Thuốc uống bổ sung Kali: khi nào cần uống và nguyên tắc sử dụng

Thuốc uống bổ sung Kali: khi nào cần uống và nguyên tắc sử dụng
Kali là khoáng chất cần thiết để duy trì sức khỏe tốt. Mặc dù chế độ ăn uống cân bằng có thể cung cấp đủ Kali cho cơ thể, nhưng trong một số trường hợp, mọi người có thể cần dùng đến thuốc uống bổ sung kali.

1. Đối tượng nào cần thuốc uống bổ sung kali?

Thiếu Kali thường phổ biến ở những đối tượng:

- Sử dụng một số loại thuốc làm thất thoát Kali, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu.

- Làm công việc đòi hỏi thể chất, làm việc ở nơi nắng nóng, đổ mồ hôi nhiều.

- Vận động viên tập luyện cường độ cao, đổ mồ hôi quá mức.

- Mắc một số tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến sự hấp thụ tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn.

- Bị rối loạn ăn uống, khiến chế độ ăn mất cân bằng, không cung cấp đủ kali và các dưỡng chất cho cơ thể.

- Bị nôn ói hoặc tiêu chảy nghiêm trọng.

- Người thường xuyên hút thuốc là và uống rượu, làm ức chế khả năng hấp thụ Kali của cơ thể.

2. Lưu ý trước khi sử dụng

- Hãy nói với bác sĩ nếu bạn có tiền sử dị ứng với các loại thuốc, dị ứng thực phẩm, chất bảo quản,...

- Người cao tuổi có thể có nguy cơ cao bị tăng kali máu nên cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc uống bổ sung kali.

- Một số loại thuốc không nên được sử dụng cùng nhau. Hãy hỏi bác sĩ về những loại thuốc bạn nên tránh khi đang sử dụng thuốc uống bổ sung kali.

- Khi uống bổ sung Kali có thể làm cho một số bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn (ví dụ bệnh tim, loét dạ dày, bệnh thận,...). Do đó, bạn cần nói với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề y tế nào khác.

3. Nguyên tắc uống thuốc bổ sung Kali

- Chỉ bổ sung kali khi có chỉ định của bác sĩ.

- Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng đúng thuốc, đúng liều và đúng thời điểm. Nếu bạn bỏ lỡ một liều thuốc uống bổ sung kali, hãy uống nó càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và quay lại lịch dùng thuốc bình thường. Đừng tăng gấp đôi liều.

- Khi sử dụng thuốc uống bổ sung Kali cần pha loãng hoặc uống cùng nhiều nước lọc để giảm tác dụng kích thích dạ dày. Không ngậm hoặc nhai thuốc.

- Sử dụng thuốc uống bổ sung kali ngay sau bữa ăn, hoặc trong khi ăn để giảm kích ứng dạ dày.

- Nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt viên thuốc, hoặc thuốc dính vào cổ họng cần kiểm tra ngay với bác sĩ. Bởi khi Kali không được giải phóng đúng cách, nó có thể gây kích ứng dẫn đến loét.

- Tuân theo sự giám sát của bác sĩ, khám theo lịch hẹn để kiểm tra tính hiệu quả của thuốc và tránh được các tác dụng phụ có thể xảy ra.

4. Tác dụng phụ

Dù là khoáng chất không thể thiếu với cơ thể, nhưng thuốc uống bổ sung canxi cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Ngừng ngay thuốc uống bổ sung kali và đi thăm khám nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào sau đây xảy ra:

4.1. Tác dụng phụ phổ biến

Đây là những tác dụng phụ có thể xảy ra mà thường không cần sự chăm sóc y tế. Những tác dụng phụ này có thể tự biến mất, khi cơ thể bạn "quen thuốc" và điều chỉnh thuốc. Nếu bạn thấy khó chịu với các tác dụng phụ của thuốc uống bổ sung kali, các bác sĩ có thể cho bạn biết về cách ngăn ngừa hoặc giảm thiểu triệu chứng.

- Tiêu chảy.

- Buồn nôn.

- Nôn.

- Kích ứng nhẹ và khó chịu ở dạ dày, thường bị xì hơi.

4.2. Tác dụng phụ ít phổ biến

- Rối loạn nhịp tim.

- Tê hoặc ngứa ran ở tay, chân hoặc môi.

- Khó thở.

- Bồn chồn, lo lắng, hoang mang.

- Mệt mỏi bất thường.

- Yếu chân, có cảm giác nặng chân.

4.3. Tác dụng phụ hiếm gặp:

Đây là những triệu chứng khá nguy hiểm. Bạn cần liên hệ ngay bác sĩ khi gặp các tác dụng phụ sau:

- Đau bụng hoặc đau dạ dày

- Chuột rút hoặc đau nhức cơ.

- Đau ngực hoặc cổ họng, đặc biệt là khi nuốt.

- Có dấu hiệu đi đại tiện ra máu (phân màu đỏ hoặc đen).

Tiêu thụ quá ít hay quá nhiều Kali đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do vậy, mọi người cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng thuốc uống bổ sung canxi. Nếu bạn nghi ngờ cơ thể thiếu Kali, tốt nhất hãy gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn chính xác nhất.

Nguồn dịch: https://www.drugs.com/cons/potassium-supplement-oral-parenteral.html


Tác giả: Mai Nhung