- Tỷ lệ ghép tế bào gốc thành công ở nhóm ghép tế bào gốc tự thân là 70%. Tỉ lệ ghép tế bào gốc thành công ở nhóm ghép tế bào gốc đồng loại là 63,3%.
- Kết quả ghép tế bào gốc thành công ở nhóm bệnh lành tính lên đến gần 90%, ở nhóm bệnh ác tính thì tỉ lệ thành công khoảng 56,5%.
- Đối với ghép tế bào gốc đồng loài, ở nhóm bệnh lành tính có khoảng 83% bệnh nhân có thời gian sống toàn bộ (OS) 3 năm, ở nhóm bệnh ác tính là 47%.
Thời gian sống không bệnh (DFS) 3 năm sau ghép tế bào gốc đồng loài ở nóm bệnh lành tính là 73%, ở nhóm bệnh ác tính là 56%.
- Theo các nghiên cứu, tỉ lệ tái phát bệnh sau ghép tế bào gốc 5 năm là 40%, sau 7 năm là 70%.
- Tình trạng bệnh:
Tình trạng bệnh càng ổn định thì khả năng đáp ứng sau ghép càng cao, kết quả ghép cho tiên lượng sau ghép tế bào gốc tốt.
- Tuổi bệnh nhân:
Thông thường, tuổi càng cao thì tiên lượng sau ghép tế bào gốc càng xấu, nhất là sau 50 tuổi. Lý do là người càng cao tuổi thì thể trạng càng kém, có nhiều bệnh lý kèm theo, khả năng dung nạp tế bào gốc mới kém, dễ bị biến chứng.
Tuy nhiên, đối với ghép tự thân thì tiên lượng sau ghép tế bào gốc ít phụ thuộc vào tuổi tác. Ghép tế bào gốc tự thân có thể thực hiện ở cả những bệnh nhân trên 70 tuổi.
- Loại ghép:
Ghép tế bào gốc tự thân thường có hiệu quả cao, ít biến chứng, tiên lượng sau ghép tế bào gốc tốt, nhưng không giúp khỏi bệnh hoàn toàn, mà chỉ giúp bệnh nhân kéo dài thời gian và chất lượng sống.
Ghép tế bào gốc đồng loài là các tế bào gốc bị bệnh được thay hoàn toàn bằng tế bào gốc khỏe mạnh của người khác. Do vậy, bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn, kéo dài thời gian sống, nhất là đối với nhóm bệnh lành tính. Tuy nhiên, ghép đồng loài thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng..
- Nguồn gốc tủy ghép:
Ghép tế bào gốc từ người có cùng huyết thống, hòa hợp hoàn toàn sẽ cho tiên lượng sau ghép tế bào gốc tốt nhất. Hiệu quả ghép sẽ giảm dần khi chọn tế bào gốc từ người không cùng huyết thống, từ máu dây rốn cộng đồng, và từ người hiến nửa hòa hợp. Nguyên nhân là do, tế bào gốc càng hòa hợp và tương thích, thì hiệu quả ghép càng cao, càng có ít biến chứng sau ghép.
- Liều tế bào gốc:
Bệnh nhân được truyền càng nhiều tế bào gốc thì khả năng mọc mảnh ghép càng tốt, thời gian mọc mảnh ghép nhanh, nguy cơ thải ghép thấp, tiên lượng sau ghép tế bào gốc sẽ tốt hơn.
Nguồn tế bào gốc từ máu ngoại vi và dịch tủy thường cho liều tế bào gốc cao hơn là lấy nguồn từ máu dây rốn.
- Bệnh lý đi kèm:
Cần đặc biệt lưu ý khi bệnh nhân có các vấn đề về tim, phổi, gan, nhiễm HIV, nhiễm CMV. Trong những trường hợp có bệnh lý tim phổi nặng, bệnh nhân có thể bị từ chối điều trị ghép tế bào gốc.
Bệnh béo phì cũng ảnh hưởng khá lớn đến tiên lượng sau ghép tế bào gốc. Theo các bác sĩ, bệnh nhân có cân nặng vượt quá 30% trọng lượng cơ thể tiêu chuẩn thì thường có tiên lượng xấu hơn những bệnh nhân có trọng lượng chuẩn.
Ngoài những yếu tố bác sĩ có thể đánh giá được, tiên lượng sau ghép tế bào gốc cũng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi lối sống của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ có tiên lượng tốt hơn, hiệu quả điều trị cao hơn, ít biến chứng hơn nếu biết chăm sóc bản thân đúng cách. Bệnh nhân cần thực hiện nghiêm ngặt lời dặn dò của bác sĩ, tái khám thường xuyên để theo dõi hiệu quả ghép tế bào gốc, nhằm tăng chất lượng và thời gian sống.