Tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới: Cấp bách nhưng cẩn trọng

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới: Cấp bách nhưng cẩn trọng
Hiện nay ở Mỹ, vắc xin COVID-19 được tổ chức triển khai tiêm chủng phổ biến để phòng ngừa đại dịch đang bùng phát.

Tuy nhiên, vấn đề này đang được xem xét đối với phụ nữ mang thai và cho con bú hoặc những người xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với bất cứ thành phần nào của vắc xin thì không nên tiêm chủng. Người mắc bệnh tự miễn dịch hay một bệnh lý nền nào khác nên được bác sĩ kiểm tra kỹ trước khi chủng ngừa.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành việc cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin COVID-19 do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất. Hai loại vắc xin này đều được chỉ định tiêm chủng bằng 2 liều tiêm bắp thịt. Vắc xin Pfizer được tiêm cách nhau 21 ngày, vắc xin Moderna được tiêm cách nhau 28 ngày.

Vắc xin COVID-19 và những khuyến cáo

Các nhà khoa học cho biết vắc xin Pfizer và Moderna tiêm phòng COVID-19 đều bảo đảm an toàn. Hai loại vắc xin này đã được kiểm tra nghiêm ngặt bởi các ủy ban kiểm tra độc lập ở bên ngoài, ủy ban gồm những người không có mối liên kết với các công ty sản xuất hoặc chính phủ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, không nên quá lo lắng về bất kỳ tác dụng phụ lâu dài tiềm ẩn từ việc tiêm chủng vắc xin và không có sự khác biệt về độ an toàn cũng như tính hiệu quả giữa hai loại vắc xin này. Hai vắc xin này giống nhau về mức độ an toàn và tính hiệu quả, nên không có khuyến nghị ưu tiên nên dùng vắc xin này hay vắc xin khác.

Tuy nhiên có một số nhóm người cần phải cân nhắc khi quyết định tiêm vắc xin, gồm những người có trạng thái dị ứng, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, có các bệnh lý tiềm ẩn, trẻ em và thanh thiếu nhiên.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới: Cấp bách nhưng cẩn trọng - Ảnh 1.

Người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với bất cứ thành phần nào của vắc xin thì không nên tiêm chủng - Ảnh Internet

Về những người bị dị ứng vắc xin, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC) đã nhận được thông báo có một số trường hợp bị phản ứng dị ứng sau khi tiêm chủng vắc xin COVID-19. Mặc dù tình trạng này không phổ biến, nhưng cũng cần lưu ý. Nếu bị sốc phản vệ thì dễ nguy cơ dẫn đến tử vong.

Mọi người có thể tìm hiểu thêm về Vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo những người đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin COVID-19 thì không được tiêm chủng. Những người đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với các loại vắc xin hoặc liệu pháp tiêm truyền khác nên thông báo với bác sĩ để có chỉ định phù hợp.

Người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng không liên quan đến tiêm chủng như bị dị ứng thức ăn, nọc độc động vật, động vật vật nuôi, chất cao su... vẫn có thể tiêm vắc xin. Nếu một người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với mũi tiêm đầu tiên của vắc-xin COVID-19 thì khuyến cáo không nên tiêm mũi tiêm thứ hai.

Những người không có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng sẽ được theo dõi trong vòng 15 phút sau khi tiêm chủng, người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng nên được theo dõi trong khoảng thời gian gấp đôi. Nếu người có tiền sử phản ứng dị ứng đáng chú ý trong quá khứ, thì bắt buộc phải theo dõi khoảng tối thiểu 30 phút sau khi tiêm vắc xin.

“CHẮC CHẮN SẼ CÓ NHỮNG TRƯỜNG HỢP BỊ PHẢN ỨNG PHỤ KHI TIÊM VẮC XIN COVID-19. NHƯNG ĐÂY LÀ CON ĐƯỜNG ĐÁNG TIN CẬY NHẤT ĐỂ THOÁT KHỎI ĐẠI DỊCH NÀY. KHÔNG THỂ NÀO CÓ NGUY CƠ BẰNG 0 ĐƯỢC”.

(Benoit Arbeau-nhà virus học, giáo sư đại học Québec, CANADA)

Phụ nữ đang mang thai và cho con bú

Thực tế chưa có dữ liệu nào xác định sự an toàn của vắc xin COVID-19 đối với phụ nữ mang thai vì chúng đã được loại trừ ra khỏi đối tượng thử nghiệm lâm sàng. Các nhà khoa học cho rằng, vắc xin mRNA không có khả năng gây rủi ro đối với phụ nữ mang thai hoặc thai nhi. Trái lại, các cơ quan quản lý về y tế và sức khỏe tại Anh lại khuyến nghị không nên tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai. Vấn đề này có sự khác biệt về quan điểm, vì trên thực tế chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng.

Hiện chưa có dữ liệu về tính an toàn của vắc xin ở những phụ nữ đang cho con bú hoặc ảnh hưởng của vắc xin COVID-19 đối với trẻ bú sữa mẹ. Theo USCDC, vắc xin này không có nguy cơ đối với trẻ bú sữa mẹ. USCDC cho biết, những phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ thuộc nhóm được khuyến nghị tiêm vắc xin COVID-19 phòng bệnh như trường hợp nhân viên y tế.

Người có xét nghiệm dương tính với COVID-19

Thực tế các thử nghiệm lâm sàng ghi nhận vắc xin bảo đảm an toàn cho những người đã bị nhiễm COVID-19. Tuy vậy, việc tiêm chủng vắc xin nên trì hoãn cho đến khi người bị nhiễm bệnh thoát khỏi tình trạng cấp tính nếu có triệu chứng lâm sàng và đã đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn để được ngừng cách ly.

Đối với trường hợp những người đã được điều trị bằng kháng thể COVID-19 thì có chút khác biệt. Kháng thể đó có tác dụng đặc hiệu để chống lại vi rút của COVID-19, nhưng dự đoán những kháng thể này sẽ can thiệp vào phản ứng miễn dịch được kích thích bởi vắc xin. Sự phân rã của kháng thể được tiêm khoảng 90 ngày, đo đó nếu cơ thể đã nhận được kháng thể đó thì hãy chờ 3 tháng sau mới tiêm phòng vắc xin.

Người có vấn đề về tình trạng y tế tiềm ẩn

Thử nghiệm lâm sàng thực tế cho thấy, vắc xin COVID-19 có hiệu quả an toàn tương tự đối với những người có một số vấn đề về tình trạng y tế tiềm ẩn, nhưng không có biểu hiện mắc bệnh đó.

Hiện nay chưa có dữ liệu về vấn đề vắc xin COVID-19 đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân nhiễm HIV. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch và bệnh nhân nhiễm HIV có nhiều khả năng và nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng, vì vậy họ vẫn có thể tiêm chủng vắc xin phòng ngừa.

Có một vài nhóm đối tượng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nhóm người nào không nên tiêm vaccine COVID-19?

Trẻ em và thanh thiếu niên

Vắc xin Moderna được phép sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên và vắc xin Pfizer được phép sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên. Hiện tại, vắc xin COVID-19 chưa được nghiên cứu tiêm chủng đối với trẻ em và thanh thiếu niên, bởi đối tượng này chưa được phép ủy quyền để thực hiện tiêm phòng.

Đối với các trường hợp này, các thử nghiệm lâm sàng dự kiến bắt đầu thực hiện trong thời gian ngắn. Các thông tin về tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên sẽ được thông báo vào mùa hè năm 2021.

Khi nào có thể tiêm chủng vắc xin?

USCDC cho biết, nguồn cung cấp vắc xin COVID-19 ban đầu có hạn chế, ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người ở trong các cơ sở chăm sóc dài hạn người bệnh.

Ủy ban Tư vấn về Thực hành tiêm chủng Mỹ (ACIP) đã đưa ra khuyến nghị việc phân bổ vắc xin COVID-19 ở Mỹ và lộ trình triển khai được thực hiện qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1a: Nhân viên y tế và bệnh nhân ở cơ sở chăm sóc dài hạn người bệnh sẽ được tiêm chủng, giai đoạn này đã bắt đầu.

Giai đoạn 1b: Người làm công tác thiết yếu ở tuyến đầu và những người trên 75 tuổi sẽ được tiêm chủng tiếp theo.

Giai đoạn 1c: Người từ 65 đến 74 tuổi, những người từ 16 đến 75 tuổi có tình trạng bệnh lý nguy cơ cao. Những người làm công tác thiết yếu chưa được tiêm chủng trong giai đoạn 1b sẽ được tiêm chủng ở giai đoạn này.

Giai đoạn 2: Tất cả những người còn lại trên 16 tuổi trước đây chưa được tiêm chủng sẽ được tiêm chủng trong giai đoạn này.

Nguồn vắc-xin COVID-19 đầu tiên đã được phân bổ và cung cấp vào giữa tháng 12/2020. USCDC khuyến nghị tất cả đối tượng theo từng giai đoạn có thể tiêm chủng từ đầu năm 2021.

BS. NGUYỄN VÕ HINH


Tác giả: NM