Tiêm phòng vaccine Covid-19 được khuyến nghị cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên, bao gồm cả những người đang cố gắng mang thai ngay bây giờ hoặc có thể có thai trong tương lai. Hiện tại không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine nào, bao gồm cả vaccinne COVID-19, gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản (vấn đề cố gắng mang thai) ở phụ nữ hoặc nam giới.
Hay nói cách khác, việc bạn đang chuẩn bị mang thai bây giờ hoặc trong tương lai không phải là lý do để trì hoãn việc tiêm ngừa vaccine Covid-19 khi có lịch tiêm chủng. Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Hội Y học bà mẹ - trẻ em Hoa Kỳ (SMFM) cũng đồng ý với quan điểm này.
Với vấn đề tiêm xong vaccine Covid-19 thì biết có thai, theo các tài liệu hướng dẫn y tế thì các bác sĩ cho biết: Thai phụ không cần đình chỉ thai, tiếp tục theo dõi và thăm khám định kì theo lịch hẹn của bác sĩ. Với mỗi loại vaccine Covid mà bạn đã tiêm như Astrazeneca, Moderna hay Pfizer sẽ có những khuyến cáo khác nhau và bạn cần nói cho bác sĩ mà bạn thăm khám thai kì biết bạn đã tiêm loại vaccine nào, để có các hướng dẫn cụ thể khi tiêm xong vaccine Covid-19 thì biết có thai.
Theo những dữ liệu báo cáo của CDC, ở những đối tượng phát hiện có thai sau khi tiêm vaccine Covid-19, họ đã ghi nhận rằng không phát hiện thấy các tác động bất lợi nào trên thai kì hay tỉ lệ các biến cố bất lợi như dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, thai chậm phát triển, sinh non…tương đương với các tỉ lệ nền trong dân số chung. Hay nói cách khác, tiêm vaccine Covid-19 không làm biến đổi DNA (5).
Và, nếu bạn có thai sau khi tiêm mũi đầu tiên của vaccine Covid-19 loại cần hai liều thì CDC khuyên rằng bạn nên tiếp tục tiêm mũi thứ hai để được bảo vệ nhiều nhất. Thậm chí các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc phụ nữ mang thai tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể truyền kháng thể thông qua nhau thai tới thai nhi, giúp trẻ được bảo vệ ngay cả khi vừa sinh ra nhờ việc truyền kháng thể qua sữa mẹ.
Xem thêm:
+ Phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai cần biết gì về vaccine ngừa COVID-19?
+ Trước khi tiêm vaccine COVID-19 cần làm gì?
CDC cũng khuyến cáo rằng, không chỉ nữ giới, nam giới đang dự định có con trong tương lai cũng nên tiêm phòng vaccine Covid-19 để bảo vệ sức khỏe thay vì lo lắng vaccine có ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng hay không.
Theo CDC, hiện tại không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine nào, bao gồm cả vaccine COVID-19, gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản của nam giới. Một nghiên cứu nhỏ gần đây trên 45 người đàn ông khỏe mạnh được tiêm vaccine mRNA COVID-19 (bao gồm Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) đã xem xét các đặc điểm của tinh trùng, như số lượng và chuyển động, trước và sau khi tiêm chủng. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy những thay đổi đáng kể trong các đặc điểm của tinh trùng này sau khi tiêm chủng.
Sốt do bệnh tật có liên quan đến việc giảm sản xuất tinh trùng trong thời gian ngắn ở nam giới khỏe mạnh. Và, mặc dù sốt có thể là một tác dụng phụ của việc tiêm chủng COVID-19, nhưng hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy sốt sau khi tiêm chủng COVID ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng.
Tiến sĩ Liudmila Mosina, Chuyên gia kỹ thuật về các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine và tiêm chủng tại văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu cho biết: "WHO khuyến nghị sử dụng vaccine COVID-19 cho tất cả mọi người, kể cả những người có kế hoạch sinh con. Tiêm phòng không nên là lý do để trì hoãn hoặc tránh mang thai. Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine nào, bao gồm cả vắc xin COVID-19, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ hoặc nam giới".
“Kể từ khi tiêm vaccine COVID-19 được triển khai, nhiều phụ nữ được tiêm chủng đã mang thai mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. WHO sẽ tiếp tục giám sát mức độ an toàn của vaccine COVID-19, bao gồm cả tác động của chúng đối với khả năng sinh sản".
Nguồn dịch tham khảo:
1. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/planning-for-pregnancy.html
3. Gonzalez DC, Nassau DE, Khodamoradi K, et al. Sperm Parameters Before and After COVID-19 mRNA Vaccination. JAMA. Published online June 17, 2021. doi: 10.1001/jama.2021.9976.
4. Carlsen E, Andersson A-M, Petersen JH, E.Skakkebæk N. History of Febrile Illness and Variation in Semen Quality. Hum Reprod 2003;18(10):2089–2092. doi: 1093/humrep/deg412.
5. https://www.everydayhealth.com/coronavirus/no-the-covid-vaccine-will-not-make-you-infertile/