Tiền tăng huyết áp ở người trẻ: nguy cơ chết người ai cũng cần biết

Tiền tăng huyết áp ở người trẻ: nguy cơ chết người ai cũng cần biết
Tiền tăng huyết áp là tình trạng huyết áp cao hơn mức bình thường nhưng chưa đạt đến ngưỡng cao huyết áp. Vậy tiền tăng huyết áp ở người trẻ là gì? Nó có những hệ quả gì và cách phòng tránh ra sao?

1. Tiền tăng huyết áp ở người trẻ và những nguy cơ chết người

Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of American College of Cardiology đã chỉ ra rằng những người trẻ tuổi có huyết áp cao hơn mức bình thường sau này sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

Tiền tăng huyết áp ở người trẻ: nguy cơ chết người ai cũng cần biết - Ảnh 1.

Những người trẻ dưới 30 tuổi có huyết áp trong khoảng 12/80 - 139/89 được coi là bị mắc tiền tăng huyết áp (Nguồn: internet).

Nghiên cứu này tập trung vào 2.500 người (bao gồm cả nam giới và nữ giới) trong khoảng từ 18 - 30 tuổi trong vòng 25 năm. Trong số 2.500 người tham gia nghiên cứu, một số người dưới 30 tuổi có huyết áp hơi cao so với mức bình thường, cụ thể là 120/80 - 139/89. Tuy nhiên, với chỉ số huyết áp như vậy thì chưa thể coi là tăng huyết áp mà được gọi là tiền tăng huyết áp. Thế nhưng, khi tiếp tục quan sát và nghiên cứu những người này trong 25 năm tiếp theo, các nhà khoa học phát hiện ra rằng họ đều có những dấu hiệu bị bệnh lý tim mạch, đặc biệt là có vấn đề với tâm thất trái, khi họ ở tuổi trung niên.

Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiện tượng tiền huyết áp sẽ có ảnh hưởng đến chức năng tim mạch ngay ở những năm đầu trong cuộc đời của người trưởng thành, dù hầu hết trong số họ không xuất hiện triệu chứng.

Trước đây, các bác sĩ định nghĩa bệnh tăng huyết áp là huyết áp đạt từ 140/90 trở lên. Nếu áp dụng kết quả của nghiên cứu ở trên với những nghiên cứu dài hạn khác có thể thấy rằng huyết áp cao hơn 120/80 đã có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ. Và cũng bởi lý do đó nên mới xuất hiện thuật ngữ tiền tăng huyết áp với những người có huyết áp từ 128/80 - 139/89.

2. Nguyên nhân dẫn tới tiền tăng huyết áp ở người trẻ

2.1. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Một chế độ dinh dưỡng không hợp lý như sử dụng quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, ít bổ sung rau củ, hoa quả tươi trong khẩu phần ăn hằng ngày chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra tăng huyết áp.

Tiền tăng huyết áp ở người trẻ: nguy cơ chết người ai cũng cần biết - Ảnh 2.

Những người thích ăn đồ ăn nhanh, không có đủ lượng rau củ và chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày đều có nguy cơ bị tiền tăng huyết áp, và dễ dẫn tới tăng huyết áp khi lớn tuổi (Nguồn: internet).

2.2. Căng thẳng thần kinh

Khi thần kinh bị căng thẳng quá mức, tình trạng stress bị kéo dài sẽ làm trẻ hóa độ tuổi bị tăng huyết áp và tiền tăng huyết áp.

2.3. Rượu bia, hút thuốc lá

Tiền tăng huyết áp ở người trẻ: nguy cơ chết người ai cũng cần biết - Ảnh 3.

Rượu bia cũng là tác nhân hàng đầu (Nguồn: internet).

Thói quen nhậu nhẹt, lạm dụng rượu bia chính là nguyên nhân chính làm gia tăng nguy cơ khiến tiền tăng huyết áp gia tăng ở người trẻ. Ngoài ra thuốc lá cũng là tác nhân chính làm gia tăng lượng bệnh nhân tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp.

3. Phòng ngừa tình trạng tiền tăng huyết áp

Bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên dù nó có dưới 120/80 hay không. Hãy kiểm tra sức khỏe tim mạch ít nhất một lần/năm.

Nếu không có đủ thời gian đi bác sĩ, bạn có thể sử dụng những máy đo huyết áp miễn phí ở các cửa hàng thuốc. Ngoài ra, hãy tận dụng những buổi khám sức khỏe miễn phí do công ty bạn tổ chức.

Nếu huyết áp cao hơn 120/80, dù chỉ một lần thì cũng cần lưu tâm, không nên chủ quan dù bạn còn trẻ.

Tiền tăng huyết áp ở người trẻ: nguy cơ chết người ai cũng cần biết - Ảnh 4.

Tập thể dục thể thao kết hợp một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa được nguy cơ bị tiền tăng huyết áp (Nguồn: internet).

Phương thức tốt nhất hiện nay là thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục. Ngoài ra, bạn nên phấn đấu duy trì cân nặng, tăng cường rau củ và trái cây tươi, giảm lượng muối tiêu thụ trong bữa ăn hằng ngày, sử dụng nước khoáng thay vì đồ uống có đường.


Tác giả: DNA