Tim đập nhanh thường xảy ra vào ban đêm do có ít phiền nhiễu hơn và độ ồn thấp hơn khi nằm trên giường. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng này không phải là dấu hiệu của trường hợp cấp cứu y tế. Tuy nhiên, nếu tim đập nhanh kèm theo khó thở, hụt hơi, đau thắt ngực, vã mồ hôi thì bạn nên cẩn trọng với cơn đau tim.
Các triệu chứng tim đập nhanh về đêm bao gồm:
- Nhịp tim nhanh
- Nhịp tim không đều, tức là cảm thấy tim mình đang đập loạn nhịp, lỡ nhịp hoặc tăng tốc và chậm lại.
- Run rẩy trong lồng ngực
- Cảm giác đập thình thịch ở ngực hoặc cổ
Các triệu chứng của tim đập nhanh có thể đáng lo ngại nếu chúng xảy ra bất ngờ hoặc bạn chưa từng trải qua trước đây.
Đọc thêm:
- Nhịp tim chậm: Triệu chứng và khi nào là trường hợp khẩn cấp?
- Điều gì khiến tim bị lỡ nhịp? Lỡ nhịp tim có phải là bị bệnh tim?
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng tim đập nhanh về đêm, cụ thể:
Tiêu thụ một số đồ uống như rượu và caffeine, đặc biệt là gần giờ đi ngủ có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh vào ban đêm.
+ Uống rượu: Người nghiện rượu nặng có nguy cơ mắc bệnh cơ tim cao hơn, tình trạng làm tim to và làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Nếu uống rượu sau 6 giờ tối, rượu có thể cản trở giấc ngủ nên mọi người có nhiều khả năng nhận thấy tình trạng đánh trống ngực do rượu gây ra vào ban đêm.
+ Sử dụng caffeine: Caffeine cũng có thể làm tăng nhịp tim và kéo dài tới 8 giờ, vì vậy những người tiêu thụ caffeine vào buổi chiều và buổi tối có nguy cơ bị tim đập nhanh vào ban đêm cao hơn.
Trạng thái căng thẳng hoặc lo lắng, hoảng loạn cũng khiến nhịp tim tăng, đồng thời căng thẳng có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ nên sẽ dễ dàng cảm nhận thấy sự bất thường trong nhịp tim.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng lo âu mãn tính có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn nhịp tim hơn, gây ra nhịp tim không đều.
+ Mất nước: Không uống đủ nước có thể khiến tim đập nhanh và mạnh. Vì vậy, những người đi ngủ trong tình trạng mất nước có thể có nguy cơ bị tim đập nhanh hơn. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy mất nước có thể rút ngắn thời gian ngủ, vì vậy nó có thể làm tăng khả năng nhận thấy tim đập nhanh vào ban đêm.
+ Mất cân bằng điện giải: Chứng loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều có thể xảy ra do lượng chất điện giải như kali và magiê thấp. Mất cân bằng điện giải có thể xảy ra vào ban đêm nếu một người không tiêu thụ đủ thức ăn và đồ uống bổ dưỡng trong ngày.
+ Bệnh tim: Một số vấn đề về tim có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh làm gián đoạn giấc ngủ, bao gồm bệnh tim, tổn thương do đau tim và rối loạn nhịp tim. Và tình trạng đánh trống ngực do bệnh tim có thể dễ nhận thấy hơn khi một người nằm xuống.
+ Ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ gây ra tình trạng ngừng thở hoặc giảm nhịp thở nhiều lần trong khi ngủ. Những sự gián đoạn hô hấp này có thể khiến nồng độ oxy giảm xuống, điều này có thể gây căng thẳng cho tim và dẫn đến tim đập nhanh vào ban đêm.
+ Các vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều.
+ Hạ đường huyết: Lượng đường trong máu thấp có thể gây ra các triệu chứng lo âu bao gồm cả tim đập nhanh.
+ Tư thế ngủ: Những người nằm ngửa hoặc nghiêng bên trái khi ngủ có nhiều khả năng bị tim đập nhanh. Đặc biệt, ngủ nghiêng về bên trái có thể nâng cao nhận thức về cảm giác của tim vì nó rút ngắn khoảng cách giữa tim và thành ngực.
+ Mang thai: Người mang thai thường nhận thấy tim đập nhanh, có thể do nhịp tim tăng cao và lượng máu trong thai kỳ.
+ Thuốc và thuốc kích thích: Một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn, chẳng hạn như thuốc huyết áp và thuốc thông mũi, có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh, cũng như việc sử dụng các chất kích thích mang tính giải trí như cocaine.
Hầu hết, tình trạng tim đập nhanh vào ban đêm không cần điều trị, đặc biệt nếu chúng chỉ thỉnh thoảng xảy ra. Bạn có thể tự mình giảm bớt tình trạng tim đập nhanh vào ban đêm bằng cách:
- Hít thở sâu: Hãy thử kỹ thuật thở mím môi theo hướng dẫn sau:
+ Hít vào một cách chậm rãi qua mũi, miệng đóng, đếm từ 1 đến 2.
+ Mím chặt môi lại như khi bạn chuẩn bị thổi vào một cây nến.
+ Thở ra một cách chậm rãi qua môi mím, có kiểm soát, đếm từ 1 đến 4 hoặc 1 đến 6. Hãy chắc chắn rằng bạn thở ra lâu hơn hít vào.
+ Lặp lại quy trình này vài lần
Bạn cũng có thể thiền và thử các kỹ thuật thư giãn khác để giảm căng thẳng.
- Uống một cốc nước: Nếu bạn bị mất nước, tim bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Vì vậy, khi thấy tim đập nhanh bạn nên uống một cốc nước ấm.
- Lăn qua hoặc đứng dậy và đi lại: Thay đổi tư thế có thể giảm bớt tình trạng tim đập nhanh.
Nếu tình trạng sức khỏe gây ra tình trạng tim đập nhanh, bạn cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân.
Bạn có thể không ngăn ngừa hoàn toàn được tình trạng tim đập nhanh vào ban đêm, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách:
- Tránh uống rượu hoặc caffeine, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
- Không nên ăn một bữa lớn (đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo, carbs, muối hoặc đường) ngay trước khi đi ngủ.
- Bỏ thuốc lá nếu bạn nghiện thuốc
- Thử một tư thế ngủ khác
- Tìm cách giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, ngủ từ 7 tiếng trở lên mỗi đêm, thiền, yoga và làm những việc bạn thích.
- Giữ phòng ngủ của bạn yên tĩnh, tối và mát mẻ
- Hạn chế tiếp xúc với màn hình, chẳng hạn như TV và máy tính, gần giờ đi ngủ
- Kiểm soát các tình trạng sức khoẻ mà bạn đang mắc phải.
- Duy trì cân nặng
Nếu bạn thường xuyên bị tim đập nhanh khi nghỉ ngơi hoặc nằm, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Nếu gặp các triệu chứng dưới đây, bạn cần được cấp cứu ngay lập tức:
- Đau ngực hoặc khó chịu.
- Khó thở, hụt hơi hoặc các vấn đề về hô hấp khác.
- Chóng mặt hoặc nhầm lẫn.
- Mất ý thức hoặc ngất xỉu
- Phù nề ở tứ chi, đặc biệt là chân, mắt cá chân và bàn chân.
- Mệt mỏi bất thường hoặc đột ngột .
Bạn cũng nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu nhịp tim trên 100.
Nguồn tham khảo:
1. Heart Palpitations at Night: Diagnosis and Treatment
2. Heart Palpitations at Night