Ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc sử dụng thực phẩm chứa các vi sinh vật gây hại hoặc các chất gây độc đối với cơ thể. Đây là một tình trạng bệnh lý cấp tính, do đó việc điều trị cần phải được tiến hành khẩn trương và đúng cách. Trong đó, việc sử dụng hợp lý các loại thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm là một nội dung vô cùng quan trọng để điều trị cho người bệnh đạt kết quả cao nhất.
Những loại thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm thường được sử dụng nhất:
Trong điều trị ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là trong ngộ độc độc chất thì người bệnh có thể được cho sử dụng các chất gây nôn để đào thải, loại bỏ bớt chất độc ra khỏi cơ thể. Đặc biệt đối với các chất độc hấp thu chậm thì gây nôn lại càng có ý nghĩa lớn hơn trong điều trị.
Thuốc gây nôn hay được sử dụng để làm thuốc điều trị ngộ độc trên thực tế là thuốc Ipecac (có thể được bào chế dưới dạng siro hoặc dạng bột). Khi sử dụng thuốc sẽ làm kích thích dạ dày và trung tâm phản xạ nôn ở não gây nôn cho người bệnh.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm nhóm gây nôn cần thận trọng bởi gây nôn quá mức có thể gây tình trạng rối loạn nước, điện giải, hoặc tăng nguy cơ hít sặc gây viêm phổi và một số các biến chứng khác (rối loạn dẫn truyền nhịp tim, rung nhĩ,...).
Giống như việc sử dụng các thuốc gây nôn, các loại thuốc nhuận tràng cũng có thể được dùng để làm thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm. Nó giúp các chất trong lòng ruột di chuyển nhanh hơn và nhanh được tống xuất ra ngoài hơn, do đó hạn chế đến mức thấp nhất việc hấp thu các độc chất vào cơ thể. Thuốc thường được sử dụng trên thực tế là Sorbitol.
Và việc sử dụng thuốc nhuận tràng quá mức cũng có thể gây nên tình trạng rối loạn nước và điện giải ở người bệnh. Không nên sử dụng ở bệnh nhân đã có biểu hiện tiêu chảy trước đó.
Nếu trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc thực phẩm bị nôn ói quá nhiều do triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thì có thể gây nên nhiều hậu quả khác nhau, trong đó cấp tính nhất và rõ ràng nhất là tình trạng rối loạn nước và điện giải.
Do đó, nếu như bệnh nhân ngộ độc thực phẩm bị nôn mửa quá nhiều thì người bệnh cũng có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm nhóm chống nôn để làm giảm bớt tình trạng nôn mửa ở bệnh nhân. Các loại thuốc thường được sử dụng trên thực tế để chống nôn cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm bao gồm prometazin, diphenhydramin.
Nhiều người vẫn cho rằng, bị ngộ độc thức ăn thì hoàn toàn không nên sử dụng thuốc chống tiêu chảy bởi nó sẽ ngăn cản sự đào thải chất độc của cơ thể. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt thì các loại thuốc chống tiêu chảy có thể được sử dụng làm thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm.
Các trường hợp đặc biệt này chẳng hạn kể đến như bệnh nhân bị tiêu chảy quá mức gây mất nước và điện giải nghiêm trọng, bệnh nhân bị tiêu chảy mà chỉ có toàn nước kèm theo đó không có sốt,... đều là các trường hợp có thể xem xét sử dụng thuốc chống tiêu chảy để làm thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm cho người bệnh.
Nôn mửa và tiêu chảy là các triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân ngộ độc thực phẩm và hậu quả rõ ràng nhất mà chúng gây nên là tình trạng rối loạn nước và điện giải ở người bệnh. Rối loạn nước và điện giải là một tình trạng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cân bằng nội môi trong cơ thể và thậm chí có thể gây tử vong.
Chính vì thế, các thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm nhóm bù nước và điện giải cũng có vai trò hết sức quan trọng trong điều trị cho người bệnh.
- Oresol: Nếu bệnh nhân không có tình trạng nôn mửa quá nhiều, mức độ mất nước không quá trầm trọng và có thể uống được thì oresol có thể được chỉ định để bù nước và điện giải cho bệnh nhân.
Người bị ngộ độc thực phẩm có thể tìm hiểu thêm 5 loại đồ uống giúp bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn khi sử dụng thì oresol làm thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm cần phải được sử dụng đúng bằng cách pha hết cả gói trong đúng thể tích nước khuyến cáo, chỉ dùng dung dịch trong vòng 24h sau khi pha, pha oresol bằng nước thông thường, không sử dụng nước khoáng hay thêm đường,...
- Các loại dịch truyền: Trong trường hợp bệnh nhân bị mất nước nặng, không thể uống được hoặc nôn mửa quá nhiều thì người bệnh có thể sẽ được bù nước và điện giải bằng đường tĩnh mạch. Các loại dịch truyền thường được dùng nhất kể đến như ringerlactat, natriclorid 0,9%,...
Các loại điện giải có thể sẽ được sử dụng để bù đắp lại lượng đã mất dựa theo kết quả điện giải đồ của người bệnh để đảm bảo sử dụng với liều lượng phù hợp nhất, tránh gây nguy hiểm.
Nếu bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do nguyên nhân vi khuẩn xâm nhập hệ tiêu hóa thì thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng với mục đích điều trị đặc hiệu. Các biểu hiện thể hiện có tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra kể đến như sốt, môi khô, lưỡi bẩn, nhịp thở tăng, nhịp tim tăng, bạch cầu tăng,...
Thuốc kháng sinh khi được sử dụng để làm thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong hệ tiêu hóa, qua đó giải quyết nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Các loại thuốc kháng sinh ban đầu có thể được lựa chọn dựa theo kinh nghiệm, nhưng nếu không đáp ứng hoặc tình trạng bệnh nặng đã có biến chứng (nhiễm khuẩn huyết) thì thuốc kháng sinh cần phải được lựa chọn dựa trên kết quả kháng sinh đồ.
Khi ngộ độc thực phẩm, bạn có thể kiểm tra và nhận diện xem bản thân có phải đang bị ngộ độc thực phẩm vi khuẩn hay không qua bài viết: Nhận biết thực phẩm nhiễm vi khuẩn để phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Đối với các trường hợp người bệnh bị ngộ độc do độc chất gây nên thì việc sử dụng thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm nhóm các thuốc giải độc đặc hiệu có ý nghĩa rất to lớn. Các loại thuốc này có thể tác động trực tiếp và cơ chế gây độc cơ thể của độc chất từ đó làm mất tác dụng gây độc hoặc đối kháng với độc chất,...
Tuy nhiên, để có thể sử dụng được chính xác thuốc giải độc đặc hiệu trong điều trị ngộ độc thực phẩm thì cần phải xác định được độc chất mà bệnh nhân bị ngộ độc. Trong khi đó, phần lớn các trường hợp ngộ độc thực phẩm ta không thể xác định được độc chất ngộ độc. Do đó, việc sử dụng các chất giải độc đặc hiệu gặp khó khăn rất nhiều.
Một số loại thuốc giải độc đặc hiệu cho các nhóm độc chất hay gặp:
Ngộ độc phospho hữu cơ: Atropin.
Ngộ độc sắn: Xanh methylen, glucose 10%, natri nitrit,...
Ngộ độc chloroquin (thuốc sốt rét): Diazepam
Ngộ độc paracetamol: Acetylcystein.
Ngộ độc atropin (cà độc dược): pilocarpin.
Việc sử dụng các loại thuốc giải độc đặc hiệu để làm thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm là một quá trình phức tạp và cần phải được diễn ra dưới sự theo dõi của bác sĩ để đảm bảo an toàn về liều lượng và cách sử dụng.
Trên đây là một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị ngộ độc thực phẩm hiện nay. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng các loại thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần thực hiện theo đúng các y lệnh và hướng dẫn của bác sĩ điều trị sau khi đã thực hiện các thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán cần thiết.