể bệnh - Ảnh 3.

Các ban dát, sần xuất hiện ở giai đoạn toàn phát của bệnh sởi thể thông thường điển hình (Ảnh: Internet)

2.3. Thể nặng (thể sởi ác tính)

Với những người có cơ địa quá mẫn, các dấu hiệu ác tính thường sẽ xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ. Những dấu hiệu này thường xảy ra vào cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban. Người mắc bệnh sởi ở thể ác tính thường có các triệu chứng như sau:

- Sốt cao từ 39 đến 41 độ C.

- Người vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật.

- Mạch đập nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, tím tái.

- Nôn mửa, đại tiện lỏng, tiểu tiện ít.

- Xuất huyết dưới da hay phủ tạng.

Ngoài ra, còn tùy theo triệu chứng nào nổi bật mà người mắc bênhj sởi ác tính sẽ có các dấu hiệu tương ứng như:

- Nếu là sởi ác tính thể xuất huyết, có thể xuất huyết dưới da hoặc nội tạng.

- Nếu là sởi ác tính thể phế quản – phổi, biểu hiện chủ yếu là suy hô hấp.

- Nếu bệnh nhân mắc sởi ác tính thể nhiễm độc nặng, cơ thể sẽ sốt cao, vật vã, co giật mạnh, hôn mê, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.

- Đối với sởi ác tính thể ỉa chảy, sẽ có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nổi bật.

- Với sởi ác tính thể bụng cấp, các triệu chứng sẽ giống viêm ruột thừa. Thể bệnh này thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng hoặc còi xương, trẻ đang mắc các bệnh khác…

3. Dấu hiệu bệnh sởi theo thể địa

Tuỳ vào cơ địa của mỗi người, độ tuổi cũng như tình trạng sức khoẻ mà dấu hiệu của bệnh sởi cũng xuất hiện với mức độ khác nhau. Trong số đó có thể kể đến:

- Sởi ở trẻ dưới 6 tháng, các triệu chứng thường nhẹ do trẻ vẫn còn miễn dịch truyền từ mẹ trong giai đoạn mang thai.

- Sởi ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, các dấu hiệu và tình trạng bệnh thường nặng

- Sởi ở trẻ suy dinh dưỡng – còi xương, dấu hiệu và mức độ thường không điển hình và nặng.

- Sởi ở trẻ đã được gây miễn dịch bằng Gamma globulin hoặc vacxin thường nhẹ hơn rất nhiều so với các thể địa khác.

- Ở phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có thể gây ra sẩy thai, dị dạng, đẻ non…

- Nếu kết hợp với các bệnh nhiễm trùng khác như ho gà, lao, bạch hầu,… sởi có thể làm bệnh nặng lên.


Tác giả: Anh Dũng