Tiểu đường ở trẻ em có thể khỏi hoàn toàn?

Tiểu đường ở trẻ em có thể khỏi hoàn toàn?
Nghiên cứu mới đây trên trẻ mắc bệnh béo phì cho thấy sương mù quang hóa – sự kết hợp giữa khói bụi và sương mù có thể làm tăng nguy cơ rối loạn đường huyết, bệnh tiểu đường ở trẻ em.

Bạn đọc Trần Thụy Minh Anh (nữ, 39 tuổi, quận 2, TP HCM), hỏi: Tôi rất buồn khi con trai bị chẩn đoán tiểu đường; vì cha tôi phải uống thuốc suốt đời vì căn bệnh này.

Cháu bị tiểu đường type 2, bác sĩ bảo rằng do lối sống. Quả thật bé có thừa cân, một phần vì hồi nhỏ cháu từng bệnh thập tử nhất sinh, tôi bồi bổ quá tay, sau đó bé quen ăn nhiều và rất thích đồ ăn nhanh, kem, bánh ngọt.

Bé lại là con một, ngoài học không phải động tay làm việc nhà. Xin bác sĩ cho hỏi con tôi còn cơ hội thoát bệnh với tuổi lên 10 của mình không, nếu có thì tôi phải làm gì, bệnh tiểu đường ở trẻ em có nguy như người lớn không?

Trả lời:

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) đã có câu trả lời như sau:

Điều đầu tiên bạn cần làm là giúp con trai kiểm soát căn bệnh theo yêu cầu của bác sĩ: bằng thuốc, bằng cách thay đổi lối sống.

Bệnh tiểu đường ở trẻ em dạng type 2 nếu không được kiểm soát thì cũng gây nguy hiểm như người lớn, ảnh hưởng thận, mắt, hệ thần kinh, tim – mạch máu, gây cao huyết áp, các chuyển hóa về đạm, axit béo ngày một nặng, hệ miễn dịch suy yếu…

Tiểu đường ở trẻ em type 2 là căn bệnh chủ yếu do lối sống và như bạn đã tự nhận thức, bé ăn nhiều, bị thừa cân, hay ăn đồ ăn nhanh, món ngọt, là những yếu tố hàng đầu gây bệnh.

Với tuổi lên 10, bé vẫn có cơ hội để khỏi bệnh hoàn toàn, nếu bệnh của bé chưa quá nặng, không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố di truyền và nếu bạn tích cực giúp bé trị bệnh ngay từ bây giờ.

Cho dù bé không may mắn khỏi bệnh tiểu đường ở trẻ em, thì việc sớm trị bệnh, thay đổi chế độ ăn, lối sống cũng giúp làm chậm diễn tiến của bệnh, bé có thể sống chung với nó mà không bị hành hạ bởi các biến chứng nêu trên.

Bạn hãy nấu cho bé những bữa ăn lành mạnh hơn, cắt bỏ các món ăn vặt nhiều đường, muối, đồ ăn chế biến sẵn, giảm lượng từ từ để bé giảm cân. Tăng cường rau, trái cây. Khi bé đói, thay vì ăn vặt bằng bánh, kem, hãy chọn trái cây.

Tuyệt đối không vội vã mà bắt bé nhịn đói, bởi bé vẫn cần năng lượng để phát triển, học hành và sinh hoạt. Hãy giải thích cho bé về những thay đổi cần thiết.

Vấn đề lớn thứ hai của bé là ít vận động. Hãy cho bé tập chơi vài môn thể thao, chịu khó đưa bé ra công viên, tham gia các hoạt động ngoài trời, di chuyển bằng xe đạp, đi bộ, thay thế những giờ ngồi trước máy tính, ti vi.


Tác giả: KP