Viêm phế quản là một trong các bệnh lý đường hô hấp có tỷ lệ mắc phổ biến hàng đầu hiện nay. Bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng ho, khó thở, khạc đàm, đau ngực,.... Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau cho sức khỏe người bệnh, có thể kể đến như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, bội nhiễm, viêm phổi,...
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm phế quản khác nhau đã được biết đến, trong đó những nguyên nhân phổ biến hàng đầu bao gồm:
Virus được xem là nguyên nhân viêm phế quản trong hơn 90% các trường hợp bệnh. Thông thường các virus gây viêm phế quản thường có đặc điểm tương tự với các virus gây nên cảm lạnh hoặc virus cúm.
Khi virus, vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm phế quản thì dịch tiết ở người bệnh như nước mũi, nước bọt, hắt xì có thể là nguồn chứa mầm bệnh nguy hiểm. Tác nhân virus hoặc vi khuẩn gây bệnh có thể theo các dịch tiết này lơ lửng trong không khí, xâm nhập vào đường hô hấp của người lành và gây bệnh ở đối tượng mới xâm nhập.
Do vậy, người lành hoàn toàn có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm phế quản do nguyên nhân virus, vi khuẩn hoặc tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh.
Viêm phế quản do virus hoặc vi khuẩn thường dễ dàng xảy ra hơn trong một số điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh vào cơ thể như sự thay đổi bất thường của thời tiết, khả năng miễn dịch kém,....
Nhiều loại chất kích thích khác nhau được ghi nhân là nguyên nhân gây viêm phế quản chẳng hạn khói thuốc lá, bụi, phấn hoa,... Và khói thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh phổ biến.
Khói thuốc lá có thể là nguyên nhân gây viêm phế quản không chỉ ở những người hút thuốc trực tiếp mà còn gây viêm phế quản ở cả những người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc).
Nguy hiểm hơn, các loại hóa chất trong khói thuốc lá thường sẽ không gây viêm phế quản cấp tính như vi khuẩn hay virus mà thường sẽ gây nên viêm phế quản mãn tính bởi sự tổn thương diễn ra trong thời gian lâu dài. Do đó, các việc điều trị cũng sẽ phức tạp, khó khăn và nguy cơ xảy ra biến chứng nhiều hơn.
Vì thế, ngừng hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với các chất có khả năng kích thích (khói bụi, phấn hoa,...) là một trong các biện pháp hiệu quả để phòng ngừa viêm phế quản.
Một nguyên nhân gây viêm phế quản khác cần được nhắc đến là viêm phế quản do nghề nghiệp. Bởi một số nghề nghiệp với một số tính chất đặc thù về vật liệu sử dụng, chất thải, sản phẩm,... có thể gây nên tác động xấu đối với phế quản và là nguyên nhân gây viêm phế quản.
Các yếu tố nghề nghiệp có khả năng gây viêm phế quản cao có thể kể đến như sợi vải, bụi, amoniac, acid mạnh, clo,... Những bệnh nhân mắc viêm phế quản do liên quan đến nguyên nhân nghề nghiệp được gọi là viêm phế quản nghề nghiệp.
Do đó, đảm bảo an toàn và bảo hộ lao động là một trong các nội dung để có thể phòng tránh viêm phế quản.
Trên đây là giới thiệu về một số nguyên nhân gây viêm phế quản thường gặp hiện nay. Mỗi người nên tự có các biện pháp dự phòng thích hợp để ngăn chặn các yếu tố nguyên nhân gây viêm phế quản và thực hiện thăm khám, điều trị bệnh sớm ngay khi có các triệu chứng xảy ra.
Nguồn dịch: https://www.nhs.uk/conditions/bronchitis/