Tìm hiểu các phương pháp điều trị loãng xương ở người cao tuổi

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu các phương pháp điều trị loãng xương ở người cao tuổi
Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng các phương pháp điều trị loãng xương ở người cao tuổi giúp kiểm soát bệnh tật hiệu quả hơn, giúp người bệnh giảm thiểu các triệu chứng khó chịu.

1. Điều trị loãng xương ở người cao tuổi bằng thuốc

Tùy tình trạng, nguyên nhân dẫn đến bệnh, mà các bác sĩ sẽ kê cho bạn nhóm thuốc phù hợp:

- Nhóm thuốc làm giảm quá trình hủy xương gồm có: Alendronate, Ibandronate, Risedronate. Khi chúng ta già đi, quá trình hủy xương của cơ thể sẽ xảy ra với tốc độ nhanh hơn quá trình tạo xương, lâu dần sẽ dẫn đến loãng xương. Nhóm thuốc này có tác dụng cân bằng lại hai quá trình tạo - hủy xương, giúp xương khỏe mạnh hơn.

- Nhóm thuốc giúp tăng độ cứng của xương là những thuốc chứa Axit Zoledronic. Thuốc này được truyền định kỳ hàng năm để điều trị loãng xương ở người cao tuổi. Thuốc giúp xương cứng cáp hơn, giảm nguy cơ gãy xương.

- Nhóm thuốc nội tiết Raloxifene. Thuốc này có tác dụng như Estrogen nên thường được dùng để điều trị loãng xương ở người cao tuổi, đặc biệt là nhóm phụ nữ sau mãn kinh. Điểm mạnh của thuốc là không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ung thư tử cung, nhưng điểm yếu là thuốc thường gây cảm giác nóng bừng và có thể tạo ra các cục máu đông.

Cũng là thuốc nội tiết, nhưng Teriparatide thường được dùng cho cả nam lẫn nữ để điều trị loãng xương ở người cao tuổi. Đây là một dạng hormone tuyến cận giáp nhân tạo, có tác dụng làm giảm nguy cơ gãy xương. 

Thuốc này yêu cầu cần dùng đều đặn hàng ngày, trong thời gian là 1 năm. Tác dụng phụ của thuốc là gây buồn nôn, chuột rút, chóng mặt. Thuốc không được dùng cho người có nguy cơ bị ung thư xương.

- Nhóm thuốc sinh học Denosumab, có tác dụng ngăn ngừa sự rạn nứt và gãy xương. Thuốc này thích hợp với nhóm phụ nữ mãn kinh bị loãng xương và có nguy cơ gãy xương cao, hoặc dành cho nhóm đã điều trị loãng xương ở người cao tuổi bằng các thuốc khác nhưng không có hiệu quả.

2. Điều trị loãng xương ở người cao tuổi bằng liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone là phương pháp bổ sung vào cơ thể chỉ hormone Estrogen hoặc kết hợp Estrogen và Progestin - những hormone có tác dụng bảo về và ngăn ngừa loãng xương. Đây là phương pháp điều trị loãng xương ở người cao tuổi dành riêng cho nhóm nữ giới trong thời kỳ mãn kinh. Điểm mạnh của thuốc là vừa ngăn ngừa và điều trị loãng xương, vừa làm giảm thiểu các triệu chứng khó chịu của mãn kinh như cảm giác bốc hỏa, da khô sạm, rụng tóc,... 

Tuy nhiên liệu pháp hormone hiếm khi được sử dụng để điều trị loãng xương ở người cao tuổi, bởi chúng gây ra nhiều nguy cơ khác như tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư tử cung,... 

Mặc khác, nếu đã từng điều trị bằng liệu pháp hormone, khi ngưng thuốc thì mật độ xương sẽ giảm với tốc độ như cũ, thuốc không có tác dụng điều trị lâu dài.

3. Bổ sung canxi để điều trị loãng xương ở người cao tuổi

Các bác sĩ khuyến nghị, người cao tuổi nên bổ sung đủ 1200mg canxi mỗi ngày. Nguồn canxi tốt nhất và dễ hấp thụ nhất chính là từ thực phẩm. Các nguồn thực phẩm giàu canxi tốt cho người cao tuổi gồm có sữa không béo, sữa chua, nước cam ép, bông cải, các loại rau xanh lá, cá hồi, đậu phụ,...

Khả năng hấp thụ canxi ở người già là rất kém, do vậy bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc uống bổ sung canxi hoặc các loại thực phẩm chức năng. Bác sĩ cũng sẽ khuyên nên bổ sung vitamin D để giúp cơ thể hấp thu canxi dễ dàng hơn bằng cách phơi nắng, ăn các thực phẩm giàu vitamin D, hoặc bổ sung qua thuốc.

Trong chế độ ăn uống của mình, bạn không nên ăn quá nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng photpho cao (như thịt đỏ, nước giải khát), thực phẩm có chứa cồn hoặc caffein, bởi chúng gây cản trở hấp thu canxi, tăng đào thải canxi ra ngoài cơ thể, khiến cho xương yếu đi, gây khó khăn trong quá trình điều trị loãng xương ở người cao tuổi.


Tác giả: Mai Nhung