Xét nghiệm kháng thể là gì?
Kháng thể, nói đơn giản và dễ hiểu nhất, đó là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để chống lại việc nhiễm virus SARS-C0V-2. Các kháng thể có thể mất vài ngày (IgA, IgM) hoặc vài tuần (IgG) để phát triển trong cơ thể sau khi tiếp xúc với virus hoặc các thành phần kháng nguyên đặc trưng cho virus SARS-CoV-2.
Mặc dù các kháng thể này có thể tạo khả năng miễn dịch đối với bệnh COVID-19, nhưng hiện tại vẫn chưa có đủ bằng chứng để biết các kháng thể tồn tại trong bao lâu (nghiên cứu công bố gần nhất tháng 7/2021 ghi nhận là 9 tháng).
Dù hiếm gặp nhưng đã có một số trường hợp được xác nhận là tái nhiễm sau khi khỏi bệnh hoặc sau tiêm vắc xin đủ phác đồ (khái niệm ‘breakthrough’). Các nghiên cứu về kháng thể COVID-19 cũng như các thành phần khác của hệ thống miễn dịch vẫn đang tiếp tục được tìm hiểu thêm về khả năng miễn dịch.
Người dân TP HCM đi tiêm phòng vắc xin COVID-19 - Ảnh Hải Ninh.
Đọc thêm:
- Tiêm vaccine Covid-19 mũi số 2 muộn so với dự kiến có cần tiêm lại từ đầu không?
- Tiêm một mũi vắc xin Covid 19 có tác dụng không? Tại sao cần mũi tiêm thứ 2?
Các xét nghiệm kháng thể liên quan đến virus gây bệnh COVID-19 bao gồm:
Kháng thể gắn kết kháng nguyên (Binding antibodies): IgM, IgG – hai kháng thể này nhắm vào mục tiêu là kháng nguyên SPIKE (S) và NUCLEOCAPSID (N) của virus SARS-CoV-2. Việc gắn kết kháng nguyên – kháng thể đánh giá sự phơi nhiễm (đã từng gặp gỡ) của hệ miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
Đây là xét nghiệm kháng thể sử dụng rộng rãi hiện nay trên thị trường các phòng xét nghiệm dịch vụ NHƯNG chúng không cho biết mức độ phản ứng của hệ miễn dịch hoặc hiệu quả bảo vệ như thế nào.
Kháng thể trung hoà (Neutralizing antibodies): đánh giá khả năng trung hòa (vô hiệu hoá) virus sống SARS-CoV-2. Các kháng thể trung hòa ngăn chặn sự gắn kết của virus vào tế bào cũng như ngăn chặn virus thay đổi cấu trúc và hình dạng nhằm xâm nhập và tái tạo trong tế bào.
Xét nghiệm này mới và chưa được phổ biến rộng rãi độ với nhạy cao hơn – hiện nay chỉ dùng trong nghiên cứu sản xuất phê duyệt vắc xin và thuốc điều trị COVID-19.
Không. Vì:
Xét nghiệm kháng thể trong máu không khẳng định được sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 tại đường hô hấp để chẩn đoán xác định bệnh COVID-19. Vì vậy cũng không đánh giá được khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ bạn cho người khác;
Xét nghiệm kháng thể có thể âm tính ngay cả ở những bệnh nhân đang nhiễm virus SARS-CoV-2. Ví dụ như khi kháng thể chưa tăng đủ để đáp ứng với việc nhiễm virus vì cơ thể cần có thời gian để phát triển lượng kháng thể đủ nhiều để máy xét nghiệm ghi nhận giá trị dương tính;
Các dữ liệu hiện nay cũng không biết liệu nồng độ kháng thể sau khi khỏi bệnh COVID-19 có suy giảm nhanh theo thời gian đến mức không thể phát hiện được hay không.
- Xét nghiệm kháng thể có thể tạo ra kết quả dương tính giả. Ví dụ kết quả dương tính với loại coronavirus khác, không phải là virus SARS-CoV-2 tác nhân gây bệnh COVID-19;
Không cần thiết. Vì xét nghiệm kháng thể dương tính sau mắc bệnh:
- Có kháng thể sau khi khỏi bệnh COVID-19 không có nghĩa là bạn sẽ được bảo vệ vĩnh viễn và bạn vẫn cần tiêm vắc xin;
- Vắc xin COVID-19 an toàn kể cả với người đã nhiễm SARS-CoV-2;
- Các nghiên cứu cho thấy nếu tiêm 1-2 liều vắc xin ở người đã từng nhiễm bệnh sẽ kích hoạt tốt lượng tế bào lympho B (tăng gấp 10 lần) và kháng thể trung hoà (tăng gấp 50 lần). Vì vậy tiêm vắc xin sau khi đã khỏi bệnh COVID-19 giúp tăng cường khả năng miễn dịch, kéo dài hiệu lực kháng thể đồng thời còn bảo vệ không tái nhiễm bởi những biến thể khác của virus SARS-CoV-2.
Không hoàn toàn như bạn nghĩ: Đồng ý với bạn là không có vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ là 100% với nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ví dụ với vắc xin của AstraZeneca, các nghiên cứu pha 2/3 về hiệu lực bảo vệ của vắc xin, kháng thể trong nghiên cứu được đo trong 28 ngày sau khi nhận được 2 liều vắc xin bao gồm: nồng độ anti-spike IgG, nồng độ anti-RBD IgG (kháng thể có liên kết với vùng receptor-binding domain của protein S trên bề mặt của virus), cũng như mức độ kháng thể trung hòa chống lại pseudovirus và virus sống.
Trong khi xét nghiệm kit test nhanh kháng thể hay xét nghiệm ở lab bạn vừa đi làm dịch vụ hôm qua chỉ xét nghiệm kháng thể anti-spike IgG.
Đồng thời, bạn cần hiểu rằng:
- Phản ứng kháng thể chống lại SARS-CoV-2 chỉ đại diện cho một khía cạnh của phản ứng miễn dịch phức tạp và bao gồm cả miễn dịch bẩm sinh và hoạt động của tế bào lympho T đặc hiệu với virus.
Thiếu kháng thể không nhất thiết có nghĩa là bạn không được bảo vệ, vì phản ứng của tế bào B trí nhớ được tạo ra từ nhiễm virus hoặc tiêm chủng trước đó vẫn có thể tạo ra sự bảo vệ khi tái phơi nhiễm với virus.
Các dữ liệu hiện nay (tháng 9.2021) đều kết luận: chưa phải là lúc để có thể chắc chắn về mối tương quan của mức đáp ứng kháng thể (kể cả kháng thể trung hòa) với sinh miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục đánh giá dược động học của đáp ứng kháng thể tạo ra từ vắc xin với những dữ liệu có được từ những quần thể bệnh nhân đã hồi phục bệnh.
- Với sự ra đời của vắc xin, những người được tiêm chủng có kết quả dương tính với các xét nghiệm kháng thể chống lại các kháng nguyên có trong vắc xin (bao gồm kháng thể chống lại protein S, kháng thể có liên kết với vùng receptor-binding domain của protein S trên bề mặt của virus) nhưng có thể không tạo kháng thể đối với thành phần khác (ví dụ như nucleocapsid của virus).
Ngoài ra, phần lớn các xét nghiệm kháng thể cho mục đích thương mại hiện nay được thiết kế chỉ để phát hiện các kháng thể đối với kháng nguyên S của virus hoang dại (không phải dạng biến thể).
Do đó, về lý thuyết, nếu bạn nhiễm một biến thể khác hoặc tiêm vắc xin có mục tiêu nhắm vào kháng nguyên S của virus biến thể thì cơ thể bạn có thể tạo ra các kháng thể mà xét nghiệm không phát hiện được.
Không nhất thiết phải xét nghiệm kháng thể sau khi tiêm vắc xin COVID-19.
Mặc dù có thể có phản ứng chéo giữa kháng nguyên-kháng thể khác nhau nhưng hiện nay đối với các xét nghiệm hiện được FDA cho phép vẫn chưa xác định được liệu kháng nguyên được sử dụng trong xét nghiệm chỉ phát hiện các kháng thể chống lại kháng nguyên đặc hiệu đó hay có thể phát hiện thêm được kháng nguyên khác.
- Hiện nay các máy xét nghiệm kháng thể khác nhau của các công ty khác nhau chưa có tiêu chuẩn chung cho ngưỡng giá trị dương tính. Đã có một nghiên cứu đăng trên medRxiv tháng 3/2021 về đánh giá kháng thể IgG của protein S sau 21 ngày tiêm hai mũi vắc xin Pfizer với các máy xét nghiệm của: Roche, DiaSorin (DiaSorin TriS IgG và DiaSorin S1/2 IgG), Abbott II, và Serion.
Các ngưỡng cut-off của giá trị xét nghiệm kháng thể IgG của các máy xét nghiệm hiện nay đều đang dựa trên nồng độ kháng thể của bệnh nhân dương tính với COVID-19 sau 14-15 ngày (và quy đổi gián tiếp ước tính về khả năng trung hoà virus).
Kết quả cho thấy nồng độ kháng thể sau tiêm vắc xin rất khác nhau: máy của Abbott cho giá trị trung bình cao nhất và phạm vi dao động kết quả rộng nhất (khoảng cách hơn 8000 đơn vị giữa giá trị thấp nhất-cao nhất), kết quả từ máy của DiaSorin có cả kết quả âm tính. Và 10% kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính nhưng lại âm tính với đánh giá tương quan của khả năng trung hòa virus.
FDA và CDC Hoa Kỳ cho hay: Xét nghiệm Kháng thể không được khuyến hiện nay để đánh giá miễn dịch sau tiêm vắc xin COVID-19.
Mặc dù có thể có phản ứng chéo giữa kháng nguyên-kháng thể nhưng hiện nay đối với các xét nghiệm hiện được FDA cho phép vẫn chưa xác định được "liệu kháng nguyên được sử dụng trong xét nghiệm chỉ phát hiện các kháng thể chống lại kháng nguyên đặc hiệu đó hay có thể phát hiện thêm được kháng nguyên khác"
Ví dụ: vắc xin COVID-19 mRNA (Pfizer hay Moderna) được tạo ra kháng thể đối với protein S (spike) chứ không phải đối với protein N (nucleocapsid, có khả năng chỉ được phát hiện sau khi nhiễm bệnh tự nhiên). Do đó, những người được tiêm vắc xin nhưng chưa bị lây nhiễm tự nhiên trước đó sẽ nhận được kết quả xét nghiệm kháng thể âm tính.
GAVI (Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng): Cũng như các loại vắc xin khác, chẳng hạn như bệnh sởi hoặc bệnh bại liệt, vô số dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng và các chương trình tiêm chủng đang diễn ra trên thế giới cung cấp niềm tin rằng vắc xin COVID-19 bảo vệ bạn mà không cần xét nghiệm kháng thể.
Việc hiểu sai các xét nghiệm kháng thể COVID-19 trong máu có thể dẫn đến nhận thức sai lầm, khiến mọi người coi thường các biện pháp phòng ngừa đã được chứng minh, cũng như đưa ra kết luận sai lầm về hiệu quả của vắc xin có thể ảnh hưởng đến việc từ chối tiêm chủng của những người khác, cuối cùng làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh.