Tìm hiểu chung về bệnh suy gan

Tìm hiểu chung về bệnh suy gan
Suy gan là tình trạng gan không còn có khả năng hoạt động. Suy gan có thể do nhiều nguyên nhân: virus, vi khuẩn, rượu hoặc vô căn. Suy gan có thể phục hồi hoặc tế bào gan bị tổn hại vĩnh viễn.

1. Suy gan là gì?

Gan là cơ quan to thứ 2 cơ thể, và đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng. Khi các loại thức ăn, nước uống được đưa vào cơ thể sẽ được chuyển hóa tại gan thành năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thế sử dụng. Gan loại bỏ tất cả các độc chất, ví dụ như rượu ra khỏi máu và giúp cho cơ thể chống lại một số tình trạng nhiễm trùng.

Tiếp xúc với các hóa chất độc hại, virus sẽ gây hại cho gan. Khi tế bào gan bị tổn thương, bạn sẽ bị suy gan. Khi gan bị suy, các chức năng bình thường sẽ bị dừng hoạt động hoặc hoạt động sai cách.

Suy gan là một bệnh lý nặng và cần được điều trị kịp thời ngay khi vừa mắc phải.

2. Phân loại suy gan

Thường hiện nay có 2 loại suy gan thường gặp: suy gan cấp và suy gan mạn.

2.1. Suy gan cấp

Suy gan cấp diễn ra rất nhanh chóng, có thể chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần là chức năng gan đã có biểu hiện suy giảm trầm trọng. Bệnh diễn ra cấp tính và có thể không có triệu chứng rõ rệt.

Nguyên nhân thường gặp suy gan cấp là do ngộ độc: nấm,.. hoặc sửu dụng thuốc quá liều đặc biệt là nhóm thuốc acetaminophen (paracetamol).

2.2. Suy gan mạn tính

Suy gan mạn tính thường kéo dài và tiềm ẩn hơn suy gan cấp tính. Bệnh có thể âm ỉ kéo dài vài tháng, vài năm cho đến khi triệu chứng ban đầu của suy gan xuất hiện. Suy gan mạn tính thường là hậu quả của xơ gan. Xơ gan xảy ra khi các tế bào gan bình thường bị thay thế bởi các mô xơ.

Trước khi xơ gan mạn xảy ra, các tế bào gan đã có tình trạng viêm kéo dài trước đó. Khi tình trạng viêm cải thiện, các tế bào gan sẽ bị thay thế bởi mô xơ tương tự khi gặp vết thương trên da, khi lành sẽ hình thành sẹo xơ.

Xơ gan thường nguyên nhân hàng đầu là do rượu. Hiện nay có 3 loại suy gan liên quan tới rượu đáng quan tâm:

Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (alcoholic fatty liver disease): thường gặp nhiều ở các bệnh nhân uống nhiều rượu hoặc béo phì. Gan nhiễm mỡ do rượu là các tế bào mỡ lắng đọng tại gan.

Viêm gan rượu: đặc trưng bởi gan nhiễm mỡ, viêm và sẹo xơ. Theo American Liver Foundation, khoảng 35% người nghiện rượu sẽ diễn tiến đến viêm gan rượu.

Xơ gan do rượu: thường được quan tâm nhất trong 3 loại suy gan do rượu, khoảng 10-20% những người nghiện rượu sẽ mắc phải xơ gan do rượu.

3. Triệu chứng thường gặp của suy gan

3.1 Suy gan cấp:

Dấu hiệu thường gặp:

Dấu hiệu suy gan thường rất thay đổi từ không có triệu chứng, có triệu chứng hoặc giai đoạn bùng phát.

- Giai đoạn tiền vàng da

+ Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, có thể sốt nhẹ.

+ Buồn nôn, chán ăn, cảm giác ăn không ngon miệng.

+ Đau ở thượng vị hoặc hạ sườn phải.

+ Các triệu chứng khác như: đau cơ, đau khớp, đau đầu, nổi ban ở da,..

- Giai đoạn vàng da

+ Có biểu hiện vàng kết mạc mắt, vàng da sậm màu, vàng da lòng bàn tay, bàn chân,..

+ Nước tiểu sậm màu như nước trà đặc.

+ Phân có thể nhạt màu.

+ Các triệu chứng ở giai đoạn tiền vàng da thường giảm bớt hoặc khỏi hẳn.

- Giai đoạn hồi phục

Triệu chứng vàng da giảm dân, ăn ngon hơn, nước tiểu nhiều hơn, màu nước tiểu trong hơn,…

Đối với một vài trường hợp, triệu chứng vàng da, chán ăn kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

- Xét nghiệm có thể được chỉ định thực hiện

+ Xét nghiệm đánh giá nồng độ AST, ALT trong máu thường tăng cao. Tỷ số AST/ALT cũng góp phần dự đoán nguyên nhân gây suy gan cấp.

+ AST, ALT thường tăng cao: khoảng hơn 10 lần so với giới hạn bình thường.

+ Viêm gan cấp do virus thường ALT cao hơn AST, trong khi viêm gan do rượu AST thường cao hơn gấp 2 lần ALT, thường dưới 300U/L.

+ Tổn thương gan cấp do thiếu máu cục bộ: nồng độ ALT, AST tăng rất cao, có thể trên 100 lần so với ngưỡng giới hạn trên cho phép. Và nồng độ AST, ALT giảm rất nhanh nếu tình trạng thiếu máu được cải thiện sau 3-10 ngày. Bên cạnh đó nồng độ LDH tăng cao.

+ Xét nghiệm đánh giá tình trạng ứ mật: ALP tăng cao gấp 3 lần so với bình thường.

+ Bilirubin: bilirubin tăng có thể tăng kiểu hỗn hợp hoặc chỉ tăng bilirubin trực tiếp là chủ yếu.

+ Nếu suy gan cấp nặng dẫn đến rối loạn đông máu chỉ số INR kéo dài.

+ Siêu âm bụng cũng góp phần chẩn đoán suy gan cấp: gan to, cấu trúc bình thường.

Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng tìm nguyên nhân gây bệnh:

+ Đối với viêm gan do virus: tìm các dấu ấn huyết thanh trong máu.

+ Đối với viêm gan tự miễn: điện di albumin, ANA, SMA,..

3.2 Suy gan mạn tính

Đối với bệnh suy gan mạn tính trên lâm sàng thường biểu hiện với 2 hội chứng: hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch của và hội chứng suy tế bào gan.

Hội chứng suy tế bào gan:

Triệu chứng không đặc hiệu: mệt mỏi, sụt cân, ăn uống kém, khó tiêu, đầy bụng, giảm khả năng tập trung, làm việc, rối loạn kinh nguyệt, liệt dương, thiếu máu.

Triệu chứng đặc hiệu:

- Vàng mắt, vàng da, móng tay móng chân trắng, da sạm màu.

- Dấu sao mạch trên ngực, bụng, lòng bàn tay son, môi son.

- Chảy máu da niêm: chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, rong huyết, có kinh nguyệt không đúng chu kì, .. Nguyên nhân có thể do giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu.

- Co cơ Dupuytren.

- Phù chi: chủ yếu 2 chân, báng bụng.

- Vú to ở nam giới.

- Phì đại tuyến mang tai thường gặp ở những bệnh nhân xơ gan rượu.

Hội chứng tăng áp tĩnh mạch cửa

- Xuất hiện các hình ảnh tuần hoàn bàng hệ: kiểu cửa chủ, hình ảnh đầu sứa trên bụng.

- Lách to

- Giãn tĩnh mạch thực quản gây ói máu đỏ tươi.

- Tuần hoàn rốn.

- Báng bụng.

- Trĩ.

- Khi sờ có thể có khối to, mật độ cứng chắc, bờ tù, ấn không đau ở vùng hạ sườn phải.

* Một vài xét nghiệm giúp chẩn đoán

- Xét nghiệm máu: thường giảm 1 dòng tế bào máu hoặc cả 3 dòng tế bào máu do cường lách. Thông thường giảm tiểu cầu và hồng cầu; Ure máu thường giảm; Natri máu có thể giảm do ứ đọng dịch trong cơ thể; Nồng độ AST, ALT thường tăng <200U/L hoặc có thể bình thường.

- Các xét nghiệm chẩn đoán dấu suy tế bào gan trên cận lâm sàng:

TQ >14s.

Điện di: albumin giảm, globulin tăng. Tỷ lệ A/G <1.

Tăng bilurubin kiểu hỗn hợp hoặc trực tiếp.

- Xquang phổi: có thể có tràn dịch màng phổi phải.

Phát hiện hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch của trên hình ảnh học:

- Nội soi dạ dày thực quản: dãn tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch phình vị. Bệnh dạ dày tăng áp cửa (trong giai đoạn sớm).

- Siêu âm bụng: lách to, tái lập tuần hoàn rốn, dịch ổ bụng.

- Sinh thiết gan: là tiêu chẩn vàng để chẩn đóa suy gan mạn, nhưng ít được thực hiện.

- Định mức độ xơ hóa trên mô học: dùng thang điểm METAVIR có 4 độ từ F1-F2-F3-F4.

suy gan

4. Nguyên nhân gây suy gan

4.1. Suy gan cấp

Suy gan cấp xảy ra khi bạn không có tình trạng viêm gan trước đó.

Các nguyên nhân gây suy gan cấp:

- Virus gây viêm gan: A, B, C, D, E, G; Virus khác: Cytomegalo virus, Epstein-Barr virus, quai bị, Rubella,..; Vi trùng: các loại vi trùng nặng như thương hàn, Leptospira,..; Kí sinh trùng: amip.; Thuốc: acetaminophen là thuốc thường gặp nhất, thuốc kháng lao, thuốc gây mê,..; Rượu và các loại độc tố khác.

- Tổn thương gan do thiếu máu cục bộ: gặp trong choáng tim, suy tuần hoàn, chèn ép tim cấp,..

- Bệnh lý tự miễn.

Trong đó, suy gan cấp do các virus hướng gan, thuốc và rượu là 3 nguyên nhân thường gặp nhất.

4.2. Suy gan mạn

Nguyên nhân suy gan mạn:

- Nhiễm virus và các loại kí sinh trùng: viêm gan siêu vi B, C mạn tính, nhiễm sán lá nhỏ, sán máng,..

- Do độc chất: hàng đầu là rượu, tiếp theo là các loại thuốc: methyldopa, amiodarone, thuốc MTX chống ung thư, thuốc gây mê,..

- Tắc nghẽn: tắc mật bẩm sinh, tắc nghẽn đưởng ra tĩnh mạch gan: suy tim, hội chứng Budd - Chiari.

- Tự miễn: viêm gan tự miễn, xơ gan mật nguyên phát.

- Rối loạn chuyển hóa: ứ đồng, ứ sắt, thiếu alpha 1 antitrypsin, tăng galactose máu, tăng tyrosine máu.

- Gan nhiễm mỡ không do rượu.

5. Phương pháp điều trị suy gan

5.1. Suy gan cấp

Suy gan là một hội chứng phức tạp và thường dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu cần, người bệnh nên được điều trị tại khoa hồi sức tích cực chống độc trong trường hợp bệnh nặng. Các phương pháp điều trị cần bám sát chẩn đoán và nguyên nhân gây bệnh.

- Điều trị với N-acetylcysteine trong ngộ độc acetaminophen.

- Thuốc kháng virus với các viêm gan do virus.

- Steroids trong trường hợp viêm gan tự miễn.

- Penicilamine trong bệnh Wilson (ứ đồng)

- Penicilline trong ngộ độc nấm.

Điều trị suy gan cấp là cố gắng hạn chế tối đa biến chứng suy đa tạng cho đến khi các tế bào gan được phục hồi hoàn toàn.

5.2. Suy gan mạn

Điều trị suy gan mạn bao gồm: điều trị nguyên nhân, điều trị biến chứng và điều trị triệu chứng.

Điều trị nguyên nhân

- Rượu: cần ngưng rượu. Nếu xơ gan Child C ngưng rượu, tỷ lệ sống sau 3 năm là 75%. Nếu vẫn tiếp tục uống rượu, trong 3 năm tỷ lệ chết là 100%.

- Viêm gan siêu vi B: tiếp tục điều trị thuốc kháng virus mặc dù xơ gan còn bù hay xơ gan mất bù.

Chỉ định điều trị viêm gan siêu vi B mạn: 

- Nhiễm HBV mạn: HbsAg dương tính ở 2 lần xét nghiệm cách nhau 6 tháng.

Có bằng chứng tổn thương gan:

- Men gan > 2 lần giới hạn trên bình thường.

- Mức độ xơ hóa từ F2 trở lên (điểm METAVIR).

- Mức độ xơ hóa từ F2 trở lên trên fibroscan.

Có bằng chứng virus đang nhân lên:

- Thể HbeAg (+): định lượng HBV DNA >= 20.000IU/ml

- Thể HbeAg (-): định lượng HBV DNA >= 2.000IU/ml

Viêm gan siêu vi C: chỉ điều trị khi xơ gan còn bù.

Đối với xơ gan còn bù: khi điều trị nguyên nhân khả năng lành bệnh cao.

Đối với xơ gan mất bù: các nguyên nhân như rươu, viêm gan B, viêm gan tự miễn khi điều trị nguyên nhân triệu chứng bệnh cải thiện 1 phần. Các nguyên nhân khác điều trị triệu chứng không giúp cải thiện bệnh.

Điều trị triệu chứng: phù, báng bụng

- Chế độ ăn giảm muối: chỉ sử dụng khoảng 2g muối/ngày, hạn chế sử dụng nước khi không cần thiết.

- Sử dụng thuốc lợi tiểu: phổi hợp sử dụng giữa furosemide và spironolactone với tỉ lệ 2:5 cho hiệu quả điều trị cao và không gây rối loạn điện giải. Liều tối đa đối với furosemide là 160mg, và spironolactone là 400mg.

- Ngưng lợi tiểu khi có các biểu hiện dưới đây:

+ Bệnh não gan chưa kiểm soát được hoặc tái phát nhiều lần.

+ Natri máu <120mmol/l mặc dù đã hạn chế uống nước.

+ Creatine máu > 2mg/dl.

Tháo báng:

+ Chỉ tháo báng khi có chỉ định tháo báng: báng căng.

+ Tháo báng dưới 5l: không cần truyền thêm albumin.

+ Tháo báng trên 5l: truyền 6-8g albumin cho mỗi lít dịch báng lấy đi.

5.2.3 Điều trị biến chứng:

Tùy thuộc vào từng loại biến chứng khác nhau của tình trạng suy gan mạn mà có hướng điều trị phù hợp.

Viêm phúc mạc tự phát:

+ Điều trị kháng sinh: Cephalosporin thế hệ thứ 3 hoặc quinolone. Thời gian sử dụng kháng sinh là từ 5-7 ngày.

+ Không dùng kháng sinh nhóm aminoglycoside do làm tăng nguy cơ dẫn đến hội chứng gan thận.

+ Truyền albumin: khi creatine máu > 1mg/dl, BUN> 30mg/dl, Bilirubin> 4mg/dl.

+ Điều trị dự phòng tái phát bằng: quinolone hoặc cephalosporin thế hệ thứ 3.

Bệnh não gan:

+ Điều trị các yếu tố thúc đẩy.

+ Điều trị hạ kali máu cùng với lactulose uống, kháng sinh.

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản:

+ Điều trị chung: ổn định huyết động, truyền dịch muối đẳng trương, truyền máu, kháng sinh,…

+ Điều trị chuyên biệt (cầm máu):

Cần bắt đầu càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện có tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Các thuốc sủ dụng như somatostatin, sandostatin, terlipressin.

- Điều trị nội soi: nên thực hiện sớm trong vòng 12 giờ để chẩn đoán và điều trị. Điều trị bằng phương pháp chích xơ hoặc cột búi tĩnh mạch thực quản bị giãn. Kết hợp giữa điều trị thuốc và nội soi cầm máu ban đầu cho hiệu quả điều trị tốt nhất.

- Chèn bóng: thường chèn bóng Minnesota hoặc Sengstaken - Blackmore. Đây là phương pháp tạm thời, có nhiều biến chứng và chỉ sử dụng tối đa trong 24 giờ trước khi sử dụng các phương pháp cầm máu khác.

- Đặt shunt cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh. Chỉ định sử dụng: xuất huyết tiêu hóa không kiểm soát được hoặc tái phát.

Hội chứng gan thận: các phương pháp điều trị có thể được sử dụng như:

- Chạy thận nhân tạo để giảm ure máu và cân bằng điện giải.

- Truyền albumin kết hợp octreotide hoặc albumin kết hợp terlipressin.

- Ghép gan cũng là phương pháp được chọn lựa.

6. Biến chứng suy gan

6.1. Suy gan cấp

Các biến chứng suy gan cấp thường gặp:

- Phù não: có quá nhiều dịch làm tăng áp lực lên não gây phù.

Chảy máu và rối loạn đông máu: khi gan suy không còn đủ khả năng tổng hợp các yếu tố đông máu cần thiết cho cơ thể, vi vậy không thể tạo được cục máu đông trong cơ chế đông cầm máu. Chảy máu trong đường tiêu hóa là biến chứng thường gặp và khá khó kiểm soát.

Nhiễm trùng: người bị suy gan dễ gặp các tình trạng nhiễm trùng đặc biệt ở đường máu, đường hô hấp, đường tiết niệu.

Suy thận: suy thận thường diễn ra theo sau suy gan, đặc biệt nguyên nhân suy gan là do sử dụng quá liều acetaminophen.

6.2. Suy gan mạn

- Báng bụng

- Viêm phúc mạc nguyên phát

- Hội chứng não gan

- Xuất huyết tiêu hóa trên do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản

- Hội chứng gan thận

7. Phòng ngừa suy gan

- Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi sử dụng, không được tự ý sử dụng quá liều thuốc. Đối với những bệnh nhân có bệnh lý gan trước đây cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng acetaminophen.

Sử dụng rượu ở mức cho phép: phụ nữ chỉ sử dụng 1 cốc bia/ngày, nam dưới 65 tuổi có thể sử dụng tối đa 2 cốc bia/ngày, trên 65 tuổi hạn chế rượu bia càng nhiều càng tốt.

Phòng ngừa lây nhiễm: Không sử dụng kim tiêm chung khi tiêm chích ma túy; Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục; Không hút thuốc lá.

- Tiêm vắc xin: hiện nay đã có vắc xin viêm gan A,B.

- Hạn chế tiếp xúc với dịch tiết, máu của người khác: virus gay viêm gan B, C là những virus lây lan qua đường máu, dịch tiết. Vì vậy cần hạn chế tiếp xúc với máu, dịch tiết của những người lạ.

- Không ăn nấm dại

- Cần cẩn thận khi phun xịt thuốc trừ sâu: khi phun thuốc trừ sâu cần đảm bảo môi trường thật thông thoáng và sử dụng khẩu trang khi phun.

8. Chế độ ăn người bị suy gan

Các loại thực phẩm có thể sử dụng

- Cà phê: cà phê có thể giảm nồng độ các enzyme bất thường trong tế bào gan

- Ăn nhiều rau có màu xanh: bông cải xanh, bắp cải,..

- Đậu hũ: đậu hũ cũng có tác dụng giảm nồng độ mỡ trong gan

- Cá: cá như: cá hồi, cá thu, cá mòi, .. chứa nhiều omega 3. Omega 3 giảm mỡ trong máu, kháng viêm.

- Yến mạch: cung cấp nhiều năng lượng cho người bị suy gan.

- Bơ: bơ có chứa các chất có tác dụng giảm tổn thương tế bào gan.

- Hạt hướng dương: tác dụng chống oxy hóa cao.

Ngoài ra các loại thực phẩm khác tốt cho người bị suy gan: sữa và các chế phẩm từ sữa, dầu olive, tỏi, trà xanh, …

suy gan 1

Các thực phẩm người bị suy gan nên tránh

- Rượu: rượu là nguyên nhân hàng đầu gây gan nhiễm mỡ.

- Hạn chế sử dụng đường: các loại thực phẩm chứa nhiều đường gia tăng lượng mỡ tích trữ trong gan. Hạn chế: kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có ga, nước trái cây,..

- Thực phẩm chiên: chứa nhiều chất béo và calo.

- Muối: sử dụng quá nhiều muối, cơ thể giữ nước gây phù và báng bụng tăng.

- Bánh mì trắng, gạo, tinh bột: các loại thực phẩm này làm đường trong máu tăng cao hơn so với các bột ngũ cốc nguyên hạt.

- Thịt đỏ: chứa nhiều chất béo không bão hòa.

9. Một vài câu hỏi thường gặp

Viêm gan có lây hay không?

Viêm gan có nhiều nguyên nhân khác nhau: viêm gan do virus, viêm gan do vi khuẩn, viêm gan tự miễn, viêm gan do rượu, viêm gan do thuốc,…

Trong các nguyên nhân kể trên chỉ có viêm gan do virus là có khả năng lây lan cao trong cộng đồng.

Virus gây viêm gan thường gặp 4 nhóm chính: A, B, C, D. Trong đó viêm gan do virus viêm gan B, C có khả năng diễn biến thành viêm gan mạn và xơ gan. Virus gây viêm gan A, D chỉ gây viêm gan cấp.

Các virus gây viêm gan A, D lây lan chủ yếu qua đường thức ăn.

Virus viêm gan B, C lây lan qua đường máu, dịch tiết, tình dục không an toàn.

Suy gan có chữa được không?

Đối với suy gan cấp nếu điều trị đúng phác đồ kết hợp với ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ khỏi bệnh hoàn toàn.

Suy gạn mạn dẫn đến xơ gan còn bù nếu điều trị khỏi hẳn nguyên nhân bệnh có thể hồi phục 1 phần

Suy gan mạn dẫn đến xơ gan mất bù, bệnh không thể điều trị khỏi, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng và điều trị biến chứng bệnh.

Nguồn tham khảo

1. https://www.healthline.com/health/hepatic-failure#prevention

2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538227/

3.https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acute-liver-failure/symptoms-causes/syc-20352863

4. https://www.healthline.com/health/fatty-liver-diet#foods-to-avoid

5. Bài giảng nội khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Tác giả: Hồng Phượng