Khi một bệnh nhân có nghi ngờ bệnh bạch cầu bởi sự xuất hiện các triệu chứng bất thường của bệnh như thiếu máu, xuất huyết bất thường, thường xuyên nhiễm trùng, đau đớn,... Bệnh nhân sẽ được xác định chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết (xét nghiệm máu, xét nghiệm tủy xương,...).
Khi bệnh nhân được xác định chẩn đoán, tùy thuộc vào các đặc điểm của bệnh và người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Các vấn đề cần quan tâm để đưa ra phương pháp điều trị bao gồm:
- Thể bệnh của người bệnh: Thể bệnh cấp tính hay mãn tính, dòng tủy bào hay huyết bào,...
- Tuổi tác của bệnh nhân
- Sức khỏe của bệnh nhân ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng điều trị
- Khả năng tài chính của bệnh nhân
- Khả năng cung cấp các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu tại cơ sở y tế bệnh nhân tiến hành thăm khám và điều trị.
Hóa trị được biết đến là một trong các phương pháp đầu tay được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân bạch cầu. Các loại hóa chất sử dụng trong hóa trị điều trị bệnh bạch cầu có thể giúp tiêu diệt các tế bào bạch cầu bất thường, nhờ vậy làm giảm số lượng bạch cầu trong cơ thể.
Trong điều trị bệnh bạch cầu, người ta có thể chỉ sử dụng đơn độc một loại hóa chất hoặc cũng có thể phối hợp nhiều loại hóa chất khác nhau để gia tăng tác dụng điều trị. Thuốc thường được đưa vào cơ thể bệnh nhân dưới hai con đường là đường uống và đường tĩnh mạch.
Xạ trị điều trị bệnh bạch cầu là phương pháp sử dụng chùm bức xạ năng lượng cao tác dụng lên cơ thể để tiêu diệt tế bào bach cầu trên bệnh nhân bệnh bạch cầu, loại tia thường được sử dụng là các tia X đặc biệt năng lượng cao.
Trong quá trình xạ trị điều trị bệnh bạch cầu, tùy thuộc vào tình trạng bệnh của người bệnh mà bệnh nhân có thể chỉ cần chiếu xạ từng vùng nhất định trên cơ thể hoặc chiếu xạ trên toàn bộ cơ thể.
Ngoài tác dụng là phương pháp điều trị chính cho bệnh bạch cầu, xạ trị còn là một trong các phương pháp hỗ trợ và chuẩn bị cho phương pháp ghép tế bào mầm được thực hiện sau đó.
Đây là phương pháp ghép tế các tế bào mầm khỏe mạnh vào cơ thể bệnh nhân để điều trị bệnh bạch cầu, thường là ghép tủy xương. Nguồn tế bào mầm được sử dụng để ghép cho bệnh nhân có thể là nguồn tế bào mầm được hiến tặng bởi những người tình nguyện hoặc là của chính bệnh nhân.
Trước khi ghép tế bào mầm, bệnh nhân cần được thực hiện chẩn bị bằng hóa trị hoặc xạ trị liều cao để tiêu diệt cấu trúc tủy xương bị bệnh, tạo điều kiện cho phẫu thuật ghép.
Bên cạnh các phương pháp điều trị trên, hiện nay một lĩnh vực khá mới trong điều trị bệnh bạch cầu đang được quan tâm khá nhiều là sử dụng các biện pháp sinh học.
Sử dụng các biện pháp sinh học trong điều trị bệnh bạch cầu tức là phương pháp sử dụng các phương pháp điều trị để kích thích quá trình miễn dịch tự nhiên của cơ thể, khiến hệ miễn dịch tự nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư bạch cầu.
Có thể thấy rằng, hiện nay có rất nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu. Vì vậy người bệnh không nên quá bi quan với tình trạng bệnh của bản thân, thay vào đó hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn về những phương pháp điều trị và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất với bản thân.
Nguồn dịch:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/leukemia/diagnosis-treatment/drc-20374378