Tìm hiểu 4 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella bạn cần biết

Tìm hiểu 4 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella bạn cần biết
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella như chưa được tiêm phòng, chưa từng mắc bệnh, làm việc trong cơ sở y tế, có mẹ bị bệnh Rubella khi mang thai,... đề sẽ khiến bệnh Rubella xảy ra dễ dàng hơn.

Bệnh Rubella là bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây nên, có khả năng lây tương đối dễ dàng từ người sang người. Mặc dù bệnh Rubella có thể xảy ra ở tất cả mọi người, tuy nhiên người ta đã phát hiện ra rằng có sự tồn tại của một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella, tạo thành sự khác biệt về khả năng mắc bệnh của các nhóm đối tượng khác nhau.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella bao gồm:

1. Chưa có kháng thể chống lại bệnh Rubella

Sau khi một người đã từng bị nhiễm virus Rubella hoặc được tiêm phòng vaccine Rubella, trong cơ thể của họ sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại bệnh. Do kháng thể của cơ thể sản sinh ra để chống lại bệnh Rubella có thời gian tồn tại rất lâu, thường thì trong hầu hết các trường hợp chúng đều sẽ tồn tại đến cuối đời của người bệnh.

Sự hiện diện của kháng thể có ý nghĩa rất to lớn trong việc chống lại tình trạng nhiễm virus Rubella khi có tiếp xúc với mầm bệnh về sau. Vì vậy, nếu một người chưa có kháng thể chống lại virus Rubella sẽ là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella cao hơn nhiều lần so với những người đã có kháng thể từ trước đó do từng mắc bệnh hoặc từng tiêm phòng.

Tuy nhiên, cũng có một số các trường hợp đặc biệt mà ở đó bệnh nhân vẫn tái nhiễm virus dù đã có kháng thể trong máu. Nhưng, các trường hợp này đều không có biểu hiện lâm sàng và chỉ được phát hiện thông qua phản ứng huyết thanh học và gần như chỉ phát hiện ở những người đã tiêm phòng vaccine trước đó.

Có nghĩa rằng, sự tồn tại của kháng thể chống lại bệnh Rubella không chỉ có vai trò phòng chống nhiễm bệnh mà nó còn có ý nghĩa trong việc cải thiện tiên lượng bệnh.

Tìm hiểu 4 yếu tố nguy cơ dễ gây mắc bệnh Rubella bạn cần biết - Ảnh 1.

Chưa được tiêm phòng vaccine là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella (Ảnh: Internet)

2. Đi đến vùng có dịch Rubella đang lưu hành

Mặc dù hiện nay, nhờ vào hiệu quả của các chương trình tiêm chủng nên tỷ lệ mắc bệnh Rubella đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn có những khu vực trên thế giới mà tỷ lệ mắc bệnh Rubella vẫn ở mức cao. Việc di chuyển đến các khu vực này dù là vì mục đích gì đều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella.

Như đã nói ở trên, một người đã từng tiêm phòng vaccine và thu được kháng thể chống lại bệnh Rubella thì vẫn sẽ có khả năng tái nhiễm virus, dù không có biểu hiện đáng kể nào. Do đó, việc đến những nơi đang có dịch Rubella lưu hành sẽ khiến khả năng tiếp xúc với mầm bệnh tăng cao và sẽ trở thành yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella cao hơn. Điều này lại càng dễ dàng xảy ra hơn ở nhóm người chưa từng có miễn dịch chống lại Rubella trước đó.

Vì vậy, nếu bạn có ý định đi tới một quốc gia hoặc khu vực đang có bệnh Rubella lưu hành với tỷ lệ cao thì hãy tiến hành xét nghiệm và tiêm phòng vaccine phòng bệnh Rubella để có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

3. Làm việc tại các cơ sở y tế là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella

Các cơ sở y tế là nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân, trong đó có cả các bệnh nhân nhập viện do Rubella. Do đó, khả năng tồn tại mầm bệnh, nguồn lây virus Rubella tại cơ sở y tế cũng cao hơn rất nhiều lần so với bên ngoài, đặc biệt là tại các chuyên khoa chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm.

Vì vậy, làm việc tại các cơ sở y tế cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella hơn trong thực tế. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, làm việc trong các cơ sở y tế ở đây mà chúng ta đang đề cập đến không chỉ bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng đang thực hiện trực tiếp công việc khám và chữa bệnh mà kể cả những nhân viên khác cũng đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đáng kể.

Tìm hiểu 4 yếu tố nguy cơ dễ gây mắc bệnh Rubella bạn cần biết - Ảnh 2.

Các nhân viên y tế thường xuyên phải làm việc trong môi trường có chứa yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella (Ảnh: Internet)

4. Trẻ sinh ra có mẹ bị nhiễm Rubella trong thai kỳ

Hàng rào nhau thai trong quá trình mang thai không thể ngăn cản sự xâm nhập của virus Rubella từ mẹ sang thai nhi. Do đó, nếu người mẹ mắc bệnh Rubella trong thai kỳ, virus Rubella trong máu mẹ có thể di chuyển qua nhau thai để đến xâm nhập và gây bệnh ở thai nhi khiến việc mắc bệnh Rubella trong thai kỳ trở thành yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella. Hậu quả là trẻ sinh ra đã bị mắc bệnh Rubella bấm sinh và tỷ lệ dị tật là rất cao.

Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng, khả năng mắc bệnh Rubella bẩm sinh ở một đứa trẻ sẽ thay đổi tùy vào việc người mẹ nhiễm virus Rubella ở tuần thứ bao nhiêu của thai kỳ. Nếu người mẹ mắc bệnh Rubella sớm (khi thai dưới 13 tuần tuổi) nguy cơ mắc bệnh Rubella bẩm sinh lên tới 80%, nhưng nếu người mẹ mắc bệnh từ tuần 13-14 của thai kỳ thì tỷ lệ là 54% và giảm xuống chỉ còn 25% nếu mắc bệnh Rubella vào cuối tam cá nguyệt thứ 2.

Tìm hiểu 4 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella bạn cần biết - Ảnh 4.

Trẻ sinh ra có mẹ bị nhiễm Rubella trong thai kỳ có thể mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (Ảnh: Internet)

Bởi vậy, nguy cơ mắc bệnh Rubella bẩm sinh ở trẻ tỷ lệ nghịch với tuổi thai tại thời điểm người mẹ nhiễm bệnh. Tuổi thai khi người mẹ mắc bệnh càng nhỏ thì nguy cơ mắc bệnh Rubella bẩm sinh càng cao và hậu quả mà nó gây nên càng nghiêm trọng.

Trên đây là một số các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rubella hơn mà bạn cần biết. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta cần biết cách để có thể tự bảo vệ bản thân trước căn bệnh này mà phương pháp hữu hiệu và an toàn nhất hiện nay chính là thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ.


Tác giả: QN