Thuốc kháng Histamin chữa viêm xoang và những điều cần biết

Thuốc kháng Histamin chữa viêm xoang và những điều cần biết
Có nhiều nhóm thuốc khác nhau được sử dụng trong điều trị viêm xoang, trong đó thuốc kháng histamin là nhóm thuốc rất hay được sử dụng trên thực tế. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng thuốc kháng histamin chữa viêm xoang vì thuốc có thể gây nên một số tác dụng phụ như ức chế thần kinh trung ương, khô miệng, khô họng, bí đái,...

1. Thuốc kháng histamin chữa viêm xoang như thế nào?

Histamin là một chất hóa học có tác dụng tham gia vào nhiều phản ứng khác nhau trong cơ thể, đặc biệt là trong quá trình viêm và các quá trình dị ứng miễn dịch. Vì vậy, ức chế tác dụng của histamin là cách hiệu quả để giảm nhẹ nhanh chóng và hiệu quả một số các triệu chứng của bệnh viêm xoang.

Thuốc kháng histamin, là những thuốc có tác dụng lên thụ thể của histamin làm cho histamin không gắn được vào thụ thể nên nó không thể gây các triệu chứng bệnh lý cho cơ thể. Có nhiều nhóm thuốc kháng histamin khác nhau, trong đó thuốc kháng histamin chữa viêm xoang là thuốc kháng histamin H1.

Thuốc kháng histamin h1 gồm có 2 thế hệ là thế hệ 1 và thế hệ 2. Trong đó các thuốc kháng histamin h1 thế hệ 2 ngày càng được ưa chuộng do tác dụng tốt và kéo dài hơn, nhưng các tác dụng phụ do thuốc gây ra lại ít hơn đáng kể. Các thuốc kháng histamin chữa viêm xoang hay được dùng trên thực tế như Loratadin, citirizin, fexofenadin, clopheniramin, promethazin, terphenadin,...

Thuốc kháng Histamin chữa viêm xoang và những điều cần biết - Ảnh 1.

Thuốc kháng histamin thường được dùng để chữa viêm xoang

2. Những trường hợp nào nên sử dụng thuốc kháng histamin để chữa viêm xoang?

Mặc dù các thuốc kháng histamin có hiệu quả tốt cho nhiều trường hợp viêm xoang. Tuy nhiên, thuốc chỉ được chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân thực sự cần thiết sử dụng thuốc, chẳng hạn như có các triệu chứng bệnh lý mà cơ chế hình thành có sự tham gia của hiistamin.

Những trường hợp thường được sử dụng thuốc kháng histamin chữa viêm xoang bao gồm:

- Các trường hợp viêm xoang do dị ứng: Đối với các trường hợp viêm xoang do dị ứng (khói bụi, phấn hoa, thời tiết,...) thì việc sử dụng thuốc kháng histamin là cực kỳ cần thiết để cắt đứt chuỗi phản ứng dị ứng của cơ thể thông qua sự ức chế thụ thể histamin. Từ đó cho hiệu quả điều trị và giảm nhanh các triệu chứng của bệnh.

- Bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng có sự tham gia của histamin: Ngoài trường hợp bệnh nhân bị viêm xoang do dị ứng, thì nếu như bệnh nhân biểu hiện triệu chứng có sự tham gia của histamin như ngứa mũi, phù nề niêm mạc mũi và xoang,...

3. Dùng thuốc kháng histamin chữa viêm xoang gây tác dụng phụ gì?

Mặc dù là loại thuốc tương đối an toàn, ít độc cho người sử dụng. Nhưng trong một số trường hợp, người bệnh vẫn có thể sẽ gặp một số tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như:

- Ức chế thần kinh trung ương: Khi sử dụng thuốc kháng histamin chữa viêm xoang, thuốc có thể gây nên tình trạng ức chế thần kinh trung ương khiến người bệnh có biểu hiện buồn ngủ, chóng mặt, giảm phối hợp động tác. Do đó, thuốc cần chỉ định thận trọng về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng với các bệnh nhân có yêu cầu công việc cần tập trung cao độ như lái xe, vận hành máy móc chính xác,..

- Tác dụng lên hệ cholinergic: Do tác động lên hệ cholinergic nên khi dùng thuốc kháng histamin chữa viêm xoang có thể gây một số tác dụng phụ như khô miệng và hầu họng, khó khạc đờm, bí đái, đánh trống ngực, giảm tiết sữa,...

- Gây dị ứng: Mặc dù thuốc kháng histamin là thuốc chữa trị cho các trường hợp dị ứng, tuy nhiên chính bản thân nó cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng dị ứng. Biểu hiện bằng ngứa ngáy, mề đay, hồng ban, phù Quincke, sốc phản vệ,...

Ngoài ra, thuốc còn có thể gây một số tác dụng phụ nguy hiểm khác như xoắn đỉnh (terfenadin), biến đổi huyết áp, các thay đổi về huyết học,...

Có thể thấy rằng, thuốc kháng histamin chữa viêm xoang được sử dụng rất phổ biến do hiệu quả tích cực mà nó mang lại. Tuy nhiên, người bệnh viêm xoang cũng không nên lạm dụng thuốc mà cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra các tác dụng phụ.


Tác giả: QN