Bẻ khớp cổ là một thói quen phổ biến, đặc biệt, mọi người thường cảm thấy dễ chịu hơn khi bẻ cổ và phát ra tiếng kêu răng rắc. Tiếng kêu răng rắc này là gì? Khi bạn bẻ cổ hoặc bất kỳ khớp nào trong cơ thể, các bao khớp quanh khớp sẽ được kéo căng. Các bao khớp này chứa chất lỏng và việc kéo căng chúng cho phép chất lỏng tạo ít áp lực hơn lên khớp. Khi áp suất giảm, chất lỏng trong khớp sẽ chuyển thành khí. Khi chất lỏng trở thành khí, nó sẽ tạo ra tiếng kêu rắc rắc.
Tuy nhiên, rất nhiều người băn khoăn rằng liệu bẻ cổ kêu răng rắc có hại không? Bẻ cổ như thế nào để giảm đau mỏi cổ?
Bẻ cổ có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách giải phóng áp lực trong khớp. Tuy nhiên, tiếng kêu răng rắc khi bạn bẻ cổ không phải lúc nào cũng khiến cơn đau của bạn thuyên giảm. Tiêng kêu này được coi như "hiệu ứng giả dược" khiến mọi người cảm thấy tốt hơn về mặt tinh thần và họ cảm thấy rằng phương pháp điều trị này có hiệu quả.
Ngoài ra, bẻ cổ cũng giải phóng endorphin vào máu. Endorphin được tuyến yên sản xuất và được cơ thể bạn giải phóng để giúp kiểm soát cơn đau. Khi bạn bẻ cổ, endorphin được giải phóng. Điều này mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn và vui vẻ.
Bẻ cổ cũng giúp giảm độ cứng và cải thiện tạm thời phạm vi chuyển động của cổ nên cũng giúp mọi người cảm thấy dễ chịu hơn.
Đọc thêm:
+ Bẻ lưng khi mỏi có an toàn không? 8 ưu và nhược điểm của thói quen này
+ 4 cơn đau "lạ" ở vai cho thấy tế bào ung thư gan đang "càn quét" cơ thể, cần khám sớm
Bẻ khớp cổ có hại không? Câu trả lời là có thể CÓ HẠI. Bẻ cổ có thể gây hại nếu bạn không thực hiện đúng cách hoặc thực hiện quá thường xuyên. Việc bẻ cổ có thể gây khó chịu tạm thời và gây ra các tác dụng phụ thường hết trong vòng 24 giờ, chẳng hạn như đau đầu, khó chịu hoặc đau tăng lên và cứng khớp.
Tuy nhiên, cổ của bạn chứa nhiều cấu trúc, bao gồm cơ, dây chằng, dây thần kinh và mạch máu. Khi bẻ cổ quá mạnh và liên tục có thể làm tổn thương các bộ phận này và gây ra một số vấn đề nghiêm trọng như:
- Chèn ép dây thần kinh: Việc cử động cổ quá mạnh có thể chèn ép dây thần kinh gây đau, cảm giác ngứa ran và tê dọc cánh tay.
- Co thắt cơ: Các cơ hỗ trợ và di chuyển cổ của bạn có thể co thắt, gây đau, cứng và thắt nút cơ .
- Các khớp xương di chuyển vượt ra ngoài phạm vi bình thường: Việc bẻ cổ quá thường xuyên như nhiều lần một tuần, có thể làm căng các dây chằng hỗ trợ cổ và từ đó gây ra tình trạng các khớp xương di chuyển vượt ra ngoài phạm vi bình thường. Điều này có thể dẫn đến đau cổ. Những người gặp tình trạng này có thể cảm thấy cần phải bẻ cổ nhiều hơn, điều này có thể khiến tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn.
- Đột quỵ: Cổ là nơi tập trung nhiều mạch máu quan trọng. Trong một số trường hợp, bẻ cổ quá mạnh hoặc quá thường xuyên có thể làm thủng một trong những mạch máu này. Hơn nữa, bẻ cổ cũng có thể gây ra tình trạng đông máu và dẫn tới đột quỵ.
Bạn có thể bẻ cổ tại nhà nhưng trước khi thực hiện nên lưu ý:
+ Không bẻ cổ quá mạnh hoặc nắn vặn cổ như các chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn
+ Các trường hợp như ung thư cột sống, loãng xương, bệnh động mạch đốt sống, rối loạn đông máu, bệnh vẹo cột sống, các bệnh viêm khớp như viêm khớp dạng thấp không nên bẻ cổ.
Dưới đây là một số cách bẻ cổ an toàn và đơn giản mà bạn có thể thực hiện:
+ Ngồi thẳng trên ghế với vai hướng về phía sau.
+ Đặt tay phải lên lưng dưới với lòng bàn tay hướng ra ngoài. Đặt tay trái lên đầu, các ngón tay hướng về phía tai phải.
+ Nhẹ nhàng kéo cổ sang trái, di chuyển tai trái về phía vai trái. Giữ trong 10 đến 15 giây. Bạn sẽ cảm thấy căng dọc theo bên phải cổ và cũng có thể nghe thấy tiếng kêu nhẹ.
Lưu ý, đừng kéo cổ xuống hoặc kéo căng khi bị đau. Đây là động tác kéo giãn chậm và bạn nên dừng lại trước khi thấy đau.
+ Đổi bên và làm tương tự
+ Lặp lại 3 đến 5 lần cho mỗi bên.
+ Cuộn một chiếc khăn phía đằng sau gáy và để hai đầu khăn ở phía trước, tay cầm chặt 2 đầu khăn.
+ Ngồi thẳng lưng và đưa vai về phía sau.
+ Cúi cằm về phía trước rồi ngửa cổ ra sau như thể bạn đang nhìn lên trần nhà. Khi ngửa cổ rau sau, tay bạn vẫn giữ chặt khăn như vậy để cổ có thể cử động nhiều hơn và có chỗ dựa.
+ Đưa cổ trở lại vị trí bắt đầu một cách từ từ.
+ Lặp lại 10 lần.
Con lăn xốp có nhiều lợi ích, bao gồm hỗ trợ các điểm kích hoạt hoặc co thắt cơ. Bạn cũng có thể sử dụng con lăn xốp để giúp xoa bóp nhẹ nhàng cổ.
+ Nằm ngửa, đầu gối cong và bàn chân đặt thẳng trên sàn.
+ Đặt một con lăn xốp phía sau đầu sao cho nó nằm ở phần vòm cổ.
+ Từ từ quay đầu sang bên trái và quay lại vị trí ban đầu, tiếp tục quay sang bên phải và quay lại vị trí ban đầu.
+ Lặp lại 10 đến 15 lần cho mỗi bên.
Nếu bạn bẻ cổ quá mạnh và cảm thấy đau, bạn có thể thử một số biện pháp giảm đau tại nhà như:
- Chườm đá: Chườm đá trong tối đa 20 phút nhiều lần mỗi ngày. Đặt một miếng vải giữa đá và da để tránh bị bỏng lạnh.
- Duy trì chuyển động: Nhẹ nhàng di chuyển cổ theo phạm vi chuyển động không gây đau.
- Duỗi cổ: Bạn có thể duỗi cổ và mỗi lần kéo giãn trong 10 giây và lặp lại nhiều lần trong ngày. Lưu ý, không kéo giãn đến mức đau đớn vì điều này có thể làm chấn thương của bạn nặng hơn.
- Thử dùng thuốc không kê đơn: Thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như Aleve (naproxen), Motrin/Advil (ibuprofen) và Bayer (aspirin), cũng như Tylenol (acetaminophen), có thể giúp giảm đau cổ sau khi bẻ cổ quá mạnh.
Nếu cơn đau cổ không thuyên giảm, đặc biệt khi đau cổ kèm theo các triệu chứng sau, bạn nên đến bệnh viện thăm khám ngay:
- Sưng bất thường ở cổ, vì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng tích tụ dịch, chấn thương hoặc nhiễm trùng
- Đau hoặc tê lan xuống cánh tay
- Yếu ở cánh tay hoặc bàn tay
- Đau liên tục và dai dẳng
- Đau cổ kèm theo đau đầu dữ dội
Trên đây là những giải đáp cho vấn đề: "Bẻ cổ kêu răng rắc có hại không?". Nhìn chung, bẻ cổ nhẹ nhàng và không liên tục có thể giúp giãn cơ và tạo cảm giác thoải mái. Nhưng bạn nên tránh bẻ cổ quá mạnh và bẻ cổ mỗi ngày.
Ngoài phương pháp bẻ cổ, bạn có thể thử một số cách giảm đau mỏi cổ khác vừa an toàn lại hiệu quả như chườm ấm hoặc chườm đá, mát-xa nhẹ nhàng, giảm căng thẳng và tránh sử dụng gối quá cao.
Nguồn tham khảo:
1. Is Cracking Your Neck Bad for You?
2. Is Cracking Your Neck Bad for You?