Thông thường, các bác sĩ sẽ khám bằng mắt thường và dùng tay sờ để chẩn đoán xác định bệnh nhân có bị bệnh trĩ hay không. Nếu qua khám lâm sàng có nghi ngờ, mà chưa chắc chắn, thì bác sĩ sẽ thực hiện tiếp các phương pháp chẩn đoán bệnh trĩ tiếp theo như soi hậu môn, soi trực tràng, hút trĩ,....
Bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện 1 trong các tư thế sau:
- Quỳ xuống, chống 2 tay rồi chổng mông lên.
- Nằm nghiêng bên trái, cong eo, đẩy phần mông lại phía sau.
- Nằm ngửa, co chân dạng đùi, nâng cao chân.
Tất cả các tư thế trên nhằm mục đích để lộ hoàn toàn vùng hậu môn, giúp bác sĩ dễ quan sát, chẩn đoán bệnh trĩ bằng mắt thường. Bác sĩ sẽ dùng ngón tay vạch hậu môn ra và ấn nhẹ 2 bên hậu môn để quan sát rõ ràng và kỹ càng hơn. Nếu cần thiết, có thể phải sử dụng đến đèn tụ quang để quan sát chính xác hơn. Nếu là trĩ hoặc, hoặc búi trĩ nội bị sa thì có thể nhìn thấy búi trĩ ở rìa hậu môn.
Trong khi bác sĩ quan sát hậu môn, bệnh nhân cần thả lỏng, hoặc có thể rặn nhẹ để đưa các búi trĩ ra ngoài hậu môn, giúp bác sĩ dễ kiểm tra hơn.
Phương pháp dùng ngón tay sờ vào trực tràng để chẩn đoán bệnh trĩ thường dành cho những trường hợp búi trĩ nội khá to. Với những bệnh nhân bị trĩ ngoại thuyên tắc, dùng ngón tay sờ trực tràng có thể thấy chỗ tắc mạch máu, khi ấn vào thì bệnh nhân sẽ thấy đau.
Chẩn đoán bệnh trĩ bằng cách dùng ngón tay sờ vào trực tràng còn giúp bác sĩ loại trừ được những trường hợp bị khối u ở đầu dưới của trực tràng như u thịt treo, u ung thư.
Khi bệnh vẫn ở giai đoạn đầu, đặc biệt là trĩ nội, thì quan sát bằng mắt thường và dùng tay sờ rất khó có thể chẩn đoán bệnh trĩ. Các phương pháp như soi hậu môn, soi đại tràng sigma là phương pháp kiểm tra, chẩn đoán bệnh trĩ nội phổ biến nhất.
Đây là phương pháp chẩn đoán bệnh trĩ chính xác, hiện thị rõ kích thước, hình thái và vị trí của búi trĩ. Từ đó giúp bác sĩ kết luận được chủng loại và giai đoạn của bệnh.
Tuy nhiên, khi phương pháp soi hậu môn yêu cầu các bác sĩ phải thao tác nhanh nhẹn. Tránh trường hợp kính soi đè lên ống hậu môn quá lâu làm cho mạch máu ứ trệ, sung huyết, dễ nhầm lẫn thành các búi trĩ.
Với những trường hợp búi trĩ hình thành sâu ở cuối hoặc giữa trực tràng thì rất khó cho bác sĩ kiểm tra. Việc sử dụng máy hút búi trĩ ra ngoài hậu môn vừa giúp thuận tiện trong quá trình quan sát và chẩn đoán, vừa dễ dàng cho các thao tác chữa trị bệnh. Tuy nhiên việc sử dụng máy hút cũng cần được cân nhắc kỹ càng, tránh là cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Khi có các dấu hiệu như đau rát, ẩm ướt, ngứa vùng hậu môn, đại tiện ra máu, sờ thấy cục u nhỏ ở hậu môn,... thì bạn nên đến bệnh viện để được khám chẩn đoán bệnh trĩ. Việc e ngại khám bệnh vùng nhạy cảm có thể khiến cho bệnh tiến triển ngày càng nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm. Chẩn đoán sớm sẽ giúp ích cho việc điều trị được nhanh chóng, hiệu quả và dứt điểm hơn.
Trĩ là một bệnh dễ chẩn đoán nhưng cũng dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý thông báo chi tiết các triệu chứng cho bác sĩ. Tránh trường hợp chẩn đoán bệnh trĩ nội nhầm với trĩ ngoại, hoặc nhầm với căn bệnh nguy hiểm khác như sa trực tràng, ung thư trực tràng, polyp hậu môn, ung thư ống hậu môn,....