Tiêm phòng vắc-xin trong phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Tiêm phòng vắc-xin trong phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Nhiễm trùng đường hô hấp là yếu tố có mối quan hệ phức tạp với COPD, vừa là nguyên nhân và vừa là hậu quả của bệnh. Do đó, tiêm phòng vắc-xin là một trong các nội dung quan trọng của phòng tránh COPD giúp phòng ngừa bệnh xảy ra, ngăn chặn sự bùng phát đợt cấp, làm chậm diễn tiến và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh,...

1. Tại sao tiêm phòng đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh COPD?

Trong các yếu tố liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), nhiễm trùng hô hấp là một yếu tố có mối quan hệ phức tạp với bệnh:

- Nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em (<8 tuổi) gây tổn thương lên lớp niêm mạc, dễ làm tăng nguy cơ mắc COPD về sau.

- Nhiễm trùng hô hấp lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến hệ hô hấp bị tổn thương kéo dài cũng thúc đẩy sự khởi phát của COPD.

- Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp (đặc biệt là nhiễm virus) làm gia tăng tính phản ứng của đường hô hấp, điều này dễ đưa bệnh nhân COPD vào đợt cấp của bệnh.

- Tình trạng tổn thương kéo dài, tăng tiết dịch,... ở đường hô hấp của bệnh nhân COPD lại là điều kiện thích hợp cho nhiễm trùng đường hô hấp xảy ra.

Do đó, tiêm phòng vắc-xin để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vấn đề phòng tránh COPD và các vấn đề liên quan bao gồm:

- Ở người chưa mắc COPD: Làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó làm giảm nguy cơ mắc COPD và giúp phòng tránh COPD.

- Ở bệnh nhân COPD: Tiêm vắc-xin có ý nghĩa làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp ở bệnh nhân COPD, giảm nguy cơ khởi phát đợt cấp của bệnh từ đó giảm tiến triển và cải thiện tỷ lệ tử vong do bệnh.

>> Đợt cấp COPD nguy hiểm như thế nào?

Tiêm phòng vacxin trong phòng tránh COPD - Ảnh 1.

Tiêm phòng vắc-xin có đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh COPD (Ảnh: Internet)

2. Các loại vắc-xin tiêm phòng hay được sử dụng hiện nay

2.1. Vắc-xin tiêm phòng phế cầu (Streptococcus pneumoniae)

Vắc-xin tiêm phòng phế cầu (Streptococcus pneumoniae) là loại vắc-xin thường được sử dụng nhằm ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp do nguyên nhân phế cầu gây nên. Chế phẩm hay được sử dụng trên thực tế là Pneumo23 do Pháp sản xuất, có chứa polysaccaride của nhiều type phế cầu khác nhau giúp phòng tránh được nhiều bệnh lý do phế cầu gây nên.

Vắc-xin phòng phế cầu được chỉ định cho các trường hợp bao gồm:

- Tất cả các bệnh nhân cao tuổi (>65 tuổi)

- Bệnh nhân COPD có lưu lượng khí thở ra tối đa trong giây đầu tiên (FEV1) <40%

- Bệnh nhân COPD trẻ nhưng đồng mắc các bệnh lý mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh thận mãn,...

- Người có hệ miễn dịch suy giảm do các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay do mắc phải (hội chứng AIDS).

- Bệnh nhân đã được ghép tạng.

Vắc-xin phòng phế cầu không tạo miễn dịch suốt đời cho người bệnh, nó cần được tiêm nhắc lại sau mỗi 3 đến 5 năm sau mũi tiêm cuối cùng mà bệnh nhân được tiêm.

2.2. Vắc-xin phòng cúm (Influenza vắc-xin)

Cùng với vắc-xin phòng phế cầu, vắc-xin phòng cúm cũng là loại vắc-xin có ý nghĩa lớn trong phòng tránh COPD. Hiện nay, có hai loại vắc-xin phòng cúm đang được sử dụng là vắc-xin sống giảm độc lực và vắc-xin cúm bất hoạt. Các chế phẩm vắc-xin phòng cúm hay được sử dụng kể đến như Inflexal V, Fluarix , Influvac, Vaxigrip.

>> Những điều cần biết khi tiêm vắc-xin phòng cúm

Tiêm phòng vắc-xin trong phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - Ảnh 3.

Vắc-xin phòng cúm được khuyến cáo nên sử dụng cho tất cả người lớn và trẻ em (Ảnh: Internet)

Vắc-xin phòng cúm được khuyến cáo nên sử dụng cho tất cả người lớn và trẻ em (trên 3 tuổi) có nguy cơ mắc cúm cao, và cần được nhắc lại hằng năm sau để đảm bảo sinh miễn dịch liên tục.

Nên tiêm vắc-xin phòng cúm và trước mỗi mùa dịch để đảm bảo hiệu quả ngăn ngừa bệnh tốt nhất, tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng vắc-xin chỉ có thể tiêm vào một khoảng thời gian cố định trong năm mà nó có thể tiêm vào bất cứ thời điểm nào.

3. Khi nào tiêm phòng vắc-xin bị chống chỉ định?

Mặc dù tiêm phòng vắc-xin có lợi ích lớn trong phòng tránh COPD và ngăn chặn sự diễn tiến của bệnh, nhưng tiêm phòng không đúng thời điểm hoặc tiêm phòng khi đang có các yếu tố bất lợi diễn ra thì lại có thể gây nên nhiều hậu quả khác nhau. Do đó, một số trường hợp nhất định sẽ bị chống chỉ định với tiêm phòng vắc-xin để phòng tránh COPD bao gồm:

- Đang có các tình trạng bệnh lý cấp tính xảy ra như sốt, đợt diễn tiến cấp tính của các bệnh lý mãn tính (bệnh tim, phổi, thận,...).

- Người bị dị ứng với các thành phần có trong vắc-xin hoặc đã có biểu hiện dị ứng ở lần tiêm trước.

- Phụ nữ đang có thai bị chống chỉ định tiêm vắc-xin phòng phế cầu.

Trên đây là giới thiệu sơ lược về mối quan hệ giữa nhiễm trùng hô hấp và COPD cũng như tầm quan trọng của tiêm phòng vắc-xin trong phòng tránh COPD. Nếu chưa được tiêm phòng, hãy đến gặp bác sĩ ở trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn về và tiêm phòng đầy đủ khi có chỉ định.


Tác giả: QN