Thường xuyên bị ốm vặt, bị bệnh nhiều lần trong tháng do đâu?

Thường xuyên bị ốm vặt, bị bệnh nhiều lần trong tháng do đâu?
Bị bệnh, bị ốm có thể là bị mệt mỏi, bị chóng mặt, sổ mũi, bị cảm lạnh hay bị cảm cúm, bị buồn nôn, đau nhức cơ thể,... nói chung là những cảm giác khiến cơ thể cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt.

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến một người thường xuyên bị ốm, bị bệnh; lặp đi lặp lại nhiều lần trong vài tuần hoặc vài tháng. Nắm rõ các nguyên nhân gây ra tình trạng này sẽ giúp bạn có các biện pháp phòng bệnh và cải thiện sức khỏe hiệu quả.

1. Bị bệnh do căng thẳng quá mức

Căng thẳng là phản ứng của cơ thể trước áp lực; phản ứng này của cơ thể có thể là phản ứng về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc. Căng thẳng là một phần tự nhiên của cuộc sống mà thậm chí là có thể có lợi khi căng thẳng ở mức độ thấp. Nhưng căng thẳng mãn tính có thể gây hại cho cơ thể theo nhiều cách. Trong đó, căng thẳng mãn tính có thể khiến một người dễ bị ốm hoặc bị bệnh hơn do giảm phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Khi phản ứng miễn dịch giảm có thể ảnh hưởng tới quá trình chữa lành tổn thương tế bào, tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có.

Thường xuyên bị ốm vặt, bị bệnh nhiều lần trong tháng do đâu? - Ảnh 2.

Căng thẳng mãn tính có thể gây hại cho cơ thể theo nhiều cách (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

Ảnh hưởng của căng thẳng từ não tới dạ dày

13 điều nên và không nên làm khi gia đình có người bị ốm

Nói cách khác, cơ thể giải phóng một loại hormone gọi là cortisol khi bị căng thẳng, nếu cortisol thường xuyên ở mức cao sẽ tăng tình trạng viêm của cơ thể, giảm tế bào miễn dịch, từ đó khiến bạn dễ dàng bị ốm và bị ốm thường xuyên do cơ thể không có đủ tế bào lympho để chống lại bệnh tật.

Để quản lý căng thẳng tốt, bạn có thể thực hành các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng như: Nghỉ ngơi điều độ, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử khi không cần thiết, có các hoạt động thư giãn sau khi căng thẳng như đọc sách hoặc nghe nhạc, tập thể dục thường xuyên,...

2. Bị ốm do chế độ ăn kiêng kém lành mạnh

Khi không có chế độ ăn uống cân bằng, cơ thể sẽ gặp khó khăn để duy trì các hoạt động bình thường. Một chế độ ăn kiêng thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu hoặc nhiều đường, nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch theo nhiều cách. Điều này dễ dàng dẫn tới việc bị ốm thường xuyên hơn.

Với mỗi nhóm tuổi khác nhau, nhu cầu về dinh dưỡng sẽ có sự khác biệt nhưng, nhìn chung ở mọi lứa tuổi thì chế độ dinh dưỡng toàn diện đều cần đáp ứng:

- Nhiều loại trái cây và rau củ tươi mỗi ngày.

- Lựa chọn các protein lành mạnh như protein nạc kết hợp với protein thực vật vào chế độ ăn, chẳng hạn như đậu phụ, các loại đậu và các loại hạt.

- Ăn hải sản và cá béo chẳng hạn như cá hồi, hàu,... để bổ sung axit béo omega-3 tốt cho hệ miễn dịch.

- Hạn chế tiêu thụ đường bổ sung, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm siêu chế biến thay bằng ngũ cốc nguyên hạt.

- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và thực phẩm có chứa các vi khuẩn có lợi (probiotic).

Thường xuyên bị ốm vặt, bị bệnh nhiều lần trong tháng do đâu? - Ảnh 3.

Thường xuyên bị ốm vặt, bị bệnh nhiều lần trong tháng do đâu? Ảnh: ST

3. Thiếu hụt vitamin D

Theo một nghiên cứu năm 2021 trên NCBI, thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh như các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi và COVID-19. Chế độ ăn cung cấp vitamin D được khuyến nghị cho người lớn (RDA) là 600 IU/ngày. Và con số này có thể lên tới 800 IU/ngày đối với người trên 70 tuổi.

Dấu hiệu thiếu vitamin D có thể bao gồm: Thường xuyên bị ốm hoặc bị bệnh, mệt mỏi, đau xương và đau lưng, trầm cảm, chậm lành vết thương, mất xương, đau cơ,...

Để bổ sung vitamin D, bạn cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D vào chế độ ăn hàng ngày như cá béo, lòng đỏ trứng và nấm; uống thực phẩm bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ khi cần thiết;...

4. Bị bệnh do thiếu ngủ

Những người không ngủ đủ giấc mỗi đêm có nhiều nguy cơ bị bệnh nhiều hơn do thiếu ngủ đã được chứng minh làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng và virus tự nhiên của cơ thể.

Theo Healthline, ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có liên quan tới tuổi thọ ngắn hơn, tăng nguy cơ nhiễm virus, giảm phản ứng kháng thể với vaccine đồng thời nếu thiếu ngủ trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng béo phì, bệnh tim, các biến cố tim mạch và bệnh tiểu đường.

Thường xuyên bị ốm vặt, bị bệnh nhiều lần trong tháng do đâu? - Ảnh 4.

Những người không ngủ đủ giấc mỗi đêm có nhiều nguy cơ bị bệnh nhiều hơn (Ảnh: ST)

Theo CDC, người trưởng thành nên ngủ từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm và con số này có thể lên tới 10 tiếng mỗi ngày ở trẻ em và thanh thiếu niên.

5. Bị ốm do vệ sinh cá nhân kém

Kém vệ sinh cá nhân, chẳng hạn như không thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi cần thiết làm tăng nguy cơ đưa vi khuẩn, virus vào cơ thể thông qua việc đưa tay chạm vào mắt, môi, miệng hoặc thức ăn.

CDC khuyến cáo, mọi người nên rửa tay bằng nước và xà phòng ít nhất 20 giây để tránh được các vi khuẩn gây bệnh; nếu không có nước sạch và xà phòng, bạn có thể sử dụng các chất khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn.

CDC cũng nhấn mạnh rằng, việc rửa tay là cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật, bạn nên rửa tay trong những tình huống sau: Trước và sau khi chế biến thực phẩm; trước khi ăn; trước và sau khi chăm sóc người bệnh; trước và sau khi chạm vào vết thương hở; sau khi sử dụng nhà vệ sinh hay nhà tắm; sau khi ho, hắt hơi và xì mũi; sau khi chạm vào vật nuôi và xử lý chất thải/thức ăn của vật nuôi; sau khi xử lý rác thải;...

6. Bị bệnh do thiếu hụt miễn dịch

Các cơ quan miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể, bao gồm mạng lưới tế bào, mô và cơ quan phức tạp kết hợp với nhau để bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân xấu. Rối loạn hệ miễn dịch xảy ra khi hệ miễn dịch của một người không thể sử dụng kháng thể để chống lại kháng nguyên bao gồm vi khuẩn, chất độc hại, tế bào ung thư, virus, nấm, chất gây dị ứng,...

Thường xuyên bị ốm vặt, bị bệnh nhiều lần trong tháng do đâu? - Ảnh 5.

Rối loạn hệ miễn dịch xảy ra khi hệ miễn dịch của một người không thể sử dụng kháng thể để chống lại kháng nguyên (Ảnh: ST)

Suy giảm miễn dịch có thể xảy ra do mất cân bằng dinh dưỡng, hút thuốc lá, thiếu ngủ, bị béo phì, mắc phải các hội chứng gây suy giảm miễn dịch như tiểu đường, suy thận, viêm gan, bệnh bạch cầu, ung thư,...

7. Di truyền học

Di truyền có thể quyết định khả năng miễn dịch bẩm sinh của một người. Khả năng miễn dịch bẩm sinh yếu làm suy yếu khả năng miễn dịch chủ động và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Trong đó, số lượng tế bào máu bạch cầu (chỉ số WBC) thấp cũng có thể khiến một người thường xuyên bị ốm hơn. Tình trạng này được gọi là giảm bạch cầu có liên quan tới di truyền hoặc bệnh tật gây ra. Số lượng WBC thấp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng của bạn.

8. Béo phì

Theo Health, béo phì có thể đóng vai trò nhất định khiến hệ miễn dịch suy yếu, theo đó béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh như bệnh tim, huyết áp cao, động mạch vành,.. đây là những tình trạng sức khỏe tiềm ẩn làm suy yếu hệ miễn dịch.

Thường xuyên bị ốm vặt, bị bệnh nhiều lần trong tháng do đâu? - Ảnh 6.

Béo phì có thể đóng vai trò nhất định khiến hệ miễn dịch suy yếu (Ảnh: ST)

Béo phì làm tăng mức độ viêm và cytokine. Cytokine là protein giúp chống lại nhiễm trùng. Một khi cytokine dư thừa có thể gây hại vì chúng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

9. Môi trường

Các yếu tố môi trường, chẳng hạn như chất ô nhiễm và độc tố, có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch theo thời gian, ngay cả trong thời thơ ấu.

Ô nhiễm không khí có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch phản ứng không cần thiết, chẳng hạn như trong bệnh hen suyễn. Môi trường sống có thể can thiệp vào phản ứng miễn dịch, như được thấy trong tình trạng rối loạn điều hòa phản ứng chống virus.

Ngoài các yếu tố có thể khiến một người thường xuyên bị ốm kể trên thì tuổi tác, thói quen kém lành mạnh (hút thuốc lá, nghiện rượu, thức khuya thường xuyên), yếu tố phơi nhiễm, bị bệnh theo mùa,... cũng có thể ảnh hưởng tới tần suất bị ốm.

Mặc dù không thể tăng cường hoàn toàn khả năng miễn dịch của cơ thể nhưng một số thay đổi lành mạnh có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh tật, chẳng hạn như:

- Ăn uống lành mạnh và cân bằng: Các chất dinh dưỡng từ trái cây và rau quả, như kẽm, sắt, vitamin C và axit béo omega-3, rất cần thiết cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất cải thiện lưu thông máu, giúp sản xuất kháng thể. Tập thể dục cũng làm giảm căng thẳng hiệu quả.

Thường xuyên bị ốm vặt, bị bệnh nhiều lần trong tháng do đâu? - Ảnh 7.

Một số thay đổi lành mạnh có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh tật (Ảnh: ST)

- Ngủ đủ giấc: Cơ thể giải phóng cytokine khi ngủ. Thiếu ngủ có thể làm giảm nồng độ cytokine, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đảm bảo ngủ đủ giấc từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm với người trưởng thành khỏe mạnh.

- Hạn chế lượng rượu tiêu thụ: Lượng rượu tiêu thụ ở mức vừa phải là một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới.

- Quản lý cân nặng: Duy trì cân nặng cơ thể khỏe mạnh có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh tim, làm suy yếu khả năng miễn dịch.

- Quản lý căng thẳng: Hãy thử các hoạt động giảm căng thẳng để giảm mức cortisol. Hít thở sâu, thiền và nghe nhạc nhẹ có thể giúp kiểm soát căng thẳng hiệu quả.

- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng về hô hấp nếu bị bệnh.

Nguồn dịch tham khảo:

1. Why Do I Keep Getting Sick?

2. Why Do I Get Sick So Often?


Tác giả: Allen