Tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ và những điều cần biết

Tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ và những điều cần biết
Hiện nay, tất cả các trẻ ngay khi sinh ra đều được tiêm phòng vacxin viêm gan B sớm trong 24h đầu. Tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ đầy đủ giúp trẻ có thể được ngăn chặn tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.

1. Vì sao trẻ cần được tiêm phòng vacxin viêm gan B?

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc rất phổ biến hiện nay, ước tính ở nước ta cứ 8 người thì có 1 người mắc viêm gan B.

Bệnh thường không có các triệu chững rõ rệt và tiến triển thầm lặng trước khi nó gây nên các tổn thương không thể hoàn nguyên cho gan (xơ gan, ung thư gan,...). Điều này khiến tỷ lệ người mắc viêm gan B nhưng không được phát hiện ở trong cộng đồng là rất lớn. Đồng thời, bệnh cũng có khả năng gây nên các đợt viêm gan cấp, tối cấp,... nếu không được điều trị thì có nguy cơ gây tử vong.

Viêm gan B là bệnh có khả năng lây nhiễm cao thông qua nhiều con đường như đường máu, đường từ mẹ sang con (giai đoạn trong tử cung, khi sinh nở),... hoặc qua các chất tiết, chất dịch của bệnh nhân. Vì thế nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao.

Hơn thế, trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với virus viêm gan B khi mà hệ miễn dịch của trẻ còn yếu kém, chưa hoàn thiện. Theo các thống kê cho thấy, chỉ có 10% viêm gan B cấp tính ở người lớn chuyển thành thể mãn tính, nhưng nếu trẻ em nhiễm viêm gan B bẩm sinh hay từ những giai đoạn đầu tiên của cuộc đời thì tỷ lệ này có thể lên đến 90%.

Do đó, tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ sớm là điều vô cùng cần thiết để giúp trẻ tạo được hệ miễn dịch chủ động với bệnh, phòng ngừa bệnh xảy ra.

2. Chương trình tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ hiện nay

2.1. Đối tượng tiêm phòng và các trường hợp trì hoãn tiêm vacxin viêm gan B

Tất cả các trẻ ngay khi sinh ra đều cần được tiêm phòng vacxin viêm gan B càng sớm càng tốt, nên diễn ra trong 24h đầu sau sinh. Nghiên cứu đã chỉ ra, tiêm phòng vacxin viêm viêm gan B ngay sau khi sinh có khả năng ngăn chặn 85-90% nguy cơ mắc viêm gan B. Càng tiêm muộn thì khả năng phòng bệnh càng giảm, mũi tiêm ít có ý nghĩa nếu tiêm sau 7 ngày sau sinh.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp như trẻ có dị tật bẩm sinh, có sốt, sinh non,... thì việc tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ có thể được hoãn lại hoặc cần thực hiện rất thận trọng.

2.2. Số lượng mũi tiêm

Theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay, tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ bao gồm 4 mũi tiêm vào các thời điểm khác nhau để có thể đảm bảo tạo được miễn dịch cho trẻ.

Tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ và những điều cần biết - Ảnh 2.

Thời điểm tiêm phòng các mũi vacxin viêm gan B cho trẻ:

- Mũi đầu tiên, tiêm trong 24h đầu sau khi sinh.

- Mũi thứ 2, tiêm sau mũi 1 một tháng.

- Mũi thứ 3, tiêm sau mũi thứ 2 một tháng.

- Mũi thứ 4, tiêm nhắc lại sau mũi thứ 3 một năm.

2.3. Theo dõi sau khi tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ

Vacxin viêm gan B là an toàn, các trường hợp biến chứng khi sảy ra là vô cùng hiếm. Tuy nhiên, sau khi tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ thì cơ thể trẻ có thể xuất hiện một số phản ứng thể hiện sự đáp ứng miễn dịch với vacxin như:

- Quấy khóc, khó chịu.

-Vết tiêm đau, sưng, tấy.

- Sốt nhẹ.

Các phản ứng sau tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ thường chỉ là các phản ứng nhẹ, tự biến mất trong 1- 2 ngày. Nếu các phản ứng này diễn ra rầm rộ, dữ dội hơn như sốt cao kéo dài, co giật, bỏ bú, lơ mơ, kích thích, vật vã, nôn mửa, khó thở, chảy mũi, thở rít, co kéo bụng khi thở, vết tiêm sưng nhiều, có dịch chảy ra bất thường, ... thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Có thể thấy rằng, tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ sớm và đủ mũi là vô cùng cần thiết để bảo vệ trẻ trước nguy cơ lây nhiễm bệnh. Do vậy, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế theo đúng lịch tiêm chủng để trẻ được tiêm phòng đầy đủ.



Tác giả: QN