Một quy trình niềng răng chuẩn gồm có 4 bước và được thực hiện bài bản theo trình tự nhất định giúp tăng hiệu quả của niềng răng.
Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật niềng răng khác nhau đang được áp dụng trên thực tế. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của đối tượng mà sẽ có sự lựa chọn phương pháp niềng răng thích hợp. Tuy nhiên, dù thực hiện niềng răng theo kỹ thuật nào đi chăng nữa thì cũng đều phải trải qua tất cả các bước của một quy trình niềng răng răng đầy đủ.
Các bước của quy trình niềng răng:
Khi người bệnh đến gặp bác sĩ nha khoa và than phiền về tình trạng răng lệch lạc, thiếu thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sức khỏe, và có nhu cầu niềng răng thì điều đầu tiên cần làm đó chính là bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám lâm sàng và các đánh giá hình ảnh học.
Các thăm khám lâm sàng bằng tay và mắt thường chỉ cho thấy được hình ảnh, nhận thức ban đầu và bề ngoài các vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải. Do đó, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp một phim X-Quang để có cái nhìn toàn diện về cấu trúc răng và khung xương của người bệnh.
Lúc này, nếu các kết quả thăm khám và hình ảnh học cho thấy điều kiện của người bệnh phù hợp để niềng răng thì người bệnh sẽ được tư vấn về kỹ thuật niềng răng thích hợp, thời gian niềng răng, chi phí,...
Đọc thêm:
Độ tuổi niềng răng tốt nhất là độ tuổi nào? Bao nhiêu tuổi thì không nên niềng răng?
Lấy cao răng có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Nên lấy cao răng mấy lần trong năm?
Trước khi thực hiện lắp mắc cài theo quy trình niềng răng, người bệnh có thể sẽ cần phải đặt chun tách kẽ răng hay nhổ bớt răng,... để tạo đủ khoảng cách giữa các răng hoặc khi có răng hô, răng mọc lệch lạc,...
Đến ngày niềng răng, người bệnh sẽ được vệ sinh răng miệng sạch sẽ, bôi acid lên bề mặt răng để tạo độ bám dính cho mắc cài sau đó làm khô răng. Lúc này, mắc cài sẽ được dính vào răng nhờ keo dán chuyên dụng được bôi ở mặt sau từ trước đó và nhờ xi măng nha khoa. Để tăng sự kết dính của mắc cài lên răng thì bác sĩ sẽ tiến hành chiếu đèn quang trùng hợp lên răng và mắc cài.
Khi mắc cài đã dính ổn định vào vị trí mong muốn, bác sĩ sẽ cố định mắc cài bằng cách xỏ dây cung thông qua các lỗ trên mắc cài.
Trong trường hợp mà răng của người bệnh bị khấp khểnh quá phức tạp, thì bác sĩ sẽ có thể phải thực hiện thêm kỹ thuật định hình răng nhờ minivis gắn trên xương hàm. Dây chun kết nối từ minivis đến mắc cài sẽ có tác dụng kéo răng về vị trí mong muốn.
Khi hoàn tất thực hiện gắn mắc cài và điều chỉnh răng thì người bệnh có thể có một vài khó chịu như cảm giác rát lưỡi do cọ sát, ê nhẹ răng và đau ở vị trí bắt minivis,... Tuy nhiên, những khó chịu này sẽ tự khỏi sau 1 vài ngày khi người bệnh đã quen, hoặc có thể sử dụng thuốc giảm đau khi cần thiết.
Sau khi thực hiện bước lắp và cố định mắc cài, cùng với sự tác động lên hàm răng thì các răng sẽ có sự thay đổi về vị trí theo thời gian. Do đó, cần phải có sự điều chỉnh thích hợp với sự thay đổi này.
Thông thường, cứ mỗi tháng một lần thì người bệnh sẽ phải tái khám với bác sĩ nha khoa để tiến hành đánh giá và điều chỉnh thích hợp.
Ngoài ra, các dây chun cố định được sử dụng trong quy trình niềng răng có xu hướng bị giãn ra và yếu đi theo thời gian. Chính vì thế, việc tái khám định kỳ cũng sẽ giúp bác sĩ đánh giá độ căng của các dây cố định, từ đó đưa ra quyết định thay đổi vị trí gắn dây hoặc thay dây mới cho phù hợp và đảm bảo hiệu quả.
Sau khi thực hiện các điều chỉnh định kỳ theo quy trình niềng răng, để giảm cảm giác căng và đau trong miệng cho người bệnh thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm đau (hay dùng trên thực tế là paracetamol).
Sau quá trình thực hiện các bước trong quy trình niềng răng và nhận thấy răng đã được điều chỉnh về vị trí mong muốn thì bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ niềng răng. Thời gian tính từ lúc bắt đầu niềng răng đến lúc loại bỏ niềng răng là không giống nhau giữa các bệnh nhân, phụ thuộc vào mức độ lệch lạc của răng, kỹ thuật niềng răng, dụng cụ niềng răng,...
Quá trình tháo niềng răng sẽ không gây đau đớn cho người bệnh, các dây cố định và mắc cài sẽ được tháo ra khỏi răng. Xi măng nha khoa còn sót lại trên răng, cao răng do kém vệ sinh trong quá trình niềng răng,... sẽ được bác sĩ vệ sinh lại bằng các kỹ thuật thích hợp.
Tuy nhiên, sau khi tháo niềng răng do không còn lực kéo từ các dụng cụ như niềng răng nên răng của người bệnh có xu hướng trả về vị trí cũ. Do đó, người bệnh sẽ cần phải đeo hàm duy trì để giữ lại hiệu quả niềng răng. Khoảng 6 tháng đầu sau niềng răng sẽ cần phải đeo hàm duy trì liên tục 24h mỗi ngày, sau đó thời gian này giảm dần xuống và đến khi răng hoàn toàn ổn định thì có thể bỏ hàm duy trì.
Trên đây là giới thiệu về 4 bước cơ bản nhất trong quy trình niềng răng hiện nay. Nếu còn có thắc mắc liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp đầy đủ hơn.
Nguồn tham khảo:
https://www.news-medical.net/health/Procedure-for-Dental-Braces.aspx