Tiêm vaccine vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 – Hiểu thế nào cho đúng?

Tiêm vaccine vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2  – Hiểu thế nào cho đúng?
Với trường hợp 53 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM dù tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19, TS. Nguyễn Hồng Vũ đã có những giải thích xung quanh vấn đề này.

1. Sau khi tiêm ngừa vắc xin, bạn có chắc chắn 100% sẽ không bị nhiễm virus?

Câu trả lời là KHÔNG. Cho tới nay chưa có vắc xin nào cho thấy có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus 100%. Vắc xin của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna thường được biết đến với hiệu quả trên 90%, còn của AstraZeneca là hơn 70%, sau 2 hoặc 3 tuần được tiêm liều thứ 2.

 - Ảnh 1.

Các kháng thể bám lên virus (cụ thể là protein S của virus) và bất hoạt chúng trước khi chúng có thể chạm lên tế bào của bạn để vào bên trong - Ảnh: chụp màn hình

Điều này có nghĩa là không phải 100% người được tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech hay Moderna hoặc AstraZeneca không có nguy cơ bị nhiễm virus. Do vậy các bạn vẫn nên giữ ý thức phòng ngừa lây bệnh, dù rằng đã được tiêm vắc xin ở mức độ cao khi đang ở trong vùng dịch.

Khi bạn được tiêm ngừa, các thành phần có trong vắc xin sẽ kích thích cơ thể của bạn tạo ra "kháng thể" đặc hiệu. Các kháng thể này có khả năng nhận diện và bám lên bề mặt virus khi chúng có cơ hội tiếp xúc với cơ thể của bạn qua các dịch trong người như dịch nhầy nước mũi, nước miếng và cả nước mắt…

Các kháng thể này bám lên virus (cụ thể là protein S của virus) và bất hoạt chúng trước khi chúng có thể chạm lên tế bào của bạn để vào bên trong. Do vậy virus không thể xâm nhiễm vào bên trong tế bào của bạn và bạn sẽ không bị bệnh.

Để dễ hình dung, các kháng thể này như những tấm khiên được tạo ra để ngăn những mũi tên của quân địch bắn tới. Mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn những mũi tên này phụ thuộc vào "chất lượng của những tấm khiên" và "mật độ của những mũi tên".

Dĩ nhiên là không có tấm khiên nào có thể đảm bảo 100% hiệu quả bảo vệ. Trong làn mưa tên ấy vẫn có những phần trăm rất nhỏ đối với tấm khiên tốt, và phần trăm lớn hơn đối với tấm khiên có chất lượng kém hơn mà những mũi tên có thể lọt qua!

Do vậy, chúng ta hãy khoan vội hoang mang khi thấy có người này, người kia bị nhiễm virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19) sau khi đã tiêm vắc xin, mà hãy tìm hiểu xem "tỉ lệ" những người đã được tiêm vắc xin trong tổng số những người bị nhiễm virus là bao nhiêu.

Trong một nghiên cứu gần đây ở Mỹ trên 3.975 người là các nhân viên y tế, những người làm việc ở tuyến đầu và những người làm việc trong những ngành nghề thiết yếu. Những người này được xét nghiệm hằng tuần kể từ tháng 12-2020 và cho thấy đến nay có 204 người bị nhiễm virus.

Trong số những người bị nhiễm này chỉ có 16 người đã được tiêm vắc xin (1 hoặc 2 liều), còn lại là 156 người chưa được tiêm (32 người còn lại không xác định được tình trạng nên đã được loại ra khỏi thí nghiệm).

Dựa trên số liệu này, chúng ta có thể thấy rằng những người được tiêm vắc xin chỉ chiếm khoảng 9% số người bị nhiễm virus, dù rằng trong thí nghiệm này họ đã gom chung người có hiệu quả bảo vệ một phần (do mới tiêm 1 liều đầu tiên) và người đã có hiệu quả bảo vệ đầy đủ (sau 14 ngày tính từ ngày tiêm liều thứ 2). Điều này cho thấy vắc xin có hiệu quả rõ ràng trong việc giúp ngăn ngừa virus lây nhiễm.

 - Ảnh 2.

Bảng thống kê hiệu quả của một số vắc xin COVID-19 đang lưu hành trên thế giới - Ảnh: STATISTA

2. Người đã tiêm vắc xin sẽ khác như thế nào so với người không tiêm khi mắc COVID-19?

Hầu hết các vắc xin tốt hiện nay như Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson đều cho thấy hiệu quả giảm bệnh nặng và tử vong của người đã tiêm vắc xin khi mắc bệnh COVID-19 là 100%.

Theo số liệu của nghiên cứu khoa học trên, những người đã tiêm vắc xin nếu lỡ có mắc bệnh COVID-19 thì số lượng virus trong người của họ ít hơn khoảng 40% so với người không tiêm vắc xin.

Đây có thể giúp giải thích vì sao những người này thường sẽ không bị các triệu chứng của bệnh COVID-19 như sốt, nhức mỏi, khó thở… và khỏi bệnh sớm hơn (ít nhất là sớm hơn 2 ngày) so với người không tiêm vắc xin.

Đọc thêmKhông gặp tác dụng phụ vaccine covid-19 sau tiêm có sao không? Cơ thể có được bảo vệ không?

Điều này giúp chúng ta dễ hiểu hơn khi "52 trong số 53 nhân viên mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hoàn toàn không có triệu chứng".

3. Người đã tiêm vắc xin có giúp làm giảm khả năng lây nhiễm của virus trong cộng đồng không?

Câu trả lời là . Câu hỏi trên khá quan trọng và luôn được các nhà quản lý đặt ra khi lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus trong cộng đồng và mở cửa kinh tế.

Khi được tiêm vắc xin thì xác suất nhiễm virus đã giảm đi rất thấp, nếu xui xẻo vẫn bị nhiễm thì số lượng virus trong người đó cũng thấp hơn đáng kể và họ khỏi bệnh nhanh hơn so với người không tiêm vắc xin.

Số lượng virus và thời gian virus tồn tại trong người là yếu tố quan trọng để xác định khả năng và tình trạng lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Do vậy, khi vắc xin giúp giảm các yếu tố này thì đã giúp giảm khả năng lây nhiễm trong cộng đồng khi số lượng người được tiêm vắc xin tăng lên.

Điều này đã được cho thấy trong một nghiên cứu khác ở Anh với hơn 365.000 gia đình. Họ thấy rằng những người đã tiêm ít nhất một liều vắc xin của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca nếu lỡ bị nhiễm virus thì nguy cơ lây nhiễm virus của họ cho những người tiếp xúc gần giảm đi một nửa.

Đây cũng là những tiền đề mà các nước có tỉ lệ người tiêm vắc xin cao và hiệu quả như Israel, Mỹ đã bắt đầu mạnh dạn nới lỏng các biện pháp phòng dịch cho dân nước họ.

4. Làm thế nào để giảm tối thiểu lây nhiễm virus trong cộng đồng?

Để giảm sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng, cách tốt nhất hiện nay vẫn là nâng cao tỉ lệ người tiêm vắc xin trong cộng đồng. Đối với những nước có tỉ lệ này còn thấp, như Việt Nam, thì chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chặt chẽ để tránh bùng dịch, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Trường hợp 53 ca dương tính gần đây ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xảy ra chủ yếu là "tập trung tại các phòng ban khối hậu cần như toàn bộ nhân viên phòng công nghệ thông tin, phòng chỉ đạo tuyến…".

Điều này có thể do các nhân viên ngồi chung phòng, tiếp xúc gần và thiếu cảnh giác trong việc lây nhiễm virus...

Những tai nạn lây nhiễm chéo trong không gian làm việc như thế này có thể khắc phục bằng cách nâng cao ý thức của nhân viên và áp dụng một số biện pháp quản lý phòng dịch mà nhiều nơi đã và đang làm trong thời gian đại dịch, đó là:

1. Kiểm tra sức khỏe, nhiệt độ cho nhân viên mỗi đầu ngày làm việc và yêu cầu nhân viên có biểu hiện cảm sốt ở nhà;

2. Giãn cách chỗ ngồi cho các nhân viên (cách nhau ít nhất 2 mét);

3. Yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang suốt trong thời gian làm việc, nhất là khi có người khác ở chung phòng;

4. Chỉ cởi khẩu trang trong giờ làm việc khi uống nước hoặc ăn cơm; không ăn cơm chung với đồng nghiệp, trừ khi người này là người trong gia đình (vợ, chồng…);

5. Giảm tối đa người đến sở làm bằng cách cho những người có thể làm việc qua mạng làm việc ở nhà;

6. Đối với những người bắt buộc phải đến chỗ làm thì nên chia ra thành nhiều ca để giảm thiểu số người cùng xuất hiện ở nơi làm việc trong một thời điểm.

7. Nếu được thì nên thông gió cho các văn phòng, đưa ánh sáng mặt trời vào, thay vì đóng kín cửa và mở máy lạnh liên tục.

Hy vọng các thông tin trên giúp mọi người bớt hoang mang khi nghe người này, người kia bị nhiễm virus dù rằng sau khi tiêm vắc xin đầy đủ.

Theo như tôi đánh giá, hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch bệnh lây lan khá tốt và nếu chiến lược vắc xin được áp dụng kịp thời với những loại vắc xin tốt thì sẽ sớm đẩy lùi được dịch COVID-19.


Tác giả: HV