Thuỷ đậu và chốc: Tìm điểm giống và khác nhau để phân biệt, điều trị bệnh đúng cách

Thuỷ đậu và chốc: Tìm điểm giống và khác nhau để phân biệt, điều trị bệnh đúng cách
Thuỷ đậu và chốc là hai loại bệnh ngoài da thường gặp ở mọi thời điểm. Thuỷ đậu và chốc có những dấu hiệu tương tự rất dễ nhầm lẫn như nổi mụn nước, phỏng rộp, chứa dịch mủ và bong tróc vảy vùng da bị tổn thương.

Bệnh thuỷ đậu và chốc đều gây ngứa ngáy, kho chịu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Mặc dù có những dấu hiệu tương tự rất dễ gây nhầm lẫn, nhưng cả thủy đậu và chốc đều có những triệu chứng đặc trưng riêng.

Dưới đây là cách phân biệt hai loại bệnh thông qua dấu hiệu đặc trưng để điều trị đúng.

Để phân biệt thuỷ đậu và chốc chúng ta cần tìm hiểu điểm giống và khác nhau giữa hai loại bệnh. Nguyên nhân gây bệnh và các dấu hiệu đặc trưng của từng loại. Thông qua đó đưa ra chẩn đoán, phương pháp điều trị cũng như cách phòng tránh hiệu quả nhất.

1. Điểm giống nhau giữa thủy đậu và chốc

Trước hết, cả thủy đậu và chốc đều là bệnh lý rất dễ lây lan ở trẻ nhỏ. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cả hai loại bệnh này đều gây ra vô số bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh.

Bất cứ ai cũng có thể bị thủy đậu và chốc, nhưng đối tượng dễ mắc bệnh nhất lại là trẻ em có sức đề kháng yếu. Đặc trưng của cả hai bệnh là các nốt mụn mủ, bọng nước chứa dịch bên trong.

Bên cạnh đó, khi bị virus thủy đậu tấn công, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn. Bệnh nhân bị vi khuẩn chốc tấn công cũng có những dấu hiệu tương tự.

Thuỷ đậu và chốc: Phân biệt để điều trị đúng cách - Ảnh 1.

Điểm giống nhau giữa thủy đậu và chốc không phải ai cũng biết - Ảnh: Internet

Một điểm chung khác là khi mới xuất hiện, các nốt ban của thủy đậu và chốc đều có kích thước nhỏ. Sau đó lớn dần lên, phát triển thành các bọng nước. Các mụn nước đều vỡ ra, đóng vảy và bong tróc trước khi khỏi bệnh.

Cả hai loại bệnh thủy đậu và chốc đều có khả năng lây lan khi tiếp xúc với vùng da bị tổn thương, dịch tiết của bọng nước hoặc sử dụng chung đồ đạc cá nhân với người bệnh. Đây là nguồn lây bệnh chính có thể dẫn đến những tình huống khó kiểm soát của bệnh thủy đậu và chốc.

2. Thủy đậu và chốc khác nhau như thế nào?

Mặc dù có các dấu hiệu tương tự, nhưng nguyên nhân gây bệnh thủy đậu và chốc lại hoàn toàn khác biệt. Bên cạnh đó giữa hai loại bệnh cũng có những dấu hiệu rất đặc trưng, chúng ta có thể dựa vào đó để phân biệt.

2.1. Khác nhau về nguyên nhân, đối tượng và dấu hiệu bệnh

Nguyên nhân gây bệnh:

+ Bệnh thủy đậu là do Varicella virus gây ra. Bệnh thường xuất hiện phổ biến vào mùa đông và đầu xuân. Virus phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết lạnh và có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thủy đậu vào hai mùa này.

+ Nguyên nhân gây bệnh chốc là do vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus tấn công cơ thể. Bên cạnh đó, liên cầu nhóm A streptococcus cũng là tác nhân gây bệnh phổ biến. Vi khuẩn chốc thường phát triển mạnh vào các mùa hè và mùa thu. Thời điểm nóng nực nhất trong năm, có thời tiết nóng ẩm mưa nhiều.

- Đối tượng mắc bệnh:

Bất cứ ai cũng có thể bị thủy đậu và chốc. Tuy nhiên đối tượng dễ mắc bệnh thủy đậu là trẻ em dưới 13 tuổi. Còn đối tượng tấn công chủ yếu của vi khuẩn chốc là trẻ em từ 2 - 5 tuổi.

Thuỷ đậu và chốc: Phân biệt để điều trị đúng cách - Ảnh 2.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh chốc - Ảnh: Internet

- Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh thủy đậu và chốc khác nhau

+ Dấu hiệu đặc trưng của thủy đậu là các nốt mụn nước chứa dịch trong suốt, có kích thước từ 1 - 3mm. Thông thường khi bị thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện từ 250 - 500 nốt ban đậu.

Các nốt ban đậu xuất hiện đầu tiên ở đầu, mặt, ngực, lưng sau đó lan ra toàn thân. Từ 7 - 10 ngày sau khi phát bệnh các nốt ban sẽ tự vỡ ra, khô lại, bong vảy dần và hồi phục.

Trong thời kỳ này việc vệ sinh các nốt ban đậu cần được thực hiện cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. Bên cạnh đó người bệnh cần được bôi dung dịch xanh, sát khuẩn để trị sẹo thâm sau khi khỏi bệnh.

+ Dấu hiệu đặc trưng của chốc là các nốt mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong. Các vị trí thường gặp chốc lở là vùng da hở như mặt, quanh miệng, cánh tay và chân.

Nhiễm trùng da có thể bắt đầu từ những vết cắt nhỏ, vết côn trùng đốt, hoặc phát ban như ở bệnh chàm. Một tổn thương da nhỏ cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn chốc tấn công và lan ra vùng da lành.

Ở giai đoạn khởi phát bệnh chốc thường rát đỏ, xung huyết, có đường kính từ 0,5 - 1 cm. Các phỏng nước nổi phát triển trên dát đỏ và nhanh chóng bị vỡ sau 1 - 3 ngày xuất hiện. Phỏng nước sau khi vỡ đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc nâu nhạt như mật ong. Khi cạy vảy bên dưới là các vết trợt nâu đỏ, ẩm ướt.

Một số trường hợp chốc không có bọng nước, vết chốc sẽ không khô lại thành vảy mà tiến triển thành vết loét. Vết loét bị hoại tử lõm ở giữa, rất lâu lành và để lại sẹo sau khi khỏi bệnh.

Thuỷ đậu và chốc: Phân biệt để điều trị đúng cách - Ảnh 3.

Điểm khác biệt giữa thủy đậu và chốc - Ảnh: Internet

2.2. Các biến chứng của thủy đậu và chốc

Cả thủy đậu và chốc đều là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

- Bệnh thủy đậu có thể gây ra một số biến chứng trong giai đoạn toàn phát như: Các biến chứng thần kinh, viêm màng não, viêm não. Các biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết và biến chứng viêm phổi nặng đe dọa tính mạng của người bệnh.

- Trong khi đó, bệnh chốc có thể gây ra các biến chứng như viêm mô bào, viêm quầng, hồng ban đa dạng. Hộ chứng bong vảy da do tụ cầu. Mề đay, sốt tinh hồng nhiệt, vảy nến thể giọt. Đặc biệt là nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.

2.3. Khác nhau trong phương pháp điều trị bệnh thủy đậu và chốc

Bệnh thủy đậu và chốc đều cần phải có phương pháp điều trị đúng mới mang lại hiệu quả và tránh các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị bệnh thủy đậu

Điều quan trọng nhất khi điều trị bệnh thủy đậu bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho cơ thể người bệnh và môi trường sống. Bệnh nhân thủy đậu cần được cách ly ở nơi sạch sẽ, thông thoáng, tránh gió mạnh. Đồng thời phải có chế độ dinh dưỡng, kiêng khem khoa học.

Nếu bệnh ở thể nhẹ cần bôi dung dịch xanh methylen theo chỉ định để kháng khuẩn, hạn chế nguy cơ để lại sẹo. Trong trường hợp bệnh ở thể nặng cần được điều trị bằng thuốc đặc hiệu diệt virus theo chỉ định của bác sĩ.

Với trường hợp bị sốt có thể uống thuốc hạ sốt thông thường theo chỉ định. Đồng thời có thể bôi thuốc kháng histamine có tác dụng giảm ngứa, an thần cho người bệnh.

Trong quá trình điều trị cần cho người bệnh mặc quần áo sạch sẽ, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Vệ sinh da hàng ngày bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng.

Thuỷ đậu và chốc: Phân biệt để điều trị đúng cách - Ảnh 4.

Điều trị bệnh thủy đậu bằng dung dịch xanh - Ảnh: Internet

Điều trị bệnh chốc

Bạn hoàn toàn có thể điều trị bệnh chốc chỉ với 3 bước đơn giản như sau.

Bước 1: Vệ sinh vùng da bị thương tổn, nhẹ nhàng loại bỏ vảy tiết bằng cách nhúng ướt vùng da bệnh bằng nước ấm. Sau đó lau nhẹ nhàng bằng khăn mềm, sạch để loại bỏ vảy.

Bước 2: Sử dụng dung dịch sát khuẩn hoặc thuốc mỡ kháng sinh để bôi tại chỗ. Một số dung dịch sát khuẩn được khuyến cáo sử dụng như dizigone, povidone iodine, hydrogen peroxide, chlorhexidine…Bôi thuốc mỡ kháng sinh acid fusidic, mupirocin… theo chỉ định của bác sĩ.

Bước 3: Che phủ vùng da bị tổn thương để tránh chốc lây lan sang khu vực da lành. Sử dụng băng, gạc bịt kín vết chốc. Thay băng, gạc ngày 2 lần để đảm bảo vệ sinh.

Sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng viêm cầu thận cấp có thể xảy ra.

2.4. Cách phòng tránh bệnh thủy đậu và chốc

- Cách phòng tránh thủy đậu tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó cần hạn chế tiếp xúc với người khác, không xuất hiện ở chỗ đông người vào mùa dịch. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng nước sát khuẩn thường xuyên. Tuyệt đối không tiếp xúc gần hoặc sử dụng chung đồ đạc với người bệnh.

- Để phòng tránh chốc bạn cần tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Không sử dụng chung chậu rửa mặt, khăn mặt, quần áo, đồ dùng cá nhân với người bệnh. Giữ khăn mặt, khăn tắm của người bệnh cách ly hẳn với khăn tắm của các thành viên khác trong gia đình. Giặt quần áo, khăn mặt bằng nước nóng và phơi dưới ánh nắng mặt trời trước khi sử dụng.

Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không sờ vào vùng da bị chốc. Không cho trẻ mút ngón tay hoặc ngoáy mũi để tránh vết chốc lây lan đến mũi, miệng. Tiến hành cách ly trẻ bị bệnh cho đến khi khỏi hoàn toàn.


Tác giả: HT