Tiểu đường là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường

Tiểu đường là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh khá phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa. Căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe. Cùng tìm hiểu những điều cần biết về bệnh tiểu đường qua bài viết dưới đây.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống người bệnh. Không những vậy, bệnh lý này còn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Để phòng tránh cũng như điều trị bệnh lý này một cách khoa học, bệnh nhân cũng như người nhà người bệnh cần phải nắm rõ những điều cần biết về bệnh tiểu đường.

1. Tiểu đường là bệnh gì?

Thông thường, lượng đồ ăn sau bữa ăn sẽ được chuyển hóa thành một loại đường glucose. Loại đường glucose này được hấp thu tại ruột và hòa tan vào máu. Lúc này, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin - một loại hormone có tác dụng đưa glucose vào các tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Trong trường hợp khả năng hoạt động của insulin gặp vấn đề hoặc lượng đường glucose trong cơ thể tăng lên quá mức, insulin không thể nào đáp ứng được. Lượng đường sẽ không thể chuyển hóa thành nguồn năng lượng cho cơ thể, dẫn đến bị dư thừa trong máu và tình trạng này gọi là bệnh tiểu đường.

Như vậy, tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa carbohydrate. Bệnh tiểu đường chủ yếu do tuyến tụy sản xuất thiếu hormone insulin hoặc hormone này bị giảm khả năng tác động trong cơ thể, dẫn đến lượng đường trong máu của người bệnh luôn ở mức cao.

Tiểu đường là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường - Ảnh 1.

Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa carbohydrate - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Tìm hiểu chung về căn bệnh tiểu đường ở người già

- Bệnh tiểu đường nên kiêng ăn gì? Những thực phẩm cực độc với bệnh nhân mắc tiểu đường

2. Phân loại tiểu đường

Bệnh tiểu đường được phân thành 3 loại chính là tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ.

2.1. Tiểu đường tuýp 1

Tiểu đường tuýp 1 phần lớn xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi, do sự bất thường của tế bào β đảo Langerhans làm giảm tiết hormone insulin hoặc không tiết ra insulin gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cần lưu ý các triệu chứng của tiểu đường tuýp 1 thường xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh, cụ thể dấu hiệu của dạng tiểu đường này là người bệnh uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân nhiều. Nguyên nhân của tiểu đường tuýp 1 chủ yếu là do di truyền kết hợp với các tác nhân môi trường.

2.2. Tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 là thể bệnh phổ biến nhất, thường gặp ở những đối tượng trên 40 tuổi. Theo các con số thống kê, số ca bệnh ở thể này chiếm khoảng 90 - 95 % tổng số bệnh nhân mắc tiểu đường.

Tiểu đường tuýp 2 thường ít có triệu chứng bệnh hơn. Thông thường, bệnh nhân bị mắc tiểu đường dạng này được phát hiện thông qua các dấu hiệu như đột nhiên sụt cân, đi khám sức khỏe, xét nghiệm đường huyết phát hiện bệnh.

2.3. Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng bất thường trong quá trình trao đổi carbohydrate và dạng này sẽ hết ngay sau khi sinh con. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra các tác động xấu, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường

Những bệnh nhân mắc tiểu đường có thể xuất hiện những dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, dưới đây là các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường:

- Đi tiểu nhiều: Nguyên nhân của dấu hiệu này là nồng độ glucose trong máu cao dẫn đến lượng glucose trong nước tiểu đầu cao, vượt quá ngưỡng hấp thu ở cơ quan thận. Vì thế, một phần glucose không được tái hấp thu ở ống lượn gần, dẫn đến trong nước tiểu tồn tại đường.

Vì lượng đường trong nước tiểu cao nên làm tăng áp suất thẩm thấu nước tiểu. Do đó, nước khuếch tán vào nước tiểu và làm tăng khối lượng nước tiểu, gây ra tình trạng đi tiểu nhiều. Ở những đối tượng là trẻ em có thể bị tiểu dầm vào ban đêm do đa niệu.

- Ăn nhiều: Khi mắc tiểu đường, cơ thể người bệnh không thể sử dụng đường để tạo năng lượng nên sẽ có cảm giác nhanh đói, kích thích ăn nhiều.

- Uống nhiều: Khi cơ thể bị mất nước sẽ kích thích vùng dưới đồi gây nên cảm giác khát khiến người bệnh uống nước liên tục.

- Cơ thể gầy gò, xanh xao: Mặc dù ăn uống nhiều hơn so với bình thường nhưng bệnh nhân mắc tiểu đường lại gầy gò, xanh xao, Nguyên nhân là do cơ thể không sử dụng được glucose để tạo năng lượng, dẫn tới phải tăng cường thoái hóa lipid và protid để bù trừ.

Tiểu đường là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường - Ảnh 2.

Đi tiểu nhiều là một trong những dấu hiệu của bệnh tiểu đường - Ảnh Internet.

Bên cạnh các dấu hiệu điển hình trên, bệnh nhân mắc tiểu đường còn có thể có các triệu chứng như khô miệng, buồn nôn, mờ mắt, chậm lành vết loét… Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, để biết chắc chắn có bị bệnh hay không, các bác sĩ khuyến cáo nên đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm càng sớm càng tốt.

4. Biến chứng của tiểu đường

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh tiểu đường có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo các bác sĩ, bệnh nhân mắc tiểu đường càng lâu thì càng khó kiểm soát lượng đường trong máu. Lúc này nguy cơ xảy ra các biến chứng tăng lên, trong trường hợp nặng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Cụ thể, một số biến chứng của tiểu đường là:

- Biến chứng tim mạch: Người bệnh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như đau tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ...

- Biến chứng thần kinh: Người bệnh tiểu đường dễ bị tổn thương thần kinh. Nguyên nhân là vì lượng đường dư thừa trong máu làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng dây thần kinh, nhất là ở chân.

Do đó, bệnh nhân thường có cảm giác ngứa, tê hoặc đau ở đầu ngón tay hoặc ngón chân và ngày càng lan rộng ra. Nếu để tình trạng này kéo dài, người bệnh có thể bị mất cảm giác. Ngoài ra, khi các dây thần kinh bị tổn thương ở hệ tiêu hóa còn gây ra tình trạng nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.

- Biến chứng thận: Tiểu đường có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến các tổ chức của cơ quan thận. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị suy thận hoặc phải chạy thận khi bệnh thận đã ở giai đoạn cuối.

- Biến chứng mắt: Người mắc tiểu đường có thể gặp các tổn thương mắt. Khi bị mắc tiểu đường, các mạch máu của võng mạc có thể bị tổn thương và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp…

Ngoài ra, bệnh tiểu đường có thể gây ra biến chứng bệnh Alzheimer, đặc biệt là những người mắc tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, các biến chứng có thể gặp phải khi bị tiểu đường là các biến chứng ở da (ngứa ngoài da, hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay và bàn chân ánh vàng, xuất hiện u màu vàng gây ngứa ở gan bàn chân, bàn tay, mông...);

Với tiểu đường thai kỳ, biến chứng của căn bệnh này là tiền sản giật. Theo đó, người mẹ có thể mắc chứng tiền sản giật với các biểu hiện như: huyết áp cao, dư protein trong nước tiểu, sưng chân.

Không chỉ vậy, thai phụ mắc tiểu đường còn có nguy cơ mắc bệnh lý này trong lần mang thai tiếp theo, đồng thời khi về già có thể phát triển thành bệnh tiểu đường, điển hình là tiểu đường tuýp 2. Nguy hiểm hơn, nếu mẹ bầu không được điều trị bệnh, trẻ có thể bị tử vong trước hoặc sau khi sinh.

Tiểu đường là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường - Ảnh 3.

Tiểu đường thai kỳ có thể dẫn tới biến chứng tiền sản giật - Ảnh Internet.

5. Chẩn đoán tiểu đường bằng cách nào?

Trên thực tế, các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thường không xuất hiện rõ ràng. Nếu như những bệnh nhân mắc tiểu đường type 1 thường xuất hiện các triệu chứng lâm sàng một cách đột ngột, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi thì đa số bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 thường không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng.

Vì vậy, các bác sĩ cho biết việc thiết lập chẩn đoán tiểu đường chủ yếu cần dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng. Các xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm đường huyết lúc đói, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên và HbA1C.

Cụ thể, bệnh tiểu đường đường xác định khi bệnh nhân có một trong 4 tiêu chuẩn sau:

- Người bệnh có nồng độ glucose máu lúc đói >= 126 mg/dL.

- Tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, đo nồng độ glucose máu ở thời điểm 2 giờ >= 200 mg/dL.

- Có định lượng HbA1C >= 6.5%.

- Nồng độ glucose máu của người bệnh ở thời điểm bất kỳ >= 200 mg/dL và có các dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường như ăn uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều không rõ nguyên nhân.

Bên cạnh việc thực hiện các xét nghiệm trên, người bệnh được chẩn đoán tiểu đường còn cần phải khảo sát các biến chứng lên các cơ quan khác trong cơ thể như thận, mạch máu, tim mạch, thần kinh... Theo đó, các bác sĩ cho biết, các xét nghiệm giúp phát hiện các biến chứng của bệnh tiểu đường bao gồm soi đáy mắt, creatinin máu, xét nghiệm ure, chức năng gan, 10 thông số nước tiểu, bilan các thành phần lipid trong máu như triglycerid, LDL - cholesterol, HDL - cholesterol.

6. Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường

Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể của từng người bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị tiểu đường khác nhau.

Thông thường, nếu bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1, do cơ thể không tự sản xuất insulin nên người bệnh cần dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại. Trong trường hợp bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2, người bệnh cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống và luyện tập thể dục thường xuyên. Đồng thời, các bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc uống hoặc tiêm insulin, metformin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Để bệnh không tiến triển nặng hơn, người bệnh tiểu đường cần lưu ý phải có kế hoạch theo dõi lượng carbohydrate, cũng như hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ; bên cạnh đó nên ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Ngoài ra, tiểu đường là bệnh lý có thể thay đổi và tiến triển khác nhau ở từng thời gian. Vì vậy, bệnh nhân cần thăm khám định kỳ và tuân thủ đúng chỉ định của các bác sĩ.

7. Phòng ngừa bệnh tiểu đường bằng cách nào?

Tiểu đường là bệnh lý có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, phòng ngừa bệnh tiểu đường bằng cách nào là vấn đề quan tâm của rất nhiều người.

Theo các bác sĩ, để phòng ngừa căn bệnh này, cần lưu ý những vấn đề sau:

- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Béo phì là nguyên nhân phổ biến gây tiểu đường tuýp 2. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi 5 kg giảm đi, nguy cơ mắc tiểu đường lại giảm đi một nửa.

Vì thế, đề phòng ngừa bệnh tiểu đường, cần tập luyện thể dục thường xuyên bởi tế bào cơ bắp sử dụng glucose nhiều nhất. Luyện tập thể dục thể thao chính là cách để cơ thể sử dụng đường một cách hiệu quả.

Tiểu đường là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường - Ảnh 4.

Tập luyện thường xuyên, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là cách phòng tránh bệnh tiểu đường hiệu quả - Ảnh Internet.

Đọc thêm: Phòng ngừa tiểu đường ở trẻ em như thế nào?

- Hạn chế thức ăn có hàm lượng chất bột, đường cao: Nên ăn các loại đường phức tạp với chỉ số đường huyết thực phẩm GI thấp (các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu, đỗ). Với những nhóm thực phẩm này, thời gian tiêu hóa kéo dài, lượng đường hấp thu vào cơ thể một cách chậm chạp, giúp điều hòa insulin và đường huyết, từ đó giúp phòng ngừa được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

- Sử dụng những thực phẩm có nguồn chất béo tốt: Ưu tiên tiêu thụ các chất béo có lợi như acid omega-3, acid béo oleic có trong dầu cá, dầu oliu bởi những loại chất béo này có tác dụng chống viêm, làm giảm đề kháng insulin.

- Sử dụng các loại gia vị tốt: Quế, hạt tiêu đen, húng tây...được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

- Bỏ hút thuốc và hạn chế bia rượu.

8. Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường

Bên cạnh việc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần nghiêm khắc thực hiện chế độ dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường.

Các chuyên gia và các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:

- Đối với thức ăn chứa tinh bột: Người bệnh nên ăn các loại thức ăn chứa tinh bột không pha trộn với phụ gia như gạo lứt, bánh mì đen… Lượng tinh bột đưa vào cơ thể bệnh nhân tiểu đường nên bằng khoảng 50-60% người không mắc bệnh. Ưu tiên sử dụng thường xuyên các loại ngũ cốc thô vì lớp vỏ của chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Về cách chế biến, nên luộc, nướng hoặc hầm, không nên chiên xào.

- Đối với chất đạm: Nên ăn cá, trứng, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, đậu...ưu tiên cá mòi, cá trích. Hạn chế ăn xúc xích, thịt hộp...Tuyệt đối tránh xa da gà, da vịt vì chúng chứa nhiều cholesterol.

- Đối với chất béo: Người mắc tiểu đường cần hết sức hạn chế mỡ. Các bác sĩ khuyến cáo lượng cholesterol đưa vào cơ thể phải dưới 300mg mỗi ngày. Người bệnh nên thay lượng mỡ bão hòa bằng các loại dầu thực vật như: dầu đậu nành, dầu olive, dầu mè.

- Đối với nhóm rau xanh, trái cây: Người bệnh tiểu đường được khuyến cáo nên ăn khoảng 400 gram rau và trái cây tươi mỗi ngày. Tuy nhiên, nên ăn trực tiếp, không nên uống nước ép, cần tránh các loại trái cây có độ ngọt cao.

- Đối với chất ngọt: Người bị tiểu đường cần tránh xa tuyệt đối các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, rượu, bia… Bệnh nhân nên sử dụng các chất ngọt nhân tạo có thể thay đường trong nước uống như là aspartam, sacharine.

Thực hiện nghiêm khắc chế độ dinh dưỡng là một phần bắt buộc trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên chế độ ăn cụ thể cho người tiểu đường phải dựa trên từng bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Trên đây là tổng hợp thông tin những điều cần biết về bệnh tiểu đường. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn tới nhiều biến chứng trầm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Vì vậy, mỗi người cần phòng ngừa tiểu đường bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng kết hợp với chế độ luyện tập khoa học. Ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường, cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Tiểu đường là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường - Ảnh 6.

Tác giả: Ngọc Điệp