Tiêm chủng đúng thời điểm là cách tốt nhất để tạo hệ miễn dịch tối ưu cho trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tiêm chủng cũng được diễn ra theo lịch dự kiến, đôi khi tiêm chủng muộn cho trẻ xảy ra bởi một số nguyên nhân khác nhau như cha mẹ không nắm được lịch chính xác, quên lịch hoặc cố tính không cho trẻ tiêm chủng,... Và nó để lại rất nhiều hậu quả khác nhau cho sức khỏe của trẻ.
Một số hậu quả của tiêm chủng muộn cho trẻ mà cha mẹ cần biết:
Tiêm chủng muộn cho trẻ đồng nghĩa với trẻ không được tạo miễn dịch chủ động với các bệnh lý chưa được tiêm phòng. Khi các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus) tấn công vào cơ thể trẻ thì các yếu tố miễn dịch của trẻ là không đủ để có thể phòng chống việc những căn bệnh xuất hiện. Điều này khiến trẻ dễ bị bệnh hơn so với các trẻ được tiêm phòng theo đúng lịch hẹn đã đặt ra.
Hơn nữa, khi trẻ mắc bệnh cũng làm tăng khả năng trẻ phải được đưa đến bệnh viện để thăm khám, nơi mà mầm bệnh có thể tồn tại ở bất kỳ đâu. Điều này lại vô tình gây gia tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ và trở thành một vòng xoắn lặp đi, lặp lại.
Tiêm chủng muộn cho trẻ không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ do không được tạo miễn dịch mà nó còn làm gia tăng xác suất xảy ra các phản ứng nặng sau tiêm chủng ở trẻ. Những đứa trẻ tiêm chủng muộn dễ gặp những biểu hiện phản ứng nặng sau tiêm hơn những đứa trẻ được tiêm chủng đúng lịch, chẳng hạn như sốt cao hay co giật,...
Do đó, làm quá trình tiêm chủng trở nên rủi ro hơn, đe dọa nhiều đến sức khỏe và thậm chí có thể là tính mạng của trẻ.
Thời điểm trong lịch tiêm chủng của trẻ không phải là sản phẩm của một sự suy luận ngẫu nhiên hay một cảm hứng bất chợt. Mà nó là kết quả tổng hợp, phân tích đối với rất rất nhiều thử nghiệm và thống kê khác nhau trên cả động vật và người nhằm xác định thời gian phù hợp nhất để sử dụng vaccine.
Tiêm chủng muộn cho trẻ làm giảm hiệu quả miễn dịch của các loại vaccine khi sử dụng, vì thế trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn kể cả khi đã được tiêm phòng bù. Chẳng hạn với vaccine viêm gan B, trẻ cần được tiêm trong 24h đầu sau sinh, tiêm phòng sau ngày thứ 7 không có quá nhiều ý nghĩa dự phòng viêm gan B cho trẻ.
Tiêm chủng không chỉ nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe của bé, mà nó còn là vũ khí để chặn đứng sự lây lan các căn bệnh nguy hiểm trong cộng đồng.
Tiêm chủng muộn cho trẻ có thể khiến trẻ bị mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng,... Khi này những đứa trẻ được tiêm chủng muộn có thể trở thành một đối tượng nguồn bệnh và rất dễ dàng lây lan bệnh ra cộng đồng. Vì vậy, trẻ cần phải được đưa đến các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng theo đúng lịch hẹn không chỉ vì sức khỏe của trẻ mà còn là vì sức khỏe của cả cộng đồng.
Có thể thấy rằng, tiêm chủng muộn cho trẻ gây nên rất nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nhau cả đối với trẻ và với những người xung quanh. Do đó, cha mẹ cần tuân thủ đúng lịch tiêm chủng của trẻ theo các quy định đã được đặt ra để luôn giúp bé tránh xa các căn bệnh nguy hiểm dễ lây lan.