Tìm hiểu 2 phương pháp phẫu thuật ung thư gan

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tìm hiểu 2 phương pháp phẫu thuật ung thư gan
Tính đến thời điểm hiện tại thì phẫu thuật ung thư gan gồm có cắt bỏ khối u và phẫu thuật ghép gan. Nếu tất cả các tế bào ung thư trong gan trong phẫu thuật ung thư gan được loại bỏ thành công, thì bạn có triển vọng khỏi bệnh hoàn toàn.

1. Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan

Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan được áp dụng cho trường hợp gan mới có 1 khối u duy nhất và các tế bào ung thư chưa lan tới mạch máu. Cắt gan một phần chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân có chức năng gan tốt, đủ sức khỏe để phẫu thuật. Thật không may, hầu hết các tế bào ung thư gan rất khó để loại bỏ hoàn toàn. Thông thường tế bào ung thư ở quá nhiều phần khác nhau của gan, khối u ung thư quá lớn hoặc đã lan ra ngoài gan.

Các xét nghiệm hình ảnh, như chụp CT hoặc MRI với chụp động mạch được thực hiện trước khi thực hiện phẫu thuật ung thư gan để xem liệu ung thư có thể được loại bỏ hoàn toàn sau phẫu thuật ung thư gan hay không. 

Tuy nhiên, đôi khi trong quá trình phẫu thuật ung thư gan, các bác sĩ mới phát hiện ra khối u quá lớn hoặc lan quá xa để có thể loại bỏ và ca phẫu thuật phải được hủy bỏ.

Hầu hết bệnh nhân bị ung thư gan thì cũng bị xơ gan. Ở bệnh nhân xơ gan nặng, việc loại bỏ một phần gan có chứa tế bào ung thư có thể khiến cho phần gan còn lại không đủ khả năng thực hiện các chức năng thiết yếu.

Những người bị xơ gan chỉ đủ điều kiện để phẫu thuật cắt bỏ một phần gan nếu u ung thư nhỏ và gan vẫn có đủ khả năng hoạt động tốt. Các bác sĩ thường đánh giá chức năng gan bằng cách đánh giá điểm số Child-Pugh, đây là thước đo xơ gan dựa trên các xét nghiệm và triệu chứng trong phòng thí nghiệm.

Nguy cơ và tác dụng phụ:

Cắt bỏ gan là một ca đại phẫu thuật ung thư gan và tiềm ẩn nhiều rủi ro, chỉ nên được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật lành nghề và có kinh nghiệm. Bởi vì những người bị ung thư gan thường có các vấn đề về gan khác ngoài ung thư, các bác sĩ phẫu thuật ung thư gan phải cắt bỏ đủ gan để cố gắng lấy hết ung thư, nhưng phần gan còn lại cũng phải đủ để hoạt động tốt. 

Có rất nhiều mạch máu đi qua gan, và chảy máu sau phẫu thuật ung thư gan là mối quan tâm chính. Mặt khác, gan là nơi sản xuất ra các chất giúp đông máu. Tổn thương gan (cả trước và trong quá trình phẫu thuật) có thể làm tăng thêm các vấn đề chảy máu tiềm ẩn.

Phẫu thuật ung thư gan dạng cắt bỏ một phần gan cũng sẽ có các vấn đề (tác dụng phụ/biến chứng) tương tự như những ca phẫu thuật lớn khác bao gồm nhiễm trùng, biến chứng do gây mê, máu đông và viêm phổi.

Một nguy cơ khác là phần gan còn lại sau phẫu thuật ung thư gan vẫn bị các bệnh tiềm ẩn dẫn đến ung thư, đôi khi bệnh ung thư gan mới có thể phát triển sau phẫu thuật.

2. Phẫu thuật ung thư gan bằng ghép gan

Khi có sẵn gan hiến tặng, ghép gan có thể là lựa chọn tốt nhất cho những trường hợp bị ung thư gan giai đoạn sớm có thể thực hiện được phẫu thuật ung thư gan. 

Ghép gan cũng có thể là một lựa chọn cho những người có khối u không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật, vì vị trí của khối u hoặc do gan quá yếu khiến cơ thể bệnh nhân không thể chịu được việc cắt bỏ một phần của gan. Đa phần, phẫu thuật ghép gan được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân có khối u nhỏ (1 khối u nhỏ hơn 5 cm hoặc 2 đến 3 khối u không lớn hơn 3 cm) mà không xâm lấn các mạch máu gần đó. 

Theo Mạng lưới tìm kiếm và cấy ghép nội tạng, khoảng 1.300 ca ghép gan đã được thực hiện cho bệnh nhân ung thư gan ở Hoa Kỳ vào năm 2012. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân bị ung thư gan, một số trường hợp khác là bệnh nhân của ung thư ống mật.

Với phương pháp cấy ghép, không chỉ nguy cơ ung thư gan tái phát được giảm đáng kể, mà gan mới cũng sẽ hoạt động bình thường, không tổn thương hay bệnh tật.

Thật không may, cơ hội cho ghép gan rất hạn chế. Chỉ có khoảng 6.500 lá gan có sẵn để phục vụ việc cấy ghép mỗi năm và hầu hết trong số này được sử dụng cho những bệnh nhân mắc các bệnh khác ngoài ung thư gan. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hiến tạng là mục tiêu sức khỏe cộng đồng thiết yếu có thể giúp nâng cao số lượng gan có sẵn cho nhiều bệnh nhân ung thư gan và các bệnh gan nghiêm trọng khác.

Hầu hết gan được sử dụng để cấy ghép đến từ những người vừa mới chết, bệnh nhân chết não. Nhưng một số bệnh nhân nhận được một phần gan từ người hiến tặng còn sống (thường là người thân) để ghép. 

Lá gan của người hiến tặng có thể tái tạo cả về chức năng lẫn kích thước sau một thời gian. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn mang đến một số rủi ro cho người hiến tạng. Theo thống kê, có khoảng 350 ca ghép gan lấy gan từ người hiến tặng còn sống được thực hiện tại Hoa Kỳ mỗi năm. Chỉ một số ít trong số đó là dành cho bệnh nhân ung thư gan.

Những người cần ghép phải đợi cho đến khi có gan, điều này có thể mất quá nhiều thời gian đối với một số người bị ung thư gan. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể được áp dụng điều trị bằng các phương pháp khác, chẳng hạn như thuyên tắc hoặc cắt bỏ gan, trong khi chờ ghép gan. Nếu sau khi cấy ghép mà ung thư vẫn tái phát thì các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác.

Nguy cơ và tác dụng phụ:

Giống như phẫu thuật cắt gan một phần, ghép gan là một ca đại phẫu có nhiều rủi ro nghiêm trọng (chảy máu, nhiễm trùng, cục máu đông, biến chứng do gây mê, v.v.). Nhưng phẫu thuật có những nguy cơ rủi ro khác liên quan đến thuốc chống đào thải.

Những bệnh nhân sau khi ghép gan phải dùng thuốc để giúp ức chế hệ thống miễn dịch, ngăn cho cơ thể họ không từ chối cơ quan mới. 

Những loại thuốc này có những rủi ro và tác dụng phụ riêng, đặc biệt là nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch, những loại thuốc này cũng có thể cho phép bất kỳ bệnh ung thư gan nào đã lan ra ngoài gan phát triển nhanh hơn trước đây. Một số loại thuốc chống thải ghép cũng có thể gây ra huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường; có thể làm suy yếu xương và thận; và thậm chí có thể dẫn đến một bệnh ung thư mới.

Sau khi ghép gan, bệnh nhân cần xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra các dấu hiệu cơ thể từ chối và đào thải gan mới. Đôi khi sinh thiết gan cũng được thực hiện để xác định tình trạng thải ghép, nếu cần thiết thì các bác sĩ sẽ thay đổi loại thuốc chống đào thải.

Bài gốc: https://www.cancer.org/cancer/liver-cancer/treating/surgery.html


Tác giả: Mai Nhung